Chiều 20.4, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU làm việc với UBND tỉnh về kết quả triển khai nhiệm vụ, giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) tại đợt thanh tra lần thứ 3 và chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 4 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 81/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Bình Định. Tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT có Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh; lãnh đạo các sở, ngành và địa phương liên quan.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu kết luận tại buổi làm việc. Ảnh: THU DỊU
Đến nay, tỉnh Bình Định có 5.706 tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên được cấp đăng ký tàu cá theo quy định; cấp phép được 4.872/5.706 hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, chiếm 85,4%; 100% tàu cá đăng ký trên địa bàn tỉnh đã thực hiện việc đánh dấu tàu cá theo đúng quy định. Tỉnh Bình Định đã rà soát có 375 tàu cá thường xuyên hoạt động ở các tỉnh phía Nam, hằng năm không về địa phương, trong đó có 72 tàu cá bán ngoài tỉnh nhưng chủ tàu chưa làm thủ tục sang tên, 8 tàu cá chủ tàu thường trú ở ngoài tỉnh hằng năm không về địa phương. Từ năm 2022 đến nay, tỉnh Bình Định tổ chức 3 Đoàn công tác liên ngành làm việc với các tỉnh phía Nam để trao đổi một số thông tin liên quan đến công tác phối hợp quản lý tàu cá Bình Định đã bán, chuyển nơi cư trú, thường xuyên hoạt động đánh bắt thủy sản, neo đậu, xuất và nhập bến ngoài tỉnh.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho hay, từ đầu năm đến nay tỉnh Bình Định có 3 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, về vấn đề này lãnh đạo tỉnh nghiêm túc nhận trách nhiệm. “Bình Định quyết tâm và quyết liệt trong công tác ngăn chặn vi phạm IUU, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc thực hiện các giải pháp ngăn chặn. Có 2 vấn đề quan trọng cần tập trung giải quyết dứt điểm, ưu tiên trước nhất là công tác quản lý tàu cá và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Với công tác quản lý tàu cá, tỉnh đang thực hiện đầy đủ, dựa trên thực tế hoạt động và di chuyển của tàu cá. Qua rà soát từ năm 2020 đến nay, tàu cá tỉnh Bình Định vi phạm đều xuất phát từ các tỉnh khác, vì thế Bình Định đề xuất Bộ NN&PTNT có chỉ đạo cụ thể về việc kiểm soát tàu ra, vào bến của từng địa phương. Với công tác quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm phải rà soát lại toàn bộ hồ sơ, thông tin, dữ liệu của sản phẩm đảm bảo đúng quy định”, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu tỉnh Bình Định tập trung rà soát lại toàn bộ và tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp đã triển khai. Vấn đề ngăn chặn vi phạm IUU tập trung vào điểm mấu chốt là quản lý và giám sát đội tàu; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thủy sản. Với công tác quản lý và giám sát đội tàu phải áp dụng các bộ công cụ phần mềm quản lý, thiết bị định vị, giám sát…; với truy xuất nguồn gốc phải kiểm tra lại toàn bộ các hồ sơ, hướng dẫn ngư dân ghi chép nhật ký đúng và đủ. Cùng với đó, tỉnh phải thực hiện nghiêm việc xử lý vi phạm. Tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp ngăn chặn vi phạm IUU vì một ngành thủy sản bền vững. Về phía Bộ NN&PTNT, tiếp tục đồng hành cùng với các địa phương, trong đó có Bình Định trong việc khắc phục các tồn tại theo khuyến nghị của EC, chuẩn bị đầy đủ và chi tiết kế hoạch để làm việc với Đoàn EC trong thời gian tới.
THU DỊU - Nguồn Báo Bình Định