Đề án trên gồm 5 nội dung hỗ trợ chính về: Đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất chuyên biệt tại hiện trường; liên kết sản xuất, kinh doanh; phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường; tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thực hiện các thủ tục sản xuất thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng.
Nhờ hợp tác, liên kết, hoạt động của HTX Phong Nga ngày càng phát triển và đạt hiệu quả.
- Trong ảnh: Một góc phân xưởng sản xuất bánh cốm Phong Nga.
Thực tế cho thấy nếu được hỗ trợ tích cực trong giai đoạn tăng trưởng, DNNVV sẽ hoạt động hiệu quả cao hơn nhiều lần so với bình thường. Bà Huỳnh Thị Tuyết Nga, Chủ tịch HĐQT HTX Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Phong Nga (xã Cát Tường, huyện Phù Cát), xác nhận: Nhờ sự hỗ trợ của Sở Công Thương, mà ở giai đoạn "nở nồi", chẳng những HTX có thêm điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh mà còn phối hợp, liên kết với nhiều cơ sở làng nghề địa phương để cùng nhau cải tiến mẫu mã bao bì, chất lượng sản phẩm, đáp ứng các điều kiện an toàn thực phẩm, phát triển thương hiệu… Đặc biệt, 7 cơ sở sản xuất sản phẩm bánh cốm, kẹo truyền thống ở Cát Tường nhất trí gia nhập HTX Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Phong Nga. Nhờ vậy, chỉ tính trong khoảng 2 năm gần đây sản phẩm của Phong Nga đã liên tiếp đạt danh hiệu "Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu".
Theo thống kê, bình quân mỗi năm các DNNVV đạt doanh thu thuần khoảng 61.600 tỷ đồng, chiếm 51,2% tổng doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên 65% DNNVV ở Bình Định hoạt động ở lĩnh vực dịch vụ, còn khoảng 35% là hoạt động sản xuất; có 62% DN có quy mô nguồn vốn dưới 5 tỷ đồng, số lượng DN tư nhân tuy tăng hàng năm nhưng quy mô bình quân của mỗi DN không lớn, khiến hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp. Bên cạnh đó, năng lực KHCN của nhiều DNNVV còn lạc hậu, năng suất lao động chưa cao, năng lực và kinh nghiệm quản trị DN còn hạn chế; hiểu biết pháp luật, kỹ năng tiếp thị, trình độ công nghệ thông tin còn yếu...
Ông Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Mục tiêu mà Đề án xác định là: Giai đoạn 2020 - 2025, phấn đấu hình thành 18 - 20 cụm liên kết ngành và 60 - 70% DN trong cụm liên kết ngành được hỗ trợ, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu các DN xuất khẩu được hỗ trợ trong cụm liên kết ngành 8%/năm. Cụ thể, về hỗ trợ liên kết sản xuất, kinh doanh, Đề án sẽ hỗ trợ chi phí hợp đồng tư vấn về thúc đẩy liên kết trong cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ giá trị hợp đồng tư vấn về xây dựng các dự án liên kết kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển thị trường, nâng cao giá trị của sản phẩm, hàng hóa.
VIẾT HIỀN - Nguồn Báo Bình Định