CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Kinh tế
Khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các giải pháp ngăn chặn vi phạm IUU
Thứ năm 23/02/2023 09:07

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bình Định có 3 trường hợp tàu cá vi phạm IUU bị Malaysia bắt giữ (theo số liệu Bộ NN&PTNT công bố), trong đó có 1 tàu cá của ngư dân TX Hoài Nhơn, còn lại của ngư dân huyện Phù Cát. Ban chỉ đạo IUU tỉnh Bình Định yêu cầu các địa phương khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các giải pháp ngăn chặn vi phạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới ngư dân về vấn đề này.

Tuyên truyền cho ngư dân qua nhiều kênh

Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn, những năm qua, chính quyền thị xã rất quan tâm tới việc ngăn chặn vi phạm IUU. Địa phương có nghị quyết chuyên đề về vấn đề này, giao trách nhiệm cho các phường, xã ven biển giám sát chặt chẽ tình hình tàu và ngư dân địa phương.

Ngay từ đầu năm 2023, TX Hoài Nhơn tổ chức các đợt tuyên truyền về ngăn chặn vi phạm IUU cho ngư dân, tổ chức ngày hội ra quân khai thác thủy sản và mở biển đầu năm để động viên ngư dân, lồng ghép tuyên truyền các nội dung liên quan đến Luật Thủy sản 2017 và các vấn đề liên quan đến IUU.

Tổ công tác của ngành nông nghiệp tuyên truyền về Luật Thủy sản 2017 cho ngư dân. Ảnh: THU DỊU

Hoài Nhơn có 1 tàu cá bị bắt ngày 30.1.2022, đến ngày 14.1.2023 - tức là gần 1 năm sau, phía Malaysia mới thông báo về việc bắt giữ này. Qua xác định tọa độ và thiết bị giám sát hành trình, tàu cá đang khai thác trong vùng biển được phép khai thác hải sản của Việt Nam thì bị bắt (vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia). Ông Công cho rằng: “Ngư dân Hoài Nhơn hành nghề câu cá ngừ đại dương là chủ yếu và hầu hết đã hiểu, tuân thủ quy định, không vi phạm vùng biển nước ngoài. Với trường hợp tàu cá bị bắt nói trên, nếu xử lý thì không thấu tình đạt lý, và làm vậy thì chúng tôi sẽ gặp khó khi tuyên truyền, động viên ngư dân yên tâm bám biển, bảo vệ ngư trường”.

Theo ông Công, để nâng hiệu quả công tác tuyên truyền chống vi phạm IUU, chính quyền giao cho các ban vạn lăng Ông Nam Hải ở làng biển cùng tham gia để trò chuyện với ngư dân, chủ tàu trong những dịp hội họp, lễ cầu ngư, thăm hỏi để ngư dân tiếp nhận được thông tin từ nhiều kênh, từ đó thay đổi dần. Riêng với việc tàu cá khai thác ở những vùng chồng lấn, TX Hoài Nhơn kiến nghị Ban chỉ đạo IUU tỉnh đề xuất tăng cường lực lượng chấp pháp của Việt Nam ở vùng biển này để vừa bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ngư dân, vừa bảo vệ và giữ vững chủ quyền biển đảo. Tới đây, Hoài Nhơn tiếp tục tổ chức các buổi tuyên truyền, phối hợp với các hội, đoàn thể ở các địa phương, ban quản lý cảng cá, ban vạn lăng Ông Nam Hải, Nghiệp đoàn nghề cá Tam Quan Bắc để có những hình thức phù hợp hơn. Cùng với đó, Hoài Nhơn thành lập tổ công tác ra TP Đà Nẵng, nơi có các tàu cá hoạt động câu mực ở vùng biển này để gặp gỡ ngư dân và tuyên truyền, kiểm đếm toàn diện số tàu cá, ngư dân, thuyền viên của Hoài Nhơn ở đây để phối hợp hỗ trợ trong các tình huống khẩn cấp.

Tàu vi phạm là tàu dưới 15 m, xuất phát ở vùng biển ngoài tỉnh

Ngày 21.2.2023, Ban chỉ đạo IUU huyện Phù Cát làm việc với UBND thị trấn Cát Tiến - nơi có các tàu cá vi phạm IUU vừa bị bắt giữ đầu năm nay; đồng thời kiểm điểm các chủ tàu cá có vi phạm trong năm 2021 (năm 2022 chưa tổ chức kiểm điểm vì các chủ tàu bị bắt giữ chưa được thả về, một số chủ tàu đã rời khỏi địa phương trên 10 năm). Trước đó, lãnh đạo huyện đã kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu chính quyền thị trấn Cát Tiến.

Huyện Phù Cát tổ chức tuyên truyền chống khai thác IUU và trao cờ Tổ quốc cho ngư dân ở thị trấn Cát Tiến, ngày 21.2.2023. Ảnh: TRƯỜNG GIANG 

Ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết: “Ngay từ đầu năm, huyện đã tuyên truyền, tổ chức cho các chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm. Tuy nhiên, vừa ra khơi được vài ngày thì có tàu cá bị bắt giữ do vi phạm vùng biển nước ngoài. Ngay khi có thông tin, Thường trực Huyện ủy huyện Phù Cát tổ chức kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu thị trấn Cát Tiến; đồng thời công khai thông tin tàu cá vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cái khó của Phù Cát là nhóm tàu vi phạm là tàu dưới 15 m, hoạt động câu mực và xuất phát ở vùng biển ngoài tỉnh. Dù theo sát, động viên và thường xuyên làm việc với chủ tàu lẫn ngư dân, bản thân họ cũng nhận thức rõ tác hại của việc vi phạm IUU nhưng vì lợi ích trước mắt nên vẫn cố tình vi phạm. Trong tuần cuối tháng 2 này, ngoài việc tổ chức kiểm điểm, tuyên truyền cho các xã, thị trấn ven biển, huyện sẽ phối hợp với Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) rà soát toàn bộ tàu cá, đặc biệt là nhóm tàu dưới 15 m có đăng ký tại Phù Cát nhưng không trở về địa phương, để phân loại, nắm thông tin, địa chỉ của chủ tàu, thuyền viên trên tàu; phân loại các tàu đã chuyển đổi cho ngư dân địa phương khác mà chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ để có cơ sở thực hiện các giải pháp: Đề xuất ngừng cấp giấy phép khai thác thủy sản với nhóm tàu không về địa phương; phối hợp với lực lượng biên phòng ở các nơi có tàu cá ngư dân Phù Cát ra vào để nắm tình hình, lập danh sách để xác định việc chuyển đổi nghề…”.

Nghiêm túc trong thực thi pháp luật

Sau cuộc họp của Ban chỉ đạo IUU tỉnh ngày 15.2 và cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia về IUU ngày 20.2 về triển khai Kế hoạch chống khai thác IUU và chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra EC lần thứ 4, các địa phương ven biển trong tỉnh tập trung xây dựng kế hoạch rà soát lại đội tàu, công tác phối hợp liên ngành và tổ chức tuyên truyền phù hợp với đặc thù của từng vùng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, Trưởng Ban chỉ đạo IUU tỉnh Bình Định, đã chỉ đạo ngành nông nghiệp cùng với các địa phương khẩn trương, nghiêm túc trong tổ chức thực hiện các giải pháp ngăn chặn vi phạm IUU.

Đồng chí giao nhiệm vụ: Chi cục Thủy sản thống kê, phân loại tàu, nắm danh sách chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên… để làm việc với các địa phương nhằm kiểm soát tình hình hoạt động thực tế của tàu cá Bình Định. Từ số liệu này chúng ta mới có đề xuất trong việc cấp giấy phép khai thác, làm các thủ tục đăng ký, đăng kiểm hoặc xóa bỏ các tàu không còn hoạt động; chuyển đổi tên, sở hữu cho với các tàu cá đã bán cho ngư dân tỉnh khác. Đồng thời, rà soát xong chi tiết, giao lực lượng biên phòng, ban quản lý các cảng cá phải kiểm soát được tàu ra vào bến, cảnh báo sớm các nguy cơ. Nhóm tàu nguy cơ cao cần được phân loại cụ thể, tàu nào đủ điều kiện cho ra khơi, tàu không đủ điều kiện kiên quyết không cho ra khơi - và ghi nhận các vướng mắc để hỗ trợ nhóm ngư dân này chuyển đổi nghề, ổn định sinh kế. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho ngư dân như thế, chúng ta phải nghiêm túc trong thực thi pháp luật, xử phạt nghiêm các tàu vi phạm để làm gương.

“Thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Ngoại vụ có văn bản báo cáo Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đề nghị trao đổi thông tin với Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia để có biện pháp can thiệp, triển khai các biện pháp bảo hộ ngư dân cần thiết, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam và sớm có văn bản thông báo cho địa phương. Đồng thời, Sở Ngoại vụ cũng tham gia tích cực trong công tác phối hợp để hỗ trợ bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ngư dân tỉnh Bình Định”. 

Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ VÕ THỊ NHƯ HIỀN

“Tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân Hoài Nhơn chúng tôi không vi phạm vùng biển nước ngoài đâu. Chúng tôi hiểu rõ, ý thức rất rõ vấn đề này, nếu 1 tàu vi phạm thì những tàu khác cũng bị ảnh hưởng, sản phẩm làm ra không bán được, cuối cùng thiệt thòi là ngư dân. Ở Hoài Nhơn, mỗi lần mở biển là cán bộ thị xã, phường tới từng thôn, tới hội trường xã tuyên truyền nên chúng tôi rõ lắm”.      

Ngư dân LÊ HOÀNG VĨNH PHÚC, thuyền trưởng tàu cá BĐ 98372 TS (phường Tam Quan Nam, TX Hoài Nhơn)             

THU DỊU - Nguồn Báo Bình Định