Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tình hình phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp tại Bình Định.
Theo Bộ NN&PTNT, nước ta đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến, bảo quản sản phẩm lúa gạo, rau quả, cà phê, cao su, điều, tiêu, thủy sản, gỗ.. tiêu thụ nội địa và xuất khẩu với 7.500 cơ sở quy mô lớn cùng hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, hộ gia đình. Sản phẩm nông nghiệp đã xuất khẩu đến 186 nước và vùng lãnh thổ, góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD. Cơ giới hóa nông nghiệp có xu hướng tăng, nhiều khâu sản xuất đã được cơ giới hóa đạt tỷ lệ 95%. Tuy vậy khả năng chế biến một số ngành hàng còn yếu; việc đầu tư và áp dụng công nghệ hiện đại, tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế. Cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa đủ hấp dẫn để DN đầu tư trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản.
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về phát triển công nghiệp và cơ giới hóa nông nghiệp tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết, Bình Định có 48 DN hoạt động sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi, tinh bột sắn, điều, dừa, dầu thực vật.. giải quyết việc làm cho khoảng 2.200 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 5,5-6,5 triệu đồng/người/tháng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp năm 2019 lên 11.483 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 49,2 triệu USD. Cơ giới hóa nông nghiệp phát triển khá mạnh, riêng trên lĩnh vực trồng trọt, tỷ lệ cơ giới hóa làm đất đạt 93%, chăm sóc đạt 28%, thu hoạch 82%. Lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng đã có nhiều DN đầu tư thiết bị tự động, bán tự động trong các khâu cung cấp thức ăn, cấp nước, làm mát, sưởi ấm, vắt sữa..
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, một số Tập đoàn sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản và nhiều địa phương cho rằng, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa không còn phù hợp với tình hình mới. Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho địa phương đầu tư nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho DN, HTX đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ ngành, UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương cần phải ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp để nâng cao giá trị bền vững. Sau Hội nghị này, các Bộ ngành Trung ương phải tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị mới, chiến lược mới, chính sách mới phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp. Các đơn vị phải quan tâm giải quyết kiến nghị của DN và địa phương về giảm lãi suất vốn vay, kéo dài thời gian vay để DN và HTX đầu tư máy móc, nâng cao năng lực sản xuất, đồng thời lựa chọn sản phẩm tốt để xây dựng thương hiệu tầm quốc gia. DN cũng phải phối hợp với địa phương thực hiện tích tụ ruộng đất, xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung, đầu tư thiết bị máy móc để giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất.
Nguồn Báo Bình Định