CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Kinh tế
Tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm 2020: Bức tranh nhiều gam màu sáng
Thứ năm 16/07/2020 08:47
Tham gia thảo luận tổ chiều 15.7 tại kỳ họp thứ 12 HÐND tỉnh khóa XII, nhiều đại biểu đánh giá cao kết quả phát triển KT-XH của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2020. Ðồng thời, đặt ra nhiều vấn đề về dân sinh cần quan tâm giải quyết.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ đại biểu số 1. Ảnh: VĂN LƯU

Nhiều tín hiệu khả quan

Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu (ĐB) đều đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, nghị quyết của Tỉnh ủy về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2020, nhất là thực hiện "mục tiêu kép": vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển KT-XH.

Đáng chú ý, thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm nay đạt 4.716 tỷ đồng, đạt 47,8% dự toán năm, giảm 23,1% so với cùng kỳ. ĐB Trần Văn Sang (đơn vị Phù Cát) đánh giá: "Nhìn vào kết quả chung thì việc thu ngân sách chưa đạt so với chỉ tiêu. Song, nếu phân tích kỹ, có thể thấy những khoản thu đạt và vượt so với kỳ vọng, thể hiện năng lực nền kinh tế của tỉnh". 

Phân tích kỹ hơn, Giám đốc Sở Tài chính Lê Hoàng Nghi (đơn vị An Nhơn) cho biết, kết quả chi tiết từng khoản thu có thể yên tâm phần nào vì nội dung giảm chủ yếu là tiền sử dụng đất (1.338 tỷ đồng, đạt 44,6% dự toán năm, giảm 57,1% so với cùng kỳ). Trong khi đó, các khoản thu ổn định vẫn đạt 50,3% so với dự toán năm và tăng 14,8% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, có một số nội dung thu ngân sách thể hiện chất lượng nguồn thu, đơn cử lĩnh vực xí nghiệp, đầu tư nước ngoài tăng 40%.

"Tín dụng đen" đã hạ nhiệt

Trên lĩnh vực ANTT, ÐB Trần Ánh Tuyết và ÐB Phạm Hồng Sơn (đơn vị Quy Nhơn) đều cho rằng, trên địa bàn TP Quy Nhơn thời gian qua tình trạng cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, các tiệm cầm đồ với lãi suất cao nổi lên rất nhiều, làm cho người dân hết sức bất an.

Về vấn đề này, đại tá Nguyễn Ðức Nam - Phó Giám đốc CA tỉnh, thông tin tình hình cho vay nặng lãi trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây đã giảm nhiều so với các năm trước. Lực lượng CA đã truy quét, đẩy đuổi hàng chục nhóm cho vay nặng lãi ở phía Bắc vào hoạt động, xử lý hầu như triệt để các nhóm cho vay nặng lãi trên địa bàn TP Quy Nhơn, TX An Nhơn và huyện Tuy Phước. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn âm ỉ hoạt động một phần là vì người dân vẫn tham gia do thủ tục vay nợ đơn giản. 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, khó khăn lớn nhất trong những tháng đầu năm 2020 là điều hành kinh tế trong thời điểm đại dịch Covid-19 với những khó khăn chưa có tiền lệ. Lãnh đạo tỉnh đã rất bình tĩnh, chủ động triển khai các giải pháp quyết liệt, phù hợp với điều kiện thực tế để không để xảy ra dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, kinh tế tiếp tục tăng trưởng.

Đánh giá chung về việc thực hiện nhiệm vụ 6 tháng còn lại của năm 2020, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn (đơn vị Quy Nhơn) cho rằng, tuy rất khó khăn để đạt chỉ tiêu tăng trưởng của năm 2020 nhưng Bình Định có lợi thế là hạ tầng kết nối đang được đầu tư khá hoàn thiện. Cụ thể, QL19 từ QL 1A đến Cảng Quy Nhơn, đường nối Long Vân - Canh Vinh đã hoàn thiện; Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Becamex Bình Định đã được phê duyệt, đang đẩy nhanh giải phóng mặt bằng; dự trù hết tháng 7 này sẽ hoàn thành cơ bản đường trục từ Sân bay Phù Cát về Khu kinh tế Nhơn Hội...

"Để thuận tiện hơn cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa từ các khu, cụm công nghiệp về Cảng Quy Nhơn, tỉnh cũng đã có định hướng khởi công thêm một số tuyến đường đấu nối. Về lâu dài tỉnh sẽ phát triển TP Quy Nhơn theo hướng lấy đầm Thị Nại làm trung tâm và phát triển không gian xung quanh để đầm là trung tâm phát triển của Quy Nhơn và các vùng lân cận", ĐB Lê Kim Toàn thông tin thêm.

Cần giải quyết nhiều vấn đề dân sinh

Trước tình hình biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, ĐB Phạm Trương (đơn vị Hoài Nhơn) cho rằng cần tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, có thể chỉ sản xuất 1 vụ nhưng giá trị cao bằng 2 vụ. Đơn cử, TX Hoài Nhơn vừa thực hiện thí điểm mô hình nếp ngự và đã thành công khi sản phẩm này đã được xuất khẩu sang Mỹ. Bên cạnh đó, cần xem xét rà soát lại các hồ đập để nâng dung tích chứa, chủ động về nguồn nước; sớm xây dựng và thực hiện dự án trồng cây bản địa trên rừng phòng hộ.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Giờ (đơn vị Hoài Nhơn) cũng cho rằng ngành Nông nghiệp nên chủ động định hướng chuyển đổi cây trồng, tránh tình trạng dôi dư và giảm năng suất do biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương cần có chính sách cụ thể trong việc giải quyết đầu ra sản phẩm. Hiện nay, một số địa phương đã chủ động việc liên kết vùng để đưa sản phẩm tiếp cận với các địa phương khác rất hiệu quả; cần chủ động nhân rộng cách làm này để phát triển nông nghiệp bền vững.

Bên cạnh đó, các ĐB cũng quan tâm đến những vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là tình trạng xâm hại, lấn chiếm đất lâm nghiệp còn xảy ra phổ biến, nhất là khu vực đất rừng giáp ranh giữa huyện Vĩnh Thạnh và TX An Khê (tỉnh Gia Lai); huyện Vân Canh và Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên). Trong khi đó, lực lượng làm công tác quản lý, bảo vệ rừng mỏng nên gặp rất nhiều khó khăn.

"Trong khi người dân ở Vĩnh Thạnh, Vân Canh gặp nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất thì người dân ở tỉnh Gia Lai, Phú Yên lại vô tư sử dụng, canh tác hàng nghìn hecta đất lâm nghiệp do mình quản lý. Tình trạng này đã xảy ra nhiều năm nhưng chưa giải quyết dứt điểm. Đề nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng liên quan sớm có biện pháp xử lý", ĐB Đinh Yang King (đơn vị Vĩnh Thạnh) nêu ý kiến.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu thông tin, UBND tỉnh đã và đang làm việc với tỉnh Gia Lai, Phú Yên và các cơ quan Trung ương để sớm giải quyết dứt điểm tình trạng người dân ở ngoài tỉnh lấn chiếm, xâm phạm diện tích đất lâm nghiệp do tỉnh quản lý.

Nguồn Báo Bình Định