CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Kinh tế
Mở lối cho sản xuất nông nghiệp bền vững
Thứ năm 10/02/2022 13:38

Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN Bình Định (BIAST) đang đưa vào hoạt động thử nghiệm mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá (còn gọi là Aquaponics). Đây là một trong những phương pháp sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện đại, giúp bảo vệ môi trường tốt nhất hiện nay.

Aquaponics là phương pháp canh tác thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa tiết kiệm chi phí phân bón và nhân lực, vừa tạo ra nguồn thực phẩm tự nhiên, an toàn cho sức khỏe. Ở những nước có nền nông nghiệp phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Israel, Aquaponics được phát triển trên quy mô rộng để tạo ra sản phẩm thương mại. Còn ở Việt Nam, hiện Aquaponics đang được cải tiến để áp dụng ở quy mô nhỏ hoặc hộ gia đình.

Tại Bình Định, mô hình Aquaponics đang được triển khai tại Trạm nghiên cứu thực nghiệm KH&CN (thuộc BIAST). Th.S Lê Hồng Linh, phụ trách Trạm Nghiên cứu thực nghiệm KH&CN, cho biết: “Đây là mô hình trình diễn công nghệ Aquaponics đầu tiên của tỉnh. Từ mô hình, chúng tôi sẽ điều chỉnh sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể của hộ gia đình tỉnh ta, đồng thời chuyển giao cho các cá nhân, DN có nhu cầu, nhằm tạo tiền đề cho việc phát triển nông nghiệp bền vững công nghệ cao tại Bình Định.

Mô hình Aquaponics tại Trạm Nghiên cứu thực nghiệm KH&CN. Ảnh: HỒNG HÀ

Mô hình gồm ao nuôi cá với diện tích 800 m2; hệ thống máng thủy canh hồi lưu với 8 đường ống, trong đó mỗi ống có chiều dài 15 m, được đục 92 lỗ để đặt cốc trồng rau; bộ điều khiển cấp dung dịch và bổ sung dinh dưỡng tự động cho hệ thống thủy canh; hệ thống nhà màng với diện tích 200 m2.

Aquaponics là một hệ thống trồng cây - nuôi cá tích hợp đồng thời cả hai hệ thống: Nuôi trồng thủy sản và thủy canh, dựa trên nguyên tắc của hệ thống sản xuất trong tự nhiên. Thuật ngữ Aquaponics (tiếng Pháp: Aquaponie) là sự kết hợp từ Aquaculture (nuôi trồng thủy sản) và Hydroponics (thủy canh).

Hiểu một cách đơn giản nhất mô hình Aquaponics là sự kết hợp giữa nuôi trồng thủy sản và thủy canh. Hệ thống thủy canh này không cần dùng đất và còn có sự tham gia của vi sinh vật là các vi khuẩn nitrifying tạo nên hệ thống khép kín. Khi mà cây trồng giúp lọc sạch nguồn nước cho cá phát triển tốt nhất thì chất thải của cá chính là nguồn thức ăn hữu cơ quý giá cho cây trồng tăng trưởng an toàn.

 Các loại cá được nuôi trong ao gồm: Rô phi, tai tượng, hô; loại rau được chọn canh tác gồm: Cải, xà lách, cà chua. Hiện, rau và cá trong mô hình đang phát triển tốt. Dự kiến, sau 2 - 3 tháng tới sẽ cho thu hoạch và cá thu hoạch sau 6 - 8 tháng. Theo Th.S Lê Hồng Linh, qua tính toán sơ bộ cho thấy, hệ thống Aquaponics đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu tương đối lớn, song chi phí định kỳ thấp và hiệu quả kinh tế toàn phần lại cao. Tỷ lệ lãi ròng khoảng 44%.

Tính ưu việt của Aquaponics là thay vì bổ sung phân bón, hóa chất để trồng rau thủy canh, mô hình sử dụng nước thải và chất thải từ ao nuôi cá làm dinh dưỡng cho cây. Ngược lại, thay vì xử lý và xả nước thải từ ao nuôi cá ra môi trường, nước thải được cây trồng và chất nền trong hệ thống thủy canh lọc sạch và trả lại cho ao cá. Nhờ vậy, so với phương pháp canh tác truyền thống, Aquaponics tiết kiệm khoảng 70% nước tưới; giảm chi phí vận hành như: Bón phân cho cây, xử lý nước thải, chất thải đáy ao.

Ở thành thị, khi thu nhỏ kích cỡ mô hình sẽ rất phù hợp với hộ gia đình, giúp tận dụng khoảng trống trong sân vườn, sân thượng để tự cung tự cấp rau sạch. Bà Phan Thị Bích Hạnh, Giám đốc BIAST chia sẻ: “Aquaponics không khó nhưng đòi hỏi người thực hiện phải có vốn kiến thức nhất định. Với chủ trương của tỉnh về phát triển nông nghiệp công nghệ cao và áp dụng KHKT vào sản xuất, mô hình sẽ góp phần mở ra hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu”.

HỒNG HÀ - Nguồn Báo Bình Định