Ðó là yêu cầu của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn tại Hội nghị đánh giá tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm 2023, triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm.
Hội nghị diễn ra trực tiếp và trực tuyến ngày 13.6, do Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Dự Hội nghị có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thúy Vân.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: TIẾN SỸ
Thuận lợi đan xen khó khăn
Báo cáo của UBND tỉnh tại Hội nghị cho thấy, tình hình KT-XH của tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 duy trì được sự ổn định và phục hồi, phát triển có những “điểm sáng” đáng mừng. Tuy vậy, ở từng lĩnh vực còn có nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực từ các cấp, ngành và địa phương. Đáng chú ý, lĩnh vực nông nghiệp ghi nhận giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 3,27%, tiếp tục khẳng định “bệ đỡ” của nền kinh tế. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết; giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, đầu ra sản phẩm không ổn định; việc phát triển liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm còn nhiều hạn chế…
Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của tỉnh tăng 6,46% so với cùng kỳ năm trước (xếp thứ 9/14 tỉnh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ; xếp thứ 2/5 tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung). Hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống của đại bộ phận nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định; quốc phòng - an ninh được giữ vững. |
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp- xây dựng bị tác động mạnh từ tình hình chung của thế giới. Chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 0,08% so với cùng kỳ. Theo Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng, nhiều ngành hàng chủ lực, có giá trị xuất khẩu lớn, đóng góp quan trọng vào ngân sách giảm sâu, như: Sản xuất xuất khẩu giường, tủ, bàn, ghế; chế biến, xuất khẩu thủy sản; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy… Kim ngạch xuất khẩu mới đạt 720 triệu USD, giảm 15,6% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, ngành du lịch, dịch vụ bứt phá mạnh mẽ, từ đầu năm đến nay đón 2,7 triệu lượt khách du lịch, tăng 20,6% so cùng kỳ; doanh thu du lịch đạt 7.607 tỷ đồng, tăng 33,1%. Du lịch phát triển thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 50.374 tỷ đồng, tăng 17%.
Công tác đầu tư, thu hút đầu tư cũng có thuận lợi đan xen khó khăn với 39 dự án mới được thu hút, tổng vốn đầu tư 10.697,3 tỷ đồng, đạt 65% kế hoạch năm; 22 dự án điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm khoảng 3.489 tỷ đồng. Tỉnh cũng ghi nhận 1 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với vốn đầu tư trên 81.000 USD; 4 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn 26,28 triệu USD. Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Hoàng Nghi cho rằng, dù tỉnh đã nỗ lực xúc tiến, thu hút đầu tư nhưng hiện chưa có dự án có khả năng tạo đột phá thúc đẩy kinh tế phát triển.
Kinh tế phát triển không đều đã ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm nay khoảng 5.722 tỷ đồng, đạt 41,9% dự toán năm, giảm 42,3% so với cùng kỳ. Tỷ lệ sụt giảm mạnh rơi vào thuế xuất nhập khẩu chỉ được 280 tỷ đồng, đạt 28% dự toán năm, giảm 41,5%; riêng khoản thu nội địa (trừ tiền sử dụng đất; xổ số kiến thiết; thu cổ tức, lợi nhuận được chia) hơn 3.565 tỷ đồng, đạt 51,5% dự toán năm, tăng 0,3% so với cùng kỳ.
Cần phải nỗ lực lớn, quyết tâm cao
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm từ 7% - 7,5%, Sở NN&PTNT và các địa phương cần phải tập trung thực hiện các giải pháp, đảm bảo sản xuất vụ Hè Thu đạt kết quả tốt nhất; tiếp tục phát triển chuỗi liên kết trên các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản để tăng giá trị, phát triển bền vững; khai thác thủy sản gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm và kiên quyết không để tàu thuyền ngư dân khai thác thủy sản bất hợp pháp; quan tâm công tác phát triển rừng gỗ lớn, gắn với phòng chống cháy rừng. Các ngành và địa phương lưu ý công tác hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững…
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng nhấn mạnh quan tâm công tác triển khai thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng phục vụ đầu tư, xây dựng và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; đảm bảo cung cấp đầy đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh; kiểm soát thị trường, tăng cường chống hàng giả, hàng kém chất lượng…
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu tiếp tục đổi mới phong cách chỉ đạo, điều hành theo hướng “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”, lấy sự hài lòng của DN và người dân làm mục tiêu phấn đấu. Trên tinh thần đó, ưu tiên dành thời gian tập trung nghiên cứu đổi mới, đề xuất ý tưởng sáng tạo phát triển KT-XH và tập trung giải quyết nút thắt, điểm nghẽn, tạo điều kiện cho người dân, DN phát triển kinh tế.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN phát triển sản xuất kinh doanh. Ảnh: TIẾN SỸ
Đi vào nhiệm vụ cụ thể, Sở NN&PTNT phải đảm bảo thật tốt nguồn nước phục vụ sản xuất; tập trung kêu gọi đầu tư các nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản và thúc đẩy các chuỗi liên kết nhằm tăng giá trị sản xuất. Đôn đốc triển khai trồng rừng gỗ lớn gắn với công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng; đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
“Trong bối cảnh khó khăn chung, GRDP của tỉnh tăng 6,46% so với cùng kỳ năm trước là nỗ lực lớn, tạo động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ, kế hoạch năm 2023. Tuy vậy, trên mỗi ngành, lĩnh vực đều có những khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết triệt để, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, nỗ lực quyết tâm, sáng tạo của các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng DN và người dân” . Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh PHẠM ANH TUẤN |
Sở KH&ĐT và Sở Công Thương tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN; phối hợp các đơn vị liên quan chuẩn bị tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Nhật Bản tại Bình Định vào đầu tháng 7.2023. Ngoài ra, đôn đốc các chủ đầu tư giải ngân vốn đầu tư công và hoàn thiện quy hoạch tỉnh.
Sở Xây dựng tập trung đẩy mạnh các dự án xây dựng; rà soát tất cả dự án, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện đúng tiến độ; làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tháo gỡ khó khăn về bất động sản. Sở TN&MT quản lý tốt công tác môi trường và hỗ trợ DN, gỡ vướng trên lĩnh vực đất đai để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư. Sở GTVT chú trọng quản lý, duy tu bảo dưỡng các tuyến giao thông. Trong khi đó, Sở Tài chính quan tâm hơn đến công tác thu ngân sách nhà nước; có cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và đấu giá quyền sử dụng đất.
Với các hoạt động VH-TT và du lịch, Chủ tịch tỉnh yêu cầu Sở Du lịch và Sở VH-TT tập trung triển khai thêm nhiều hoạt động. Tăng cường hợp tác với DN, các tỉnh trong nước để thúc đẩy phát triển du lịch; đa dạng hóa sản phẩm du lịch; nâng cao chất lượng phục vụ du lịch, đảm bảo 3 không: “không chặt chém, không chèo kéo và không trộm cắp”.
Đáng chú ý, yêu cầu Sở TT&TT chịu trách nhiệm về công tác chuyển đổi số trên địa bàn, nhưng tất cả sở, ngành, đơn vị, địa phương đều phải cùng vào cuộc.
Đối với các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đặc biệt lưu ý tập trung cải cách thủ tục hành chính, đổi mới lề lối làm việc, chủ động giải quyết công việc; xác định điểm mạnh, lợi thế từ đó có những giải pháp tạo ra đột phá. Quan tâm đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm và hỗ trợ DN phát triển sản xuất kinh doanh, chăm lo đời sống cho người dân; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án gắn với việc giải ngân vốn đầu tư công…
PHẠM TIẾN SỸ - Nguồn Báo Bình Định