Đồng chí Hoàng Đình Giong, người dân tộc Tày, sinh ngày 01/6/1904 tại làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng, sau thôn Nà Toàn, xã Xuân Phách (nay phường Đề Thám), thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Từ khi còn nhỏ, Hoàng Đình Giong là một học sinh thông minh, học giỏi, sớm có tinh thần yêu nước và ghét thực dân đế quốc, những tháng ngày học ở Trường Bách Nghệ, Hà Nội, Hoàng Đình Giong đã được đọc và nghiên cứu nhiều tài liệu tuyên truyền của tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên như một làn gió thổi bùng lên niềm khát khao cháy bỏng, thôi thúc chàng trai dân tộc Tày. Đặc biệt là từ khi được tham dự các lớp huấn luyện của tổ chức Hội tại Long Châu, Trung Quốc, từ một thanh niên giàu lòng yêu nước, đồng chí trở thành người cộng sản và là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đồng chí Hoàng Đình Giong.
Là người có kinh nghiệm đấu tranh cách mạng, dù bị địch và bọn mật thám tra tấn dã man, tìm mọi cách dụ dỗ, mua chuộc đầu hàng, đồng chí vẫn hiên ngang, dõng dạc tố cáo tội ác của thực dân Pháp và tay sai, khẳng định con đường cách mạng giải phóng dân tộc là con đường đúng đắn. Trong nhà tù đế quốc, đồng chí là một trong những người sáng lập và lãnh đạo chi bộ đặc biệt (chi bộ Cộng sản của các đảng viên tù chính trị) trong nhà tù Sơn La, đồng chí cùng với các đồng chí của mình biến nhà tù thành trường học cách mạng, thành nơi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cách mạng.
Cùng với việc xây dựng tổ chức Đảng, đồng chí luôn quan tâm chỉ đạo thành lập các tổ chức quần chúng cách mạng ở Cao Bằng (Công hội đỏ, Cộng sản Đoàn, Nông hội đỏ) và trực tiếp chỉ đạo Đảng bộ Cao Bằng xuất bản tờ báo “Cờ đỏ”, tuyên truyền cách mạng, giác ngộ quần chúng; chỉ đạo xây dựng Cao Bằng thành một trong những cơ sở vững chắc để chắp nối liên lạc giữa Ban Chỉ huy ở ngoài nước của Đảng với bộ phận lãnh đạo Trung ương đang hoạt động trong nước và các cơ sở Đảng trong phạm vi toàn quốc.
Đầu năm 1936, thực hiện sự phân công của Trung ương, đồng chí trở lại vùng Duyên Hải (Hải Phòng, Quảng Ninh) hoạt động nhằm tăng cường củng cố đường dây liên lạc từ nước ngoài về nước chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng. Ngày 04/02/1936, tại Hải Phòng, đồng chí bị mật thám Pháp bắt giam và đày đi nhiều nhà tù trong nước, rồi đày đi biệt xứ tận đảo Ma-đa-ga-xca (châu Phi). Tháng 10/1944, sau khi thoát khỏi nhà tù đế quốc, đồng chí trở về nước, nhảy dù xuống Cao Bằng, bắt liên lạc với tổ chức, tiếp tục hoạt động cách mạng sôi nổi.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ làm Chỉ huy trưởng Đội quân Nam tiến, đồng chí đã thể hiện là một người có văn võ song toàn, có đạo đức, xứng với tên Võ Văn Đức mà Bác Hồ đã đặt. Trong thời gian này, đồng chí được Đảng giao giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Chủ nhiệm Chính trị Bộ (Chính ủy) Quân giải phóng Nam Bộ, Khu Bộ trưởng (Tư lệnh) đầu tiên Khu IX, Khu Bộ trưởng (Tư lệnh) Khu VI.
Năm 1947, trong một trận chiến đấu ác liệt tại Chiến khu 7 (Ninh Thuận), đồng chí đã chiến đấu và anh dũng hy sinh giữa lúc nhiệt huyết cách mạng đang tràn đầy ở tuổi 43. Cho đến giờ phút cuối cùng, đồng chí vẫn tỏ rõ khí phách hiên ngang, ý chí kiên cường, bất khuất của người cộng sản. Với công lao và cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước truy tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Đình Giong là dịp để chúng ta bày tỏ lòng thành kính, tri ân công lao đóng góp to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Cuộc đời, sự nghiệp và phẩm chất đạo đức cách mạng, trọn đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân của đồng chí mãi mãi là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên, thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Ngọc Minh