Từ trong ký ức của nhiều già làng như bok Thư ở Vĩnh Thịnh, bok Kiên ở thị trấn Vĩnh Thạnh, bok Ka ở làng Tà Điệk - xã Vĩnh Hảo... nhiều ngôi làng ở vùng cao Vĩnh Thạnh tiêu điều, xơ xác, hoang tàn sau những trận bom do máy bay của giặc dội bom rải thảm xuống làng vào những năm 1953 - 1954 của thế kỷ trước. Bom giặc dội xuống không chỉ để tiêu diệt những ngôi làng Bana nhỏ bé, nên thơ bên dòng Đak Krông Bung mà thâm độc hơn, chúng còn nhằm tiêu diệt hết đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây tỉnh Bình Định - thủ tiêu vùng căn cứ địa của tỉnh.
Vì chúng biết, Vĩnh Thạnh không những là căn cứ của Tỉnh ủy Bình Định mà còn là nơi đứng chân của Ban cán sự Đảng tỉnh Gia Lai và Ban cán sự Đảng liên tỉnh II (gồm các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên). Là địa bàn trọng yếu cho việc chỉ đạo cách mạng của Đảng của phía Nam Trung bộ, vì vậy, Vĩnh Thạnh là địa bàn trọng điểm địch tập trung đánh phá ác liệt, tiến hành bóc gỡ các cơ sở cách mạng và cán bộ cùng cơ quan, kho tàng của tỉnh và các huyện Bình Khê, Phù Cát trên địa bàn huyện. Để thực hiện âm mưu trên, địch dùng lực lượng quân sự hỗn hợp tổ chức những cuộc hành quân lùng sục, tảo thanh, đánh phá, đồng thời dùng bọn mật vụ đóng giả thương lái thâm nhập, nắm tình hình, phát hiện cơ sở, kho tàng, móc nối những phần tử xấu ở địa phương lập lực lượng tề điệp phá hoại từ bên trong.
Bok Kiên kể lại: Để kịp thời đối phó với tình hình trên, Huyện ủy Vĩnh Thạnh chủ trương kiên trì phát động quần chúng, làm cho nhân dân thấy rõ Mỹ - Diệm là kẻ thù hiểm ác của cả người Kinh và Bana. Cán bộ người Kinh phải gấp rút học tiếng dân tộc, hòa mình triệt để vào quần chúng, kịp thời phát hiện các âm mưu và thủ đoạn đánh phá của địch, cùng thảo luận với quần chúng, bàn bạc thống nhất cách đánh địch theo phương châm "có lý, có lợi và đúng mức". Với chủ trương và phương châm đó, đồng bào các dân tộc Vĩnh Thạnh đã kiên quyết đấu tranh trước những âm mưu, thủ đoạn hiểm độc của địch, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang để tự vệ và tiến công địch. Vì vậy, dù địch tiến hành nhiều đợt khủng bố, đánh phá ác liệt, nhưng không một cán bộ nào bị lộ, không một cơ sở hợp pháp nào chịu khai báo, hầu như không lán trại bí mật nào của lực lượng cách mạng ở Vĩnh Thạnh bị địch phát hiện. Làng bị đốt cháy, bà con vào rừng đốt nương, lập làng mới. Không còn nhà cửa, bà con tạm lánh vào rừng; không còn cái ăn, bà con sống nhờ rau, củ rừng, con cá dưới suối, giữ vững tinh thần kiên trung theo Đảng, theo Bác đến cùng trong công cuộc đánh Tây, đuổi Mỹ.
Trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hầu hết thanh niên người Bana đều tham gia làm cách mạng. Người thoát ly vào bộ đội, người ở lại đều là cơ sở cách mạng, hết lòng ủng hộ, giúp đỡ kháng chiến. Với người Bana Vĩnh Thạnh, dù khó khăn, gian khổ đến mấy, bà con vẫn không sờn lòng, vẫn như cái bóng cây kơnia, cái rễ cây kơnia, hướng về miền Bắc, hướng về Đảng, Bác Hồ.
Từ hoang tàn đổ nát sau ngày giải phóng, nghe theo lời Đảng, lời Bác, đồng bào Bana ở Vĩnh Thạnh đoàn kết nỗ lực xây dựng quê hương. Với sự quan tâm của Nhà nước, huyện Vĩnh Thạnh đã tập trung đầu tư nguồn lực xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ đời sống giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, chợ, nhà văn hóa cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. Bên cạnh đó, huyện cũng đã đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn theo dự án REII, nâng tỉ lệ hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt đạt 99,2%; hoàn thành hệ thống cấp nước sạch của huyện, nâng tỉ lệ người dân dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 97,5%.
Ông Lê Văn Đẩu, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết: "Đặc biệt, thực hiện Quyết định 135, 134, chương trình 30a của Chính phủ, đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hơn 1.000 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách khó khăn. Các hộ nghèo được đầu tư hỗ trợ vốn và vật tư sản xuất nông nghiệp, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Vĩnh Thạnh đã khá lên rõ rệt.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng - Bí thư Tỉnh ủy, thăm hỏi các già làng, người có uy tín làng M9, xã Vĩnh Hòa.
Trò chuyện với chúng tôi về sự đổi thay của quê hương mình, ánh mắt của bà Mai A, người dân ở làng Tà Lét, xã Vĩnh Hiệp lấp lánh niềm vui: "Những năm chiến tranh thì cực khổ, nhà nào cũng thiếu cái ăn cái mặc. Giờ thì khác nhiều rồi. Làng đã có đường bê tông đến tận khu sản xuất, có nhà văn hóa, có trường mẫu giáo, có chỗ cho lũ trẻ vui chơi, người già đau ốm thì có trạm y tế sát bên… Bà con phấn khởi thi đua lao động sản xuất, phát triển chăn nuôi, nhiều hộ đã xây dựng được nhà đẹp gần cả tỷ đồng… Không còn ai phải lo thiếu cái ăn, cái mặc… Đây chính là công ơn trời biển của Đảng, của Bác Hồ mà đồng bào Bana chúng tôi mãi khắc ghi".
Dũng Xuân