CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Kinh tế
DỰ ÁN CAO TỐC BẮC - NAM PHÍA ĐÔNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 Cú hích lớn cho chuyển đổi cơ cấu kinh tế
Thứ năm 28/04/2022 08:32

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2022 đang được triển khai tại Bình Định hứa hẹn là công trình tạo động lực lớn thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy KT-XH.

Đền bù thỏa đáng, chăm lo đời sống người dân

Tính cấp thiết của dự án khiến Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương phải khẩn trương bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp, đảm bảo khởi công trước ngày 20.11.2022 v à bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long cũng nhiều lần lưu ý công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) là nhiệm vụ rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ dự án, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh trong giai đoạn năm 2022 - 2023. Do đó, tỉnh quyết tâm cao thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này, đảm bảo hoàn thành theo các mốc thời gian quy định tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11.2.2022 của Chính phủ.

Ông Phạm Trương - Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn - cho biết: “Phần đường thuộc dự án đi qua TX Hoài Nhơn dài 27,74 km. Hiểu rõ sức tác động của dự án đến nền kinh tế địa phương nên chúng tôi tập trung toàn lực, gấp rút triển khai công việc, làm sao chăm lo, tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân sau khi bàn giao mặt bằng với quan điểm “nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ”, hướng tới “cuộc sống năm sau phải hơn năm trước”, nếu kém hơn thì phải có giải pháp ngay”.

Để phục vụ dự án, TX Hoài Nhơn phải giải tỏa, di dời 213 thửa đất ở, 113 căn nhà, 650 ngôi mộ ở 9 xã, phường gồm: Hoài Sơn, Hoài Châu Bắc, Hoài Châu, Hoài Phú, Hoài Hảo, Hoài Thanh Tây, Hoài Tân, Bồng Sơn và Hoài Đức. Các ngành chức năng địa phương đã thực hiện khảo sát, đề xuất xây dựng mới 13 khu tái định cư, phân thành 332 lô đất ở và đầu tư mở rộng 3 khu cải táng, bố trí cải táng cho 650 ngôi mộ phục vụ công tác GPMB.

Ông Nguyễn Thanh Phong, ở thôn Mỹ Bình 1, xã Hoài Phú, cho biết: “Theo mốc cắm, gia đình chúng tôi có 2 sào đất lúa, ngôi nhà và 700 m2 đất sẽ bị giải tỏa lấy mặt bằng làm đường. Qua nghe tuyên truyền trên báo, đài, các cuộc họp thông qua chủ trương dự án, chúng tôi đã hiểu rõ và đồng tình, ủng hộ việc triển khai dự án”.

 Dự án đi qua xã Hoài Phú (TX Hoài Nhơn), hứa hẹn thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển mạnh mẽ. Ảnh: DŨNG NHÂN

Đến nay, 8 địa phương có dự án đi qua (TP Quy Nhơn, TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn, các huyện: Tuy Phước, Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân) đã thành lập các ban chỉ đạo, hội đồng bồi thường, tổ công tác, tổ giúp việc để cụ thể hóa từng đầu việc, phần việc. Các tổ tiến hành làm việc trực tiếp với từng hộ để đảm bảo mọi tổ chức, cá nhân đều nắm bắt đầy đủ thông tin, chủ trương cũng như quyền lợi, trách nhiệm đi kèm. Công tác rà soát, kiểm đếm của dự án đảm bảo chính xác, khách quan, bám sát các quy định pháp luật hiện hành.

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Trong công tác tuyên truyền về GPMB phải kết hợp giải thích, hướng dẫn người dân về quy trình, thủ tục. Các ý kiến, kiến nghị đều được đối thoại trực tiếp và giải quyết từ cơ sở, tại nơi phát sinh… Việc GPMB phải minh bạch, công bằng, khách quan; người dân vì lợi ích chung đã phải chịu xáo trộn đời sống vì thế không thể để bà con phải chịu thêm thiệt thòi khi bàn giao nhà cửa đất đai, vườn tược…”.

 Khẩn trương vào cuộc

Theo báo cáo của Sở GTVT, tổng diện tích đất cần thu hồi tại tỉnh Bình Định là gần 1.300 ha, trong đó đất lúa gần 331,5 ha, đất rừng gần 514 ha; 1.439 hộ dân bị ảnh hưởng. Tổng nhu cầu vật liệu phục vụ thi công xây dựng công trình là 13,66 triệu m3 đất san lấp, 1,74 triệu m3 cát xây dựng, 2,948 triệu m3 đá xây dựng. Hiện nay, 8/8 địa phương có dự án đi qua đã thành lập ban chỉ đạo công tác bồi thường, GPMB và tái định cư; chọn đơn vị đo vẽ bản đồ địa chính để phối hợp với chủ đầu tư, Sở GTVT tiếp nhận cọc GPMB tại hiện trường; sơ bộ xác định số hộ bị ảnh hưởng và dự kiến các khu tái định cư.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long, tỉnh thống nhất sẽ phối hợp với Ban Quản lý dự án 85 trình Chính phủ cho phép tỉnh làm chủ đầu tư tiểu dự án bồi thường, GPMB, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua Bình Định. Đồng thời yêu cầu các địa phương, sở, ngành phải quyết tâm thực hiện tốt các phần việc của mình, đưa Bình Định trở thành địa phương điển hình trong 12 tỉnh, thành phố mà dự án đường cao tốc này đi qua, không để bị Trung ương phê bình vì chậm trễ.

Ông Lê Thanh Tùng, Chủ tịch UBND TX An Nhơn, cho biết: “TX An Nhơn có một số điều chỉnh quy hoạch phù hợp hơn để tuyến cao tốc này kết nối với nhiều tuyến quốc lộ, khu vực xung quanh khu công nghiệp, dựa vào lợi thế của đường cao tốc để phát triển KT-XH”.

Theo ông Tùng, đến năm 2025, thị xã cơ bản hoàn thành thông tuyến các trục giao thông chính gồm: Bắc - Nam số 1, Bắc - Nam số 2, Bắc - Nam số 3; trục Đông - Tây (Nhơn Phong - Nhơn Hưng - Nhơn Khánh - Nhơn Thọ); tuyến đường kết nối từ trung tâm TX An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại; tuyến đường Tôn Thất Tùng nối dài về phía Đông; tuyến N4 nối dài về phía Đông; tuyến đường Nhơn Thành - Đập Đá (đoạn từ đường trục Khu kinh tế nối dài đến khu dân cư Đông Bàn Thành 3); tuyến đường kết nối Nhơn Hậu - Nhơn Mỹ (đoạn từ đường sắt đến Cụm công nghiệp Thiết Tràng)... Thị xã tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tạo nền tảng để phát triển, tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án phát triển thương mại, dịch vụ...

Giao thông tới đâu thì không gian phát triển mở rộng tới đó. Các địa phương có dự án đi qua đang cố gắng điều chỉnh quy hoạch, sẵn sàng nhận nhiệm vụ GPMB để dự án làm sớm thì địa phương càng phát triển nhanh, phát triển sớm.

HẢI YẾN - Nguồn Báo Bình Định