Theo báo cáo của Sở Công Thương, qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XX trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 137.223 tỷ đồng, đạt 43,8% so với kế hoạch. Một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh có chỉ số sản xuất giảm hoặc tăng trưởng thấp so cùng kỳ. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành tìm cách đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển công nghiệp.
Ngành công nghiệp trọng tâm gặp khó
Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, 2 năm qua, ngành gỗ đối mặt tình trạng sụt giảm đơn hàng, lượng hàng tồn kho lớn. Trong 6 tháng đầu năm 2023, giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ tỉnh ước đạt khoảng 441 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 61,2% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh Bình Định. Một số nhà máy có đơn hàng, nhưng chịu nhiều ràng buộc về giảm giá, không có kế hoạch thời gian giao hàng, tự lưu kho bảo quản lượng lớn hàng hóa… dẫn đến tình trạng bị động, lo ngại, sản xuất cầm chừng.
Ngành thủy sản Bình Định đang gặp 2 vấn đề khó khăn từ nguồn nguyên liệu và an toàn thực phẩm theo quy định của EU. Bà Cao Thị Kim Lan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Bình Định, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Ðịnh (BIDIFISCO), cho biết: Năm 2022, giá trị xuất khẩu của công ty đạt 140 triệu USD, trong đó thị trường EU chiếm đến 35 - 40%. 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu toàn ngành giảm đến 30 - 40%, BIDIFISCO đạt doanh thu trên 50 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Từ nay đến cuối năm, dự báo thị trường EU còn khó khăn hơn, chắc chắn giá trị xuất khẩu vào thị trường này sẽ tiếp tục giảm xuống. Trong khi đó, việc chuyển đổi thị trường không hề đơn giản, phải mất tối thiểu 3 - 6 tháng may ra mới tìm được thị trường mới.
Ngành sản xuất đồ uống của Bình Định vẫn vượt qua khó khăn, đạt mức tăng trưởng cao. Ảnh: HẢI YẾN
Một số DN thuộc ngành khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng vẫn còn tiếp tục gặp khó khăn do nguồn mỏ cạn kiệt; chưa tìm được thị trường đầu ra cho sản phẩm và chưa tiếp cận được nguồn vốn vay để đầu tư và phát triển sản xuất, đã làm hạn chế đến tốc độ tăng trưởng chung của ngành
Rất nhiều DN gặp khó khăn nhưng ngành sản xuất công nghiệp trong tỉnh vẫn đạt được kết quả tăng trưởng; các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như dệt may, bia, sản xuất dăm gỗ, sản xuất và phân phối điện... giữ vững tốc độ tăng trưởng. Thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh về Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025, theo báo cáo của Sở Công Thương, tốc độ tăng trưởng công nghiệp - xây dựng trong GRDP năm 2021 tăng 8,49%, năm 2022 tăng 8,59%, 6 tháng đầu năm 2023 tăng 7,91% (mục tiêu đề ra giai đoạn 2021 - 2025 là tăng 9,5 - 10,2%).
Thu hút dự án lớn
UBND tỉnh tập trung kêu gọi, hỗ trợ DN đầu tư dự án mới có quy mô và công suất lớn đưa vào hoạt động sản xuất góp phần tăng năng lực sản xuất và duy trì tốc độ trăng trưởng chung của ngành. Từ năm 2021 đến tháng 6.2023, UBND tỉnh đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 88 dự án. Trong đó, 41 dự án đi vào hoạt động với tổng số vốn 17.141,5 tỷ đồng; có 18 dự án trọng điểm có vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng trở lên đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 16.458,2 tỷ đồng.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tạo động lực phát triển nền kinh tế của tỉnh. Tỉnh tập trung nguồn lực, tạo điều kiện triển khai thi công hạ tầng kỹ thuật trên diện tích 200/1.000 ha Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định, đến nay đủ điều kiện để thu hút đầu tư. Tỉnh đã tập trung hợp tác, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các DN đầu đàn trong lĩnh vực công nghệ thông tin (FPT, TMA) triển khai các dự án đã được phê duyệt.
Ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như may mặc vẫn có tốc độ tăng 16,7% trong 5 tháng đầu năm 2023. Ảnh: HẢI YẾN
UBND tỉnh tiếp tục định hướng phát triển các ngành công nghiệp chế biến gỗ, chế biến thực phẩm (tinh bột sắn, tôm đông lạnh, cá ngừ đại dương...) gắn với sản phẩm nông, lâm, thủy sản; hình thành các cụm sản xuất nông - công nghiệp ở nông thôn gắn với làng nghề, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP... trên địa bàn.
Để thúc đẩy tăng trưởng phát triển công nghiệp trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã yêu cầu thực hiện nghiêm các quan điểm, định hướng của Trung ương, của Chính phủ về DN, phải coi DN là đối tượng phục vụ của các cấp chính quyền, tập trung giải quyết, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của DN. Lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm triển khai các dự án trên địa bàn mình, cần thay đổi cách nhìn nhận và cách làm việc của chính quyền với DN theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện cho DN.
UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tiến hành rà soát lại tất cả cơ chế, chính sách, những vấn đề còn tồn tại, bất cập, thiếu hiệu quả để có điều chỉnh kịp thời, tạo hành lang pháp lý thông thoáng thúc đẩy phát triển… Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết: “Chúng tôi sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN trong giai đoạn hiện nay. Chúng ta bị ảnh hưởng, thiệt hại kép rất nhiều thứ. Ở tỉnh ta, các lĩnh vực trọng yếu đều bị ảnh hưởng. Các DN tập trung đổi mới kinh doanh, tiết kiệm để vượt qua giai đoạn khó khăn. Đây là lúc chúng ta tái cấu trúc lại DN”.
HẢI YẾN - Nguồn Báo Bình Định