CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Kinh tế
Khai mạc Hội thảo “Nghề nuôi biển: Chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp”
Thứ ba 14/02/2023 10:57

Sáng 14.2, tại Trung tâm hội nghị tỉnh (TP Quy Nhơn), Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo “Nghề nuôi biển: Chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp”. Sự kiện này thuộc khuôn khổ Diễn đàn “Phát triển ngành công nghiệp thủy sản; khai thác bền vững - Đẩy mạnh nuôi trồng” do Báo Tuổi Trẻ khởi xướng từ tháng 10.2022 với sự đồng hành của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank).

Khai mạc Hội thảo “Nghề nuôi biển: Chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp” sáng 14.2 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.

Tham dự Hội thảo, về phía Bộ NN&PTNT có  Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT. Về phía tỉnh Bình Định có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, lãnh đạo ngành nông nghiệp, đại diện lãnh đạo các địa phương ven biển trong tỉnh. Cùng 50 đại biểu là đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố ven biển Nam Trung bộ, các chuyên gia, nhà khoa học và DN trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản.

Tại hội thảo, các đại biểu là đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, DN, chuyên gia tập trung trình bày nhiều vấn đề liên quan đến việc cần phải thay đổi chính sách nuôi trồng, thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là nghề nuôi biển. Tháo gỡ một số một số điểm nghẽn để phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp ở Việt Nam; ứng dụng KHKT, công nghệ và chuyển giao trong hoạt động nuôi biển hướng tới phát triển nghề nuôi biển bền vững…

*GIÁM ĐỐC SỞ NN&PTNT TỈNH BÌNH ĐỊNH TRẦN VĂN PHÚC:

Kêu gọi đầu tư phát triển các mô hình nuôi biển hiện đại tại tỉnh Bình Định

Bình Định không phải là một tỉnh phát triển mạnh về nuôi biển. Toàn tỉnh có 60 ha nuôi lồng bè tập trung ở vùng biển gần bờ. Hệ thống lồng bè làm từ vật liệu là gỗ, không chịu được sóng gió. Nuôi biển ở tỉnh Bình Định tập trung vào các nhóm là tôm hùm, cá bớp, cá mú, mực lá... chủ yếu ở TP Quy Nhơn và huyện Phù Mỹ. Năm 2022, toàn tỉnh có 2.965 lồng nuôi, sản lượng đạt 217 tấn; tạo thu nhập ổn định cho 500 hộ gia đình. Tuy nhiên, khó khăn của tỉnh Bình Định là vùng biển hở, do vậy nuôi biển truyền thống rất khó phát triển. Hơn nữa, ô nhiễm từ hoạt động nuôi biển truyền thống là rất lớn. Đến nay, việc quy hoạch và giao diện tích mặt nước cho các hộ nuôi chưa được triển khai; hạ tầng các cơ sở nuôi còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển nghề nuôi biển.

Để phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển, phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế biển, Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2030 sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 23.000 tấn/năm. Phát triển nuôi trồng thủy sản dựa trên công nghệ cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng, hiện đại hóa lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, trong đó chú trọng phát triển nuôi biển công nghệ cao với các đối tượng nuôi tôm hùm, cá biển tại vùng biển Quy Nhơn và Phù Mỹ. Đồng thời xây dựng mô hình nuôi biển cộng đồng gắn với quản lý và bảo vệ môi trường.

Tại hội thảo này, chúng tôi mong muốn nghe các chia sẻ liên quan, các giải pháp trong việc phát triển nghề nuôi biển tại Bình Định. Hỗ trợ kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực và công nghệ hiện đại đầu tư phát triển nuôi biển hở ứng dụng công nghệ cao. Hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ mới vào Bình Định. Trước mắt, đề nghị Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NN&PTNT) hỗ trợ cho tỉnh mô hình trình diễn nuôi cá biển bằng vật liệu HDPE để nâng cao hiệu quả kinh tế, an toàn trong vụ nuôi.

* PGS.TS VÕ SĨ TUẤN, THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG TƯ VẤN KH&CN HIỆP HỘI NUÔI BIỂN VIỆT NAM:

Chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào hoạt động nuôi biển

Nuôi biển là cứu cánh để tăng sản lượng thủy sản trong bối cảnh trữ lượng khai thác thủy sản đang sụt giảm. Hiện nay, nuôi biển chủ yếu là nuôi theo quy trình truyền thống, quy mô nhỏ, hầu hết làm từ vật liệu gỗ truyền thống, không chịu được sóng gió lớn. Người nuôi trồng thủy sản đa số sử dụng thức ăn tươi, mật độ nuôi tại các vùng nuôi chưa đảm bảo dẫn đến môi trường nuôi bị ô nhiễm. Hậu quả là gây ra thiệt hại về kinh tế do sóng bão, tôm cá chết do thiếu ô xy và độc tố, suy thoái hệ sinh thái.

Do còn tự phát và manh mún, ngư dân chủ yếu “học lỏm” và dựa trên kinh nghiệm cá nhân, việc chuyển giao công nghệ hạn chế. Vì thế, việc xây dựng mô hình liên kết khoa học và DN nhằm giải quyết một số vấn đề ưu tiên: Sản xuất và cung ứng thức ăn nhân tạo cho tôm hùm; tạo giống và trồng rong chất lượng cao; quy hoạch và tổ chức hợp lý nuôi trồng tại một số địa phương. Về lâu dài, cần phải xây dựng và thực hiện cơ chế vận động, quản lý tài chính thuận lợi cho đầu tư vào KH&CN và bảo đảm sở hữu trí tuệ.

* PGS.TS NGUYỄN HỮU DŨNG, CHỦ TỊCH HIỆP HỘI NUÔI BIỂN VIỆT NAM:

Sớm tháo gỡ các điểm nghẽn để phát triển nghề nuôi biển

Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi biển. Cả nước có khoảng 50.000 cơ sở nuôi biển, phần lớn hoạt động nuôi biển ở quy mô gia đình manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, công nghệ lạc hậu và không bền vững. Hiện trong nước chưa có cơ sở nuôi biển xa bờ.

Để phát triển nghề nuôi biển bền vững, việc cấp thiết phải chuyển đổi từ nuôi truyền thống sang công nghiệp là tất yếu. Định hướng di chuyển từ vùng biển kín, ven bờ ra các vùng biển mở, xa bờ. Đồng thời sẽ phát triển các hệ nuôi kín ở trên bờ với công nghệ tuần hoàn trong thu gom và xử lý chất thải môi trường.  Phát triển nghề nuôi biển công nghiệp thì DN phải đóng vai trò chủ thể để thúc đẩy sự phát triển, tạo chuỗi liên kết trong nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động nuôi biển đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu quy hoạch, thiếu thủ tục giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân. Việt Nam chưa ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẩn về nuôi biển, thiếu chính sách hỗ trợ phát triển nghề nuôi biển...

Về phía Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, chúng tôi có những vấn đề kiến nghị về việc sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 11/2021/NĐ-CP và 67/2014/NĐ-CP. Sớm xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn về nuôi biển. Ban hành Quy hoạch phát triển nuôi biển bền vững (của quốc gia và từng tỉnh). Ban hành cơ chế phối hợp quản lý liên ngành kinh tế biển. Xây dựng các mô hình nuôi biển công nghiệp tại mỗi địa phương.

* ÔNG TRẦN CÔNG KHÔI, PHÓ VỤ TRƯỞNG VỤ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN (TỔNG CỤC THỦY SẢN, BỘ NN&PTNT):

Khai thác tiềm năng nuôi biển theo hướng hiện đại

Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km, với tổng diện tích tiềm năng nuôi biển 500 nghìn ha; trong đó, vùng bãi triều 153,3 nghìn ha, vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo 79.790 ha và nuôi vùng biển xa bờ 100 nghìn ha. Đối tượng nuôi biển phong phú với nhóm cá biển, nhuyễn thể, rong tảo biển…

Năm 2022, tổng diện tích nuôi biển của Việt Nam đạt 85.000 ha, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 23,3%/năm (chưa tính 202 nghìn ha nuôi xen ghép các đối tượng khác), với 8,9 triệu m3 lồng. Đến nay, cả nước có khoảng 7.447 cơ sở nuôi biển với 248.768 lồng, bè. Trong số này, có 6.506 cơ sở/244.402 lồng, bè nuôi trồng thủy sản trên biển từ bờ ra đến 3 hải lý; 914 cơ sở/4.299 lồng, bè nuôi trồng thủy sản trên biển từ 3 - 6 hải lý; 27 cơ sở nuôi cá biển/137 lồng, bè nuôi trên biển xa trên 6 hải lý.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển còn hạn chế, việc quản lý và sử dụng các công trình nuôi biển hiệu quả chưa cao, hoạt động chưa đạt được công suất thiết kế, một số đối tượng giống nuôi biển vẫn còn phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên; thiếu quy hoạch nuôi biển, các hộ ngư dân nuôi biển chưa được hưởng chính sách ưu đãi, thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn nghề nuôi biển…

Để khai thác tiềm năng nghề nuôi biển hướng đến phát triển hiện đại, bền vững, Vụ Nuôi trồng thủy sản tiếp tục tham mưu Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT trình Chính phủ xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển; tiếp tục triển khai hiệu quả Luật Thủy sản và các quy định hiện hành; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, hình thành các kênh cung cấp thông tin thị trường, thông tin về thiên tai, biến đổi khí hậu; ứng dụng KHKT, công nghệ hiện đại tạo ra các sản phẩm chất lượng, gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế…

Cùng với đó, xây dựng các nhóm giải pháp về thức ăn phục vụ nuôi biển; công nghệ nuôi, bảo quản sau thu hoạch, chế biến, công nghệ sinh học và khuyến ngư; xây dựng và vận hành hệ thống quan trắc môi trường, phòng chống dịch bệnh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển công nghiệp phụ trợ và dịch vụ…

* NHÀ BÁO LÊ XUÂN TRUNG, PHÓ TỔNG BIÊN TẬP BÁO TUỔI TRẺ:

Xây dựng các chương trình truyền thông thương hiệu cho thủy sản Việt Nam

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã đạt con số kỷ lục 11 tỷ USD, nằm trong nhóm 3 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Có thể nói, Việt Nam đã trở thành một trong những “vựa thủy sản” lớn của thị trường toàn cầu. Trước đây, thật khó hình dung con tôm có thể mang về cho nước ta hơn 4 tỷ USD, cá tra gần 2,5 tỷ USD… Hai mặt hàng chủ lực này đạt được trong năm 2022 chủ yếu từ nguồn nuôi trồng chứ không phải từ khai thác, cho thấy ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Đó là hướng phát triển căn cơ, lâu dài đã được xác định thành slogan “Khai thác bền vững - đẩy mạnh nuôi trồng".

Để nuôi trồng thủy sản đạt kết quả tốt, chúng ta không chỉ cần có chiến lược và quy hoạch bài bản mà còn cần những giải pháp khả thi trước mắt và lâu dài ở nhiều cấp độ và quy mô khác nhau. Tất nhiên, chúng ta không nên quá tập trung vào sản lượng mà cần đầu tư nâng cao chất lượng thủy sản xuất khẩu và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm từ ao nuôi của người dân, DN, cho đến bàn ăn của người tiêu dùng.

Những vấn đề từng được nêu ra như ô nhiễm nguồn nước, mô hình nuôi manh mún, cơ sở sản xuất giống và lồng bè còn lạc hậu… cần được giải quyết tích cực trong chiến lược và kế hoạch phát triển chung của trung ương và các địa phương.

Với vai trò của một cơ quan truyền thông có phạm vi ảnh hưởng rộng rãi đến công chúng cả nước, báo Tuổi Trẻ tiếp tục tạo ra những diễn đàn thảo luận, đóng góp thêm tiếng nói vào mục tiêu và giải pháp phát triển KT-XH, trong đó có ngành công nghiệp thủy sản để góp phần biến Việt Nam trở thành “vựa thủy sản” lớn của thế giới.

* PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC UBND TỈNH BÌNH ĐỊNH NGUYỄN TUẤN THANH:

Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nghề nuôi biển ở tỉnh Bình Định

Bình Định có lợi thế lớn phát triển kinh tế biển, với chiều dài bờ biển trên 134 km và có nhiều đầm phá, hệ thống vịnh, cảng, vùng biển với hơn 1.440 km2 diện tích vùng nội thủy, 40.000 km2 diện tích lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn. Đây là điều kiện tự nhiên thuận lợi cho các loài thủy sản sinh trưởng và phát triển với nhiều chủng loại phong phú, đa dạng... là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế thủy sản của tỉnh.

Những năm qua, kinh tế thủy sản có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh: Giá trị sản xuất thủy sản năm 2022 đạt 19.319 tỷ đồng, chiếm 36,8% giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản toàn tỉnh. Cơ cấu nông, lâm, ngư nghiệp chiếm gần 30% giá trị GDP của tỉnh, trong đó thủy sản chiếm hơn 35%. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành thủy sản bình quân 5 năm giai đoạn 2018 - 2022 là 3,92%/năm. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 166 triệu USD tăng 79,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh lĩnh vực khai thác thủy sản phát triển tốt tại Bình Định, trong những năm qua, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã không ngừng phát triển, có những đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH  của tỉnh... Hoạt động nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Bình Định tập trung vào các đối tượng nuôi chính là tôm thẻ chân trắng, tôm hùm, cá biển. Diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh hàng năm đạt khoảng 3.500 ha. Sản lượng nuôi trồng thủy sản bình quân 5 năm qua đạt khoảng 11.800 tấn/năm; riêng năm 2022 đạt 13.183 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đối với nuôi biển, toàn tỉnh có khoảng 60 ha diện tích mặt nước nuôi lồng bè trên biển chủ yếu do các hộ dân tự đầu tư với kiểu lồng, bè truyền thống; các đối tượng nuôi chính gồm: Cá chẽm, cá bớp/cá giò, cá hồng, cá mú, tôm hùm, mực lá... Năm 2022, có 2.965 lồng nuôi với 56.970 m3, sản lượng đạt 217 tấn tăng 71% so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, hiện nay tỉnh có 4 tổ chức cộng đồng đã được công nhận và giao quyền quản lý khu vực biển với tổng diện tích là 46,134 ha và có 220 thành viên; đây là địa điểm có thể xây dựng và phát triển mô hình trồng rong biển kết hợp du lịch sinh thái biển.

Tuy nhiên, do đặc điểm tự nhiên vùng biển của Bình Định là vùng biển hở, bị ảnh hưởng trực tiếp của gió bão; mặt khác đối với nuôi biển hở cần đầu tư vốn lớn và công nghệ nuôi hiện đại nên nuôi biển tại Bình Định chưa được các tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư phát triển. Đây cũng là khó khăn chung trong phát triển nuôi biển của phần lớn các tỉnh ven biển miền Trung.

Tại Hội thảo này, tỉnh Bình Định mong muốn sẽ tìm ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển nghề nuôi biển tại Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ tại Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ.

Về phía tỉnh, thực hiện quy hoạch vùng nuôi, tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi nghề từ khai thác sang nuôi trồng theo hướng bền vững. Bên cạnh lợi thế, Bình Định là vùng biển hở nên mùa gió bão nuôi trồng khó, năng suất chất lượng bị ảnh hưởng rất đáng kể. Chúng tôi mong trong hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học quản lý có giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường nuôi bền vững.

THU DỊU - NGỌC NHUẬN - Nguồn Báo Bình Định