CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Theo gương Bác
HÀNH TRANG TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC CỦA LÃNH TỤ NGUYỄN ÁI QUỐC
Chủ nhật 17/05/2020 17:52
Một quy luật tất yếu của lịch sử “ở đâu có áp bức ở đó có đấu tranh”, bởi vậy, dưới ách thống trị nô dịch của thực dân Pháp, nhân dân ta với lòng nồng nàn yêu nước đã đứng lên đấu tranh quyết liệt, mạnh mẽ. Tuy nhiên các phong trào yêu nước Việt Nam nổ ra từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đều thất bại, cách mạng Việt Nam lâm vào khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước. Trước bối cảnh đó, một người con xứ Nghệ, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước, với quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đây là tất cả những điều tôi hiểu”(1).

Trong hành trang của những người yêu nước Việt Nam lúc bấy giờ, đều có một điểm chung, đó là lòng yêu nước sâu sắc, ở Nguyễn Tất Thành tình cảm yêu nước của Người gắn liền với lòng thương dân vô hạn. Ngay từ buổi niên thiếu, Hồ Chí Minh đã từng chứng kiến cuộc sống cơ cực của người dân bị thực dân, phong kiến áp bức, bóc lột đến tận cùng xương tủy. Do đó, mục tiêu nhất quán, xuyên suốt trong cuộc ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành là con đường vừa giành độc lập cho Tổ quốc, vừa mang lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Đây là điểm khác cơ bản giữa Nguyễn Tất Thành với các nhà yêu nước đương thời, đã dẫn đến những hệ quả khác nhau trong tư duy, trong hoạt động thực tiễn và cả trong việc lựa chọn con đường cách mạng Việt Nam.

Nếu như phần lớn những người Việt Nam xuất dương lúc bấy giờ là để tìm sự giúp đỡ của bên ngoài, cầu viện để đánh Pháp, thì Nguyễn Ái Quốc ra đi là để tìm con đường, cách thức đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng dân tộc, giải phóng đồng bào. Người rời Tổ quốc thân yêu ra đi, không phải để cầu viện, mà mục đích xem các nước trên thế giới làm cách mạng như thế nào, rồi trở về giúp đồng bào: "Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta"(2). Nguyễn Tất Thành đi sang Pháp. Các lý do dẫn đưa Người đến nước Pháp là những truyền thống tự do, bình đẳng, bác ái và nền văn minh của chính quốc mà Người nghe được, biết và sự tàn bạo của bọn thực dân ở thuộc địa mà Người đã chứng kiến. Người đi sang Pháp, tìm hiểu tận gốc kẻ thù đang áp bức nô dịch đất nước mình, để từ đó có phương pháp và vũ khí phù hợp đánh đuổi chúng, phải chăng đây cũng là một lý do quyết định hướng đi của Người.

Bến nhà Rồng cũ, nay là bảo tàng Hồ Chí Minh, nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước (Nguồn: Tạp chí du lịch)

Hành trang của Người là đôi bàn tay, là lao động. Nếu như Phan Bội Châu dùng huyết lệ kêu gọi đồng bào cả nước đủ mọi tầng lớp đồng tâm đứng lên chống giặc. Phan Chu Trinh có 14 năm sống ở Pari, trung tâm chính trị châu Âu, nhưng do thủ cựu, không theo kịp thời đại, không hòa được vào phong trào đấu tranh thực tiễn và giai cấp công nhân Pháp nên đã không đến được với Chủ nghĩa cộng sản. Nguyễn Ái Quốc sang phương Tây sau Phan Chu Trinh 2 tháng, nhưng không phải trong vai thân sĩ mà trong tư cách người lao động. Trước khi ra đi tìm đường cứu nước, có một người bạn hỏi Nguyễn Tất Thành: Chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi? Nguyễn Tất Thành vừa nói vừa giơ hai bàn tay:" Chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ cái gì để sống và để đi"(3) . Và từ việc làm phụ bếp đến cào tuyết, đốt lò, làm vườn, thợ rửa ảnh, … Nguyễn Ái Quốc thông qua lao động đã hòa mình, gần gũi với cuộc sống nhân dân lao động, hiểu được nỗi thống khổ, hiểu được nguyện vọng và ý chí, năng lực của họ và đồng cảm với họ. Người lao động để sống, để hòa mình với giai cấp công nhân và nhân dân lao động đủ các màu da, để tìm lấy con đường cách mạng đúng đắn. Đi khắp năm châu, tham gia vào cuộc sống lao động và đấu tranh của quần chúng nghèo khổ ở các nước tư bản cũng như các nước thuộc địa và phụ thuộc. Và như thế, trên cuộc hành trình của mình với sự lăn lộn trong cuộc sống lao động và đấu tranh của nhân dân các nước, với tầm hiểu biết rộng lớn và vốn thực tiễn sâu sắc, phong phú, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức về thế giới và thời đại theo một lập trường và quan điểm mới so với các nhà yêu nước đương thời: Thứ nhất, Nguyễn Ái Quốc hiểu rõ đối tượng của cách mạng thế giới là chủ nghĩa thực dân đế quốc nói chung, tức không phân biệt màu da. Vì ở bất cứ đâu, chủ nghĩa đế quốc cũng tàn bạo, bất công và độc ác. Thứ hai, nhân dân lao động ở các nước thuộc địa hay phụ thuộc hay ở các chính quốc đều bị chủ nghĩa đế quốc áp bức, bóc lột. Họ là lực lượng cơ bản của cách mạng thế giới. Từ nhận thức trên, Người rút ra kết luận: "Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật thôi: tình hữu ái vô sản" (4).

Hành trang trên hành trình tìm đường cứu nước của Người đó là sự tự học, tự nghiên cứu. Nguyễn Ái Quốc đã tìm hiểu sâu sắc các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới: Cách mạng Mỹ năm 1776, cách mạng Pháp năm 1789, và phong trào giải phóng của các nước thuộc địa chống chủ nghĩa thực dân. Từ đó, Người khẳng định một cách dứt khoát rằng: "Con đường cách mạng tư sản không thể đưa lại độc lập và hạnh phúc thật sự cho nhân dân các nước nói chung và nhân dân Việt Nam nói riêng" (5). Thực tiễn đời sống lao động, đấu tranh của nhân dân các dân tộc, cùng với quá trình tìm hiểu nghiên cứu, đã giúp Nguyễn Ái Quốc thấy rõ: Cách mạng là tất yếu khách quan, là nhu cầu của nhân dân bị áp bức trên thế giới; khả năng và điều kiện liên minh, đoàn kết với các dân tộc bị áp bức của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của mình. Và trong vòng 10 năm (1911 - 1920), Nguyễn Ái Quốc đã đi đến nhiều nơi trên thế giới để khảo sát: "Anh đã vượt qua ba đại dương, bốn châu lục, đặt chân lên khoảng gần 30 nước, là một trong những nhà chính trị đã đi nhiều nhất, có vốn hiểu biết phong phú nhất về thực tế các thuộc địa cũng như các nước tư bản đế quốc chủ yếu nhất trong những thập niên đầu của thế kỷ XX" (6). Thông qua việc nghiên cứu về cuộc cách mạng tháng Mười Nga, quốc tế cộng sản, chủ nghĩa Mác - Lê nin đã làm sáng tỏ những băn khoăn, trăn trở của Người nhiều năm nay, Người reo mừng xác định "Đây là cái cần thiết của chúng ta, đây là con đường giải phóng của chúng ta"(7). Và cuối cùng Người đã tìm ra lời giải đáp, câu trả lời cho bản thân, cho cả dân tộc: Đi theo cách mạng vô sản. Việc tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa bước ngoặt đối với cách mạng Việt Nam.

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2020) cũng là dịp để chúng ta hiểu rõ hơn về cuộc đời, về những cống hiến to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và thế giới. Trước sự phát triển của cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch đang ra sức tấn công vào chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng tìm mọi cách bôi nhọ, xuyên tạc, làm méo mó cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Người, với ý đồ đánh vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta, phủ định con đường cách mạng Việt Nam đã được Bác Hồ tìm ra, được Đảng và nhân dân ta lựa chọn. Bởi vậy mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân có trách nhiệm phải bảo vệ những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên quyết đấu tranh bác bỏ mọi luận điệu của các thế lực thù địch, phản động. Chúng ta phải luôn không ngừng nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới, vận dụng vào công việc cũng như cuộc sống.

PHAN THỊ HOA    

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7):Hồ Chí Minh – Tiểu sử (2006): NXB Lý luận chính trị, Hà Nội.