CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Kinh tế
Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Ðông, giai đoạn 2021 – 2025: Chấm dứt tình trạng yêu sách, đòi hỏi vô lối
Thứ năm 04/04/2024 09:43

Từ tháng 2 đến nay, việc giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Ðông, giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt Dự án) vẫn chưa thể dứt điểm. Khối lượng còn lại tuy khá ít - chỉ chiếm 0,04% với 2 tổ chức và 53 hộ nhận tiền đền bù chưa giao mặt bằng nhưng UBND tỉnh buộc phải đưa ra hàng loạt giải pháp và yêu cầu các địa phương chấm dứt công tác giải phóng mặt bằng vào ngày 30.4.

Địa phương kêu khó

Hiện nay, các địa phương liên tục than khó khăn khi tổ chức giải phóng mặt bằng (GPMB) liên quan 2 tổ chức gồm: Công ty TNHH Vũ Hà (Tuy Phước), Chi nhánh công trình Viettel Bình Định (TX Hoài Nhơn). Công tác GPMB ở 2 tổ chức này kéo dài hơn 1 năm, địa phương kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành vào cuộc hỗ trợ.

Ông Trần Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn cho biết: Vấn đề áp giá thiết bị sản xuất điện áp mái cho chi nhánh Viettel Bình Định, UBND TX Hoài Nhơn không có căn cứ để áp giá đền bù nên cần UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương và Công ty Điện lực Bình Định hỗ trợ cho ý kiến.

Các nhà thầu nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án sớm hơn kế hoạch đề ra. Ảnh: HẢI YẾN

Riêng vấn đề Công ty TNHH Vũ Hà (Tuy Phước) đã nhận tiền đợt 1 nhưng yêu cầu đền bù cao tới gấp 10 lần, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: Chúng tôi thuê đơn vị tư vấn làm việc hơn 3 tháng và kết quả hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng để di dời hệ thống điện sinh hoạt, hệ thống ống nước phục vụ tưới tiêu và tài sản trong nhà nuôi cấy mô. Song công ty đưa ra mức giá đền bù tới hơn 19,4 tỷ đồng. Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh thành lập hội đồng xem xét hỗ trợ cho huyện hướng xử lý, vì quy định của tỉnh không có mục áp giá đền bù cho nhà nuôi cấy mô.

Liên quan công tác GPMB, UBND tỉnh cũng nhận rất nhiều đơn kiến nghị không chấp thuận phương án xử lý đền bù do địa phương tính toán của nhiều hộ dân. Hiện còn 53 ngôi nhà đã được các hộ dân thống nhất phương án và nhận tiền nhưng chưa tháo dỡ bàn giao mặt bằng để thi công. Trong đó, 2 địa phương có số lượng nhà chưa bàn giao nhiều nhất là Hoài Ân (32 căn), TX An Nhơn (15 căn).

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Chánh Thanh tra tỉnh, cho biết: Đến nay, Thanh tra tỉnh nhận 23 hồ sơ khiếu nại của người dân ở 8 địa phương có Dự án đi qua. Trong đó, Thanh tra tỉnh giải quyết 9/10 vụ, vụ còn lại chờ đối thoại. Trong đó, 6/10 vụ giữ nguyên quyết định của địa phương, 1 vụ công nhận một phần khiếu nại của người dân, 2 vụ đình chỉ vì các hộ dân xin rút đơn. Hiện nay, chúng tôi đang cố gắng gấp rút hoàn thành công tác thanh tra 13 vụ còn lại để sớm trả lời cho người dân và địa phương.

Sở, ngành chủ động tháo gỡ cho địa phương

Tại cuộc họp kiểm tra công tác GPMB Dự án ngày 2.4 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng rất bức xúc vì tình trạng chậm trễ của các địa phương. Hơn 1 năm thực hiện công tác GPMB với khối lượng khá lớn, TX Hoài Nhơn và huyện Tuy Phước đã chủ quan, để vấn đề vướng mắc tại 2 tổ chức DN quá lâu, không mạnh dạn đưa ra đề xuất cụ thể để UBND tỉnh chỉ đạo sở, ngành vào cuộc.

Bà Võ Cao Thị Mộng Hoài, Phó Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Để UBND huyện Tuy Phước xử lý đền bù lĩnh vực nuôi cấy mô khá nhạy cảm, vì là ngành công nghệ cao nên rất dễ rủi ro. Hiện nay, một số giá đền bù thiết bị, dụng cụ của Công ty TNHH Vũ Hà đưa ra quá cao, không phù hợp so với thực tế. Ngoài Công ty TNHH Vũ Hà còn có một số công ty khác cũng nuôi cấy mô giống keo lai và bạch đàn nên không quá khó để đối chiếu, so sánh, tham khảo mức đầu tư nhà nuôi cấy mô. Do đó, UBND huyện cần chủ động tham vấn sở, ngành liên quan, công ty sản xuất giống cây trồng… để khi đối thoại có ý kiến chuyên môn thuyết phục và tìm điểm chung với DN trong quá trình đền bù.

Để đảm bảo tiến độ Dự án, nhiều địa phương hỗ trợ và vận động người dân dựng nhà tạm, thuê nhà ở trong quá trình chờ xây nhà mới ở khu tái định cư, giao mặt bằng cho nhà thầu.  Ảnh: HẢI YẾN

Theo ông Trần Kỳ Quang, Phó Giám đốc Sở TN&MT, Công ty TNHH Vũ Hà yêu cầu đền bù mức chênh lệch quá cao, phi thực tế. Sở TN&MT cùng tổ công tác gồm các sở, ngành liên quan và UBND huyện Tuy Phước đối thoại, kiểm tra thực tế tại Công ty TNHH Vũ Hà và sẽ có ý kiến trình UBND tỉnh trước ngày 10.4.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng chỉ đạo: Tổ công tác làm việc với Công ty TNHH Vũ Hà với tinh thần không hẹp hòi với DN. Nếu DN có cơ sở hợp tình, hợp lý thì tổ công tác tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết. Nếu yêu cầu của DN không có cơ sở thì hỗ trợ như phương án địa phương đã phê duyệt. Các địa phương còn chưa giải quyết dứt điểm công tác GPMB phải hoàn thành chậm nhất là vào ngày 30.4. Những hộ dân và DN đã nhận tiền phải bàn giao mặt bằng trước ngày 15.4 không thể chậm trễ hơn. Dự án này phải báo cáo tiến độ từng ngày cho Chính phủ, sự chậm trễ của các địa phương gây nhiều khó khăn cho nhà thầu. Tôi yêu cầu các địa phương cưỡng chế di dời các hộ dân và tổ chức để giao mặt bằng, chuyện khiếu nại cứ tiếp tục và chờ Thanh tra tỉnh trả lời, địa phương xử lý; Thanh tra tỉnh nỗ lực giải quyết gấp các vụ việc khiếu nại liên quan đến Dự án.

HẢI YẾN - Nguồn Báo Bình Định