CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Kinh tế
Bình Định vươn mình phát triển
Thứ năm 31/03/2022 10:04

Không chỉ kiên cường trong lửa đạn, bằng ý chí, nghị lực và sáng tạo, chính quyền cùng người dân Bình Định đã gặt hái được nhiều thành công trong công cuộc xây dựng, tái thiết tỉnh nhà. Quê hương Bình Định ngày càng giàu đẹp, để cho ai đi xa phải nhớ, ai biết đến lại muốn tìm về…

Điểm nhấn hạ tầng giao thông

Được xác định có vị trí địa lý thuận lợi, với nhiều điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển, nhưng với những khó khăn bộn bề sau ngày giải phóng, cùng ngân sách eo hẹp ở những năm đầu đổi mới, Bình Định vẫn chưa thể hòa mình cùng sự phát triển của khu vực cũng như cả nước. Sớm nhận thấy những bất cập trong hệ thống giao thông, bị hạn chế bởi tuyến đường độc đạo nhỏ hẹp, khiến tốc độ phát triển bị kiềm chế, lãnh đạo tỉnh đã vạch ra những ý tưởng táo bạo để hình thành nên những công trình mang tính đột phá. Đó là tuyến đường Quy Nhơn- Sông Cầu (QL 1D) và đặc biệt là cây cầu Thị Nại, được xây dựng và hoàn thành vào đầu những năm 2000.

Không chỉ tăng cường khả năng kết nối giữa Bình Định với các tỉnh, thành, những công trình giao thông quan trọng này còn đánh thức tiềm năng vốn có của các xã bán đảo thuộc TP Quy Nhơn và một số xã, thị trấn thuộc huyện Phù Cát, Tuy Phước. Thấy và hiểu rõ giá trị của hệ thống giao thông đối với sự phát triển KT-XH ở địa phương, ở nhiều dự án, không ít hộ dân dọc các tuyến đường tình nguyện hiến đất mở đường, trở thành phong trào ngày càng lan tỏa.

Năm 2021, 3 tuyến đường mới, hiện đại, khang trang đã được đưa vào sử dụng gồm: QL 19 đoạn từ Cảng Quy Nhơn đến giao QL 1; đường phía Tây tỉnh kết nối phía Tây Nam cửa ngõ TP Quy Nhơn đến Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định; tuyến đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội nối dài từ Cảng hàng không Phù Cát về Khu kinh tế Nhơn Hội dài 18,5 km. Tuyến ĐT 639 đang được triển khai thi công, khi hoàn thành chắc chắn sẽ có tác động mạnh mẽ, tạo sức bật cho sự phát triển của các huyện, thị xã ven biển, nhất là trong lĩnh vực du lịch và phát triển đô thị.

Việc đầu tư hệ thống giao thông tạo động lực cho phát triển kinh tế ở các địa phương được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm trong suốt nhiều năm qua. - Trong ảnh: Tuyến QL 19 mới nối Cảng Quy Nhơn với QL 1 vừa được đưa vào sử dụng. Ảnh: NGUYỄN DŨNG

Theo kế hoạch, trong 5 năm tới, tỉnh sẽ kết hợp nguồn vốn trung ương, vốn ODA với nguồn vốn ngân sách địa phương đầu tư thực hiện hàng loạt dự án giao thông trọng điểm với quy mô vốn hơn 16.400 tỷ đồng, gồm: Đường ven biển đoạn Cát Tiến - Diêm Vân (1.674 tỷ đồng); tuyến đường ven biển (ĐT 639) đoạn từ QL 1D - QL 19 mới (1.100 tỷ đồng); tuyến đường kết nối với đường ven biển (ĐT 639) trên địa bàn TX Hoài Nhơn (705 tỷ đồng); tuyến đường kết nối từ đường phía Tây tỉnh (ĐT 638) đến đường ven biển (ĐT 639) trên địa bàn huyện Phù Mỹ (701 tỷ đồng).

Hiện nay, Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Bình Định đang được các cấp ngành khẩn trương triển khai để hoàn thành vào năm 2025. Tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku cũng đang được tính toán xây dựng. Như vậy trong vài năm tới, hệ thống kết cấu hạ tầng của Bình Định sẽ hoàn chỉnh đồng bộ, với 3 trục đường hướng Bắc - Nam gồm đường cao tốc, QL 1 và đường ven biển cùng hệ thống đường Đông - Tây đã và đang được đầu tư.

Phát huy lợi thế từ biển

TS Trần Du Lịch, nguyên thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ (nhiệm kỳ 2016 - 2021) từng nêu những lợi thế rất lớn mà tỉnh Bình Định cần tập trung phát huy để tạo đà phát triển gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với khu kinh tế, kinh tế ven biển; cảng logistics; du lịch, nhất là du lịch biển đảo và văn hóa; nông nghiệp, ngư nghiệp công nghệ cao; phát triển đô thị gắn với thị trường bất động sản.

 Lợi thế về cảng biển đang được tỉnh chú trọng khai thác để tạo sức bật cho sự phát triển chung. Ảnh: NGUYỄN DŨNG

Với cơ sở hạ tầng, giao thông và hệ thống cảng biển hiện tại, Bình Định sở hữu điều kiện tốt để thu hút đầu tư. Với vị trí đặc biệt quan trọng, Cảng Quy Nhơn liên tục tạo nên những cột mốc mới qua từng năm. Trong năm 2021, hàng hóa thông qua Cảng đạt hơn 11 triệu tấn. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn, đơn vị đã triển khai dự án nâng cấp bến cảng số 1 với tổng mức đầu tư 546 tỷ đồng, đảm bảo tiếp nhận đồng thời 2 tàu hàng tổng hợp, tàu container 30.000 tấn (DWT). Đây là một phần trong kế hoạch phát triển mở rộng Cảng Quy Nhơn thành một trong những cảng biển hiện đại mang tầm khu vực, đầu mối khu vực (loại 1) của nhóm cảng biển Nam Trung bộ. Trong khi đó, với việc hoàn thiện hệ thống giao thông, đặc biệt là những tuyến đường ven biển, trong tương lai sẽ hình thành một số khu đô thị, vệ tinh, tạo sự phát triển đồng bộ, nhất là trong lĩnh vực du lịch, công nghiệp và hậu cần nghề cá.

Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng hệ thống năng lượng sạch điện gió, điện mặt trời ở các khu vực ven biển cũng được triển khai tương đối hiệu quả, góp phần đảm bảo nguồn năng lượng cho các dự án, nhà máy tại các khu công nghiệp hình thành trong tương lai. Ngoài ra, với xu thế đầu tư các khu đô thị hướng biển, nhiều DN đã mạnh dạn triển khai các dự án quy mô lớn, tạo nên bộ mặt đô thị hiện đại, năng động, nhiều tiện ích.

Giữ cân bằng phát triển với môi trường

Trong phát triển kinh tế, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng từng nhiều lần khẳng định: Không đánh đổi phát triển kinh tế mà ảnh hưởng tới môi trường. Tỉnh xác định 3 lĩnh vực phát triển kinh tế trọng yếu là công nghiệp, nông nghiệp và du lịch. Trong đó, nông nghiệp tập trung đầu tư, xây dựng để có nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện môi trường, chất lượng vượt trội. Đặc biệt, tỉnh đã dồn nhiều tâm huyết để thực hiện các dự án tại Khu Đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng) với Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành, Tổ hợp Không gian khoa học, Công viên Sáng tạo TMA Bình Định... gắn phát triển khoa học, giáo dục với du lịch, hướng đến xây dựng Quy Nhơn trở thành thành phố khoa học.

Phát triển nguồn năng lượng tái tạo nhằm góp phần đảm bảo nguồn năng lượng cho các dự án, nhà máy tại các khu công nghiệp hình thành trong tương lai. Ảnh: NGUYỄN DŨNG

Trong lĩnh vực du lịch, tỉnh chủ trương thu hút đầu tư dự án du lịch sinh thái ven biển, hình thành những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, đặc thù, có sức hút du khách trong và ngoài nước. Nhiều địa điểm có cảnh quan đẹp được đầu tư, khai thác hiệu quả, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài tỉnh. Cùng với việc nâng cấp, đầu tư sửa chữa, tu bổ các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, tỉnh cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến những giá trị văn hóa đặc trưng như bài chòi, tuồng, võ cổ truyền. Trong đó, chủ trương thành lập Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định để giữ gìn, phát huy những tinh hoa của cha ông đã và đang định hình thương hiệu “Miền đất Võ”.

 Ngày 31.3, UBND tỉnh tổ chức lễ khởi công Dự án Tuyến đường kết nối từ trung tâm TX An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại. Dự án có chiều dài gần 9,4 km, tổng kinh phí thực hiện hơn 1.043 tỷ đồng. Tuyến đường nhằm góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trục chính liên vùng An Nhơn - Tuy Phước và phía Bắc TP Quy Nhơn, mở rộng không gian về phía Tây đầm Thị Nại, giao thương giữa đô thị An Nhơn, huyện Tuy Phước và các vùng lân cận được thuận lợi.

Cũng trong dịp kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Định (31.3.1975 - 31.3.2022), công trình đập dâng Đức Phổ (xã Cát Minh, huyện Phù Cát) được khánh thành. Công trình được xây dựng nhằm phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân, bảo đảm công tác cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp khi mưa bão xảy ra làm chia cắt, cô lập các khu vực vùng hạ lưu đập.

HOÀNG QUÂN - Nguồn Báo Bình Định