CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Kinh tế
THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2024: Hoài Ân và An Lão huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc
Thứ năm 11/01/2024 11:01

Chiều 10.1, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành đã làm việc với lãnh đạo 2 UBND huyện Hoài Ân, An Lão về tình hình KT-XH năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024.

Báo cáo của UBND 2 huyện Hoài Ân và An Lão cho thấy, các địa phương đã có nhiều nỗ lực thực hiện các giải pháp phát triển KT-XH năm 2023. Riêng huyện Hoài Ân đạt và vượt 11/13 chỉ tiêu KT-XH đã được tỉnh giao. Đáng chú ý là tổng giá trị sản phẩm của huyện hơn 5.064 tỷ đồng, đạt 105,5% so với kế hoạch; tốc độ tăng trưởng kinh tế 11,6% (kế hoạch giao từ 5,5 - 5,7%); thu 178,8 tỷ đồng, vượt 32,78 so với dự toán giao đầu năm của huyện và vượt 79,5% so với kế hoạch tỉnh giao. Năm 2024, huyện Hoài Ân phấn đấu đảm bảo 25 chỉ tiêu phát triển KT-XH, trong đó tổng giá trị sản phẩm hơn 5.429 tỷ đồng; tốc độ tăng giá trị sản phẩm 7,2%; thu ngân sách 129,479 tỷ đồng; doanh thu bán lẻ hàng hóa 4.360 tỷ đồng; tổng sản lượng lương thực 66.065 tấn...

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với UBND huyện An Lão về tình hình KT-XH năm 2023 và nhiệm vụ năm 2024. Ảnh: TIẾN SỸ

Năm 2024, huyện tập trung nâng cao hiệu quả thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2020 - 2025; thực tốt công tác quy hoạch, quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường. Hoài Ân cũng chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo…

Trong khi đó, huyện An Lão có 11/14 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt kế hoạch UBND tỉnh giao. Năm 2024, huyện An Lão phấn đấu đảm bảo 27 chỉ tiêu, trong đó tốc độ tăng giá trị sản phẩm từ 7,5 - 8%; tổng vốn đầu tư phát triển 241.666 tỷ đồng; doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 680 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều 11,2%... Để đạt được mục tiêu trên, huyện An Lão tập trung thực hiện nhiều nhóm giải pháp đột phá: Khắc phục triệt để những khuyết điểm, tồn tại của năm 2023; thu hút đầu tư 5 dự án và sớm triển khai trên địa bàn, nhằm tạo ra quy mô kinh tế cho các năm tiếp theo; thực hiện có hiệu quả đề án thoát nghèo; tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển trồng rừng cây gỗ lớn, đạt chứng chỉ FSC…

Theo yêu cầu của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Hoài Ân và An Lão đã phân tích, làm rõ thêm nguyên nhân khiến một số chỉ tiêu KT-XH năm 2023 chưa đạt; cơ sở thực hiện các chỉ tiêu KT-XH năm 2024 đã được UBND tỉnh và HĐND các huyện giao.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu cả hệ thống chính trị huyện Hoài Ân và An Lão phải vào cuộc thực hiện các chỉ tiêu KT-XH đã được UBND tỉnh giao. Riêng Hoài Ân, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến, phát huy các chuỗi liên kết để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Cùng với đó, xây dựng hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế; xây dựng và chỉnh trang đô thị, quản lý nông thôn văn minh, giàu đẹp, nhất là dọc hai bên tuyến đường cao tốc đường bộ Bắc - Nam phía Đông. Hoài Ân cũng chú trọng đến công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Trên cơ sở những định hướng lớn của tỉnh, Hoài Ân cần xây dựng những chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong từng lĩnh vực và có giải pháp khả thi, trong đó, chú trọng đến công tác chuyển đổi số, đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin đến tận xã, phục vụ tốt công tác điều hành, chỉ đạo, thực hiện các chỉ tiêu KT-XH.

Huyện An Lão phải thống nhất quan điểm, cách làm, thực hiện các giải pháp phát triển
KT-XH bài bản, hiệu quả, tránh sai sót. Chỉ tiêu KT-XH đã được tỉnh giao, UBND huyện An Lão phải hướng dẫn cụ thể cho các xã biết để triển khai. Đổi mới công tác điều hành, cách tiếp cận công việc, lấy người dân và DN làm trung tâm thực sự, để thay đổi cuộc sống của người dân, thu hút được đầu tư. Khi dân và DN tin thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn. An Lão cần phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, phát triển rừng gỗ lớn, cây ăn trái; chuyển đổi cơ cấu cây trồng đảm bảo lương thực và đầu tư phát triển chăn nuôi gà thả đồi, chăn nuôi gia súc để tạo sinh kế, thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho dân. Ngoài ra, An Lão  quản lý tốt rừng đặc dụng gắn với việc phát triển du lịch cộng đồng, tạo sản phẩm phục vụ du lịch đặc trưng, riêng biệt. Địa phương cần nhận diện rõ các hộ nghèo, có giải pháp giúp bà con thoát nghèo, trong đó chú trọng đầu tư phát triển 3 chương trình mục tiêu quốc gia và một số dự án. Bên cạnh đó, cần đảm bảo an toàn cho người dân vùng sạt lở, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an ninh quốc phòng. Với nhiều tiềm năng, lợi thế sẵn có nếu quyết tâm cao, 2 năm sau An Lão sẽ thay đổi hẳn.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng lưu ý huyện Hoài Ân, An Lão chú trọng đến công tác đánh giá năng lực cán bộ xã hằng năm để làm cơ sở đánh giá hoàn thành nhiệm vụ; chấn chỉnh kỷ cương làm việc, đạo đức công vụ, tinh thần làm việc nghiêm túc, hết việc chứ không hết giờ. UBND tỉnh và các sở, ngành  luôn đồng hành với các địa phương cùng phát triển…

TIẾN SỸ - Nguồn Báo Bình Định