CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Kinh tế
Phát huy thế mạnh của An Lão - mỗi xã một sản phẩm mới
Thứ năm 27/02/2020 11:34
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), UBND huyện An Lão chỉ đạo các địa phương lựa chọn những cây trồng, vật nuôi chủ lực để tập trung phát triển, nhằm giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực có thế mạnh của huyện đã phát huy hiệu quả bước đầu như: Bò thịt chất lượng cao,  Heo đen địa phương, Gà thịt thả đồi, Rau sạch, Chè tiến Vua An Toàn, Tơ Tằm Vạn Khánh, Đồ gỗ mỹ nghệ,… Đến nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã xác định được cây trồng, vật nuôi chủ lực để tập trung phát triển thành sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, được người tiêu dùng đón nhận.

Huyện luôn xác định, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng gắn liền với phát triển nông nghiệp, du lịch và lộ trình xây dựng NTM, do vậy, đợt I năm 2019, tỉnh đã công nhận An Lão có 3 sản phẩm OCOP là Mật ong rừng Cơ sở kinh doanh mật ong rừng Mây, xã An Tân; Cam sành của hộ ông Lê Văn Năng xã An Toàn; Cau trái của Công ty TNHH Thương mại Huệ Cư xã An Hòa là sản phẩm đạt 3 sao.

Huyện, tổ chức đánh giá và phân hạng 6 sản phẩm OCOP là, Heo đen An Lão, Bò hữu cơ của Doanh nghiệp tư nhân Vy Viên; nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ của cơ sở Tuyết Sương xã An Hòa; thương hiệu Rượu cần An Lão của hộ gia đình bà Đinh Thị Co ở thôn 1 xã An Hưng; Tiêu An Lão của gia đình ông Trần Đông Y - xã An Hòa; Nhóm sản phẩm rau sạch gồm Dưa leo, Khổ qua và đậu cô ve được sản xuất đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng của nhóm hộ thôn Tân Lập xã An Tân. 6 sản phẩm đăng ký được xếp hạng lần này đều có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Mỗi sản phẩm đều có giá trị dinh dưỡng, công dụng riêng, thể hiện tính độc đáo. Sau khi đánh giá các sản phẩm đạt theo Bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng, sản phẩm sẽ được hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, tem truy suất nguồn gốc khi đưa ra thị trường.

Với kết quả đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP năm 2019 sẽ là cơ sở, động lực và là mục tiêu để khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong huyện tham gia chương trình OCOP ngày càng hoàn thiện, nâng cấp, chuẩn hóa các sản phẩm, đảm bảo theo tiêu chuẩn đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, góp phần cùng địa phương thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập người dân.

Theo ông Đỗ Đình Biểu, Trưởng phòng NN - PTNT huyện An Lão:- Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, là sự đầu tư, lựa chọn sản phẩm đặc trưng, thế mạnh để tập trung phát triển. Huyện tiếp tục kêu gọi, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản nhằm giúp bà con yên tâm lao động sản xuất.

Năm 2019, UBND huyện An Lão cũng đã phê duyệt Dự án sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap trên địa bàn với tổng kinh phí đầu tư gần 358,5 triệu đồng, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ không hoàn lại hơn 220 triệu đồng, giúp nông dân kéo 450m đường dây điện lưới quốc gia, mua 09 máy bơm nước, lắp đặt hệ thống tưới, đồng thời mua  giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, tập huấn kỹ thuật để sản xuất; Người tham gia dự án đối ứng hơn 138 triệu đồng mua phân chuồng, chi phí nhân công làm đất, trồng, chăm sóc và thu hoạch; nông dân phải cam kết duy trì sản xuất rau an toàn liên tục từ 05 năm trở lên sau khi dự án kết thúc. Tiếp đó, huyện tiếp tục bổ sung trên 86 triệu đồng giao cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ huyện và UBND xã An Tân tổ chức xây dựng hệ thống nhà lồng bằng lưới, bao gồm cả hệ thống tưới tự động và hệ thống làm mát, hỗ trợ 09 hộ nông dân ở thôn Tân Lập, xã An Tân thực hiện mô hình sản xuất 1,8 ha rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap trong vụ Đông Xuân 2019 - 2020. Các sản phẩm nông nghiệp nông dân tập trung sản xuất theo mô hình trên gồm: 0,3ha măng tây; 0,35ha rau cải ngọt, rau muống, mồng tơi, rau dền, tần ô và một số rau gia vị khác; 1,15 ha rau lấy quả như khổ qua, dưa leo, đậu cô ve, ớt.

Tính hiệu quả của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nêu trên cho thấy, hầu hết các sản phẩm, dịch vụ đều có tiềm năng lớn, sẽ trở thành hàng hóa khi biết đầu tư và khai thác tính mới, điểm mạnh của mỗi sản phẩm khi đưa ra thị trường và là sản phẩm chủ lực của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện; đòi hỏi sự tập trung chỉ đạo của cấp ủy đảng và sự vào cuộc cả hệ thống chính trị huyện, sẽ tạo động lực cho sản xuất, kinh doanh hiệu quả và từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập đời sống của nhân dân địa phương./.

Thy Phương