CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Kinh tế
Phát triển vật liệu xây không nung thành ngành công nghiệp tiên tiến, hiện đại
Thứ tư 29/12/2021 10:30

Ngày 23/12, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung (VLXKN) tại Việt Nam đến năm 2030. Quan điểm của Chương trình là phát triển VLXKN thành một ngành công nghiệp tiên tiến, hiện đại.

Hình ảnh: Phát triển vật liệu xây không nung thành ngành công nghiệp tiên tiến, hiện đại

Mục tiêu chung của Chương trình là đẩy mạnh sản xuất và sử dụng VLXKN để thay thế gạch đất sét nung, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất nông nghiệp, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường; tận dụng phế thải từ các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.

Chương trình đặt ra mục tiêu cụ thể: Đẩy mạnh sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế một phần gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 35 - 40% vào năm 2025, 40 - 45% vào năm 2030 trong tổng số vật liệu xây, đảm bảo tỷ lệ sử dụng VLXKN trong các công trình theo quy định; giảm phát thải khí CO2 vào năm 2025 là trên 2,5 triệu tấn/năm và năm 2030 là trên 3 triệu tấn/năm.

Để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình đề ra các giải pháp: Hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm khuyến khích đầu tư sản xuất VLXKN theo công nghệ hiện đại; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới sản xuất các sản phẩm VLXKN; hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến VLXKN; đẩy mạnh sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng; đào tạo, hợp tác quốc tế; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác quản lý chất lượng và chất lượng các sản phẩm VLXKN đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định.

Chương trình còn quy định tỷ lệ sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng giai đoạn đến năm 2030: Đối với các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công sử dụng 100% VLXKN so với tổng lượng vật liệu xây; các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 90% VLXKN so với tổng lượng vật liệu xây.

Thanh Sang