Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến (đứng giữa) kiểm tra việc thực hiện thủ tục kiểm soát tàu cá, xác nhận nguồn gốc thủy sản tại cảng cá Quy Nhơn.
● Thưa Thứ trưởng, ông đánh giá như thế nào về công tác chống khai thác IUU nhằm tháo gỡ "thẻ vàng" của EC được triển khai tại Bình Định trong thời gian qua?
- Tôi ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà tỉnh triển khai các giải pháp chống khai thác IUU. Không chỉ khai thác IUU, mà cả định hướng phát triển ngành Nông nghiệp nói chung, Bình Định làm rất tốt! Với sự quyết tâm từ cấp ủy Đảng đến chính quyền, các đoàn thể vào cuộc đồng bộ, thực hiện nhiều giải pháp, như: Ký cam kết ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài; vận động ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá; quản lý tàu cá hoạt động tại các tỉnh phía Nam nhiều năm không trở về địa phương… tỉnh Bình Định đã nâng cao nhận thức ngư dân. Thống kê và kết quả giám sát của chúng tôi cho thấy, tình trạng tàu cá và ngư dân Bình Định vi phạm vùng biển nước ngoài giảm hẳn. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, Bình Định không còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Phải khẳng định rằng đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị của tỉnh, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ gỡ "thẻ vàng" thủy sản của cả nước nói chung, tỉnh Bình Định nói riêng.
● Mặc dù vậy, Bình Định có còn khó khăn, khiếm khuyết gì trong công tác chống khai thác IUU không thưa ông?
- So với nhiều địa phương khác, tôi khẳng định - Bình Định đã làm rất tốt! Đã làm tốt rồi thì càng phải tận dụng khí thế ấy để phấn đấu làm tốt hơn nữa! Tháng 6.2019, tôi có đến kiểm tra thực tế tại cảng cá Quy Nhơn và đợt tháng 2.2020 cũng vậy. Qua kiểm tra lần hai, tôi thấy các quy trình quản lý tàu cá xuất nhập cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản tại cảng cá Quy Nhơn được thực hiện bài bản, chặt chẽ hơn; ngư dân chấp hành rất tốt và thông thạo các quy định. Riêng hạ tầng tại cảng cá Quy Nhơn được đầu tư bài bản, về tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý môi trường vẫn chưa ổn lắm. Thời gian tới, tỉnh cần đầu tư hơn nữa hạ tầng các cảng cá; đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật cho ngư dân, tăng cường thực thi Luật Thủy sản; đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá để hoàn thiện hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; chú trọng quản lý tàu cá ra vào cảng, hoạt động khai thác thủy sản; thực hiện đúng các quy định trong việc xác nhận, chứng nhận nguyên liệu thủy sản để truy xuất nguồn gốc.
Lực lượng chức năng của tỉnh tuần tra, kiểm soát tàu cá ra, vào cảng cá Quy Nhơn.
● Dự kiến tháng 5 tới, Đoàn kiểm tra của EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra IUU lần thứ 3. Thời gian không còn nhiều, vậy Bộ NN&PTNT sẽ có những hỗ trợ nào để có thể đạt kết quả tốt nhất, thưa Thứ trưởng?
- Trước hết, phải khẳng định từ khi EC cảnh báo "thẻ vàng" thủy sản vào năm 2017 cho đến nay, chúng ta làm được rất nhiều việc quan trọng, nhất là thể chế hóa các khuyến nghị của EC vào Luật Thủy sản 2017 đáp ứng được yêu cầu quốc tế được EC đánh giá cao. Đặc biệt cho đến thời điểm này, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài giảm rõ rệt.
Theo tôi dù chỉ còn thời gian ngắn, nhưng nhận thức của bà con ngư dân và hệ thống chính trị ở các địa phương đã được nâng cao; nếu các tỉnh, thành cùng tập trung đồng bộ, quyết liệt triển khai các giải pháp chống khai thác IUU như các "điểm sáng" ở Bình Định, Quảng Ngãi, Kiên Giang, cùng chung tay với Trung ương trong nhiệm vụ chống khai thác IUU thì tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ sớm gỡ được "thẻ vàng" của EC. Bộ cũng ghi nhận các kiến nghị của các tỉnh, thành để kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ có giải pháp đầu tư cơ sở, hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền… từng bước gỡ vướng cho các địa phương, góp phần phát triển ngành Thủy sản cả nước, chuyển dần từ một "nghề cá nhân dân" sang nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững, hội nhập khu vực và quốc tế.
● Xin cảm ơn Thứ trưởng!
ĐOÀN NGỌC NHUẬN - Nguồn Báo Bình Định