Theo khảo sát của các chuyên gia, tỉnh Bình Định có số giờ nắng bình quân gần 7 giờ/ngày, cường độ bức xạ mặt trời ước tính đạt 5,24 kWh/m2/ngày, thích hợp để phát triển điện mặt trời. Một số khu vực tại Khu kinh tế Nhơn Hội, các xã ven biển huyện Phù Mỹ, huyện Phù Cát có tốc độ gió đạt trên 6 m/giây đều có thể đầu tư phát triển điện gió. Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Theo Đề án quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh đến năm 2030, sẽ có 40 dự án điện mặt trời với tổng công suất trên 2.280 MWp. Đối với Đề án quy hoạch phát triển điện gió trên địa bàn tỉnh, đến năm 2030 sẽ có 9 dự án, tổng công suất là 237 MW. Điều này phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn năng lượng này trong cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cánh đồng điện gió của Nhà máy phong điện Phương Mai 3.
Từ tháng 4.2017, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 11/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, sức hút đầu tư vào lĩnh vực này tại Bình Định càng thêm lớn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3 dự án đi vào hoạt động là Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp (công suất 49,5 MWp), Nhà máy điện mặt trời Fujiwara (công suất 50 MWp), Nhà máy phong điện Phương Mai 3 (công suất 21 MW). Ba nhà máy này đã góp 1/7 sản lượng điện trên địa bàn tỉnh. Theo Công ty Điện lực Bình Định, mùa nắng nóng năm nay, trong khi năng lực sản xuất của các nhà máy thủy điện giảm do hạn hán, việc có thêm nguồn điện mặt trời, điện gió đã góp phần đảm bảo cung ứng điện. Ngành Thuế tỉnh cho biết, các dự án đầu tư điện mặt trời, điện gió có quy mô lớn đã tạo thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Nhu cầu sử dụng nguồn năng lượng này trong các DN, cơ sở kinh doanh, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng tăng dần. Bà Đoàn Thúy Kiều, nhà ở đường Nguyễn Thái Học, TP Quy Nhơn, chia sẻ: "Gia đình đã đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái trên 250 triệu đồng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sử dụng cho các phòng thuê trọ. Qua tư vấn của đơn vị thi công và lắp đặt, bên cạnh đảm bảo điện phục vụ cho sinh hoạt gia đình, sản lượng điện dôi dư có thể bán lại cho ngành điện".
Ở những khu vực khó khăn trong việc đấu nối hệ thống điện lưới quốc gia, điện mặt trời đang trở thành lựa chọn của nhiều người. Ông Nguyễn Hữu Lộc, chủ một cơ sở lưu trú ở xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn), cho biết: "Để phục vụ du lịch, nguồn điện sinh hoạt trước đây là vấn đề nan giải. Sau khi xây dựng hoàn thiện homestay, tôi đã đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời, nhờ đó đảm bảo được nguồn điện phục vụ du khách trong thời gian lưu trú trên đảo". Ở huyện miền núi Vân Canh, điểm trường mầm non ở làng Canh Giao (xã Canh Hiệp) từ cuối năm 2017 đã được hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, việc sinh hoạt của giáo viên đỡ nhọc nhằn hơn, học trò đến lớp có điện phục vụ học hành hiệu quả hơn.
Hệ thống điện mặt trời áp mái của hộ gia đình bà Đoàn Thúy Kiều (đường Nguyễn Thái Học, TP Quy Nhơn).
Ông Trương Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghệ Ánh Dương (TP Quy Nhơn) chuyên lĩnh vực lắp đặt điện mặt trời, nhìn nhận: "Số lượng hộ gia đình, các trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư điện mặt trời để sử dụng ngày càng nhiều. Đây là tín hiệu vui, không chỉ giúp cho những công ty hoạt động trong lĩnh vực này như chúng tôi có thể phát triển mạnh hơn, mà còn giảm áp lực sử dụng nguồn điện từ năng lượng hóa thạch. Nếu đầu tư khoảng 30 triệu đồng/kWp, một hộ gia đình đảm bảo được điện sinh hoạt, sau 5 năm thu hồi được vốn đầu tư, tạo thêm sản lượng điện dôi dư hòa lưới điện quốc gia, góp phần cung ứng cho các nơi thiếu điện".
THU DỊU - NGUYỄN HÂN - Nguồn Báo Bình Định