CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Tài liệu tuyên truyền
Ngày 31/3/1975: Mốc son chói lọi của lịch sử tỉnh nhà
Thứ sáu 31/03/2023 10:04

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với vị trí chiến lược quan trọng là cửa ngõ nối liền khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, Mỹ - ngụy luôn coi Bình Định là vùng trọng điểm trong các chiến lược chiến tranh của chúng. Trước sự đánh phá ác liệt của kẻ thủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Khu ủy Khu V và Tỉnh ủy Bình Định, phát huy truyền thống Tây Sơn quật khởi, quân và dân tỉnh ta đã anh dũng đứng lên chống lại kẻ thù để giải phóng quê hương.

Với phương châm kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, tiến hành 3 mũi giáp công: Quân sự, chính trị, binh vận trên cả 3 vùng chiến lược: Miền núi, đồng bằng và thành thị, quân và dân trong tỉnh đã góp phần làm thất bại hoàn toàn các chiến lược chiến tranh đơn phương, chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ, lập nên những chiến công vang dội, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Tà Lốc - Tà Lét, Chiến thắng An Lão, Đèo Nhông - Dương Liễu, Đồi Mười, Chiến thắng Bắc Bình Định trong hai mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đánh vào sào huyệt của địch ở Quy Nhơn và các huyện lỵ, Chiến dịch tiến công tổng hợp Xuân - Hè 1972...

Từ cuối năm 1974, đầu năm 1975, Bình Định vẫn là một trọng điểm bám giữ và đánh phá ác liệt của địch, đặc biệt sau khi quân ta giải phóng Buôn Ma Thuột (3/1975), Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu lúc bấy giờ đề ra chủ trương “co hẹp trận địa”, rút khỏi Bắc Tây Nguyên về “tử thủ” đồng bằng duyên hải, nhằm bảo toàn lực lượng và giữ những vùng có tính chất quan trọng sống còn với chế độ Sài Gòn. Tại Bình Định, Sư đoàn 22 cộng hòa từ phản kích giải tỏa, chuyển sang lập các cụm cứ điểm phòng thủ để ngăn chặn các binh đoàn chủ lực của ta theo đường 19 tiến xuống Quy Nhơn. Để cứu vãn tình thế nguy cấp, ngụy còn cho quân đóng tại Tuy Phước nhằm chia cắt, bảo vệ vùng ven Quy Nhơn và trấn an tinh thần quân địa phương.

Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị: Nhanh chóng, táo bạo đẩy mạnh tiến công, đánh bại kế hoạch co cụm chiến lược của địch, Sư đoàn 3 đã triển khai tiến công quân ngụy trên đường 19 ở Bình Định, nhanh chóng đưa một số đơn vị đánh chiếm và chốt giữ cầu Thủ Thiện Hạ (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn), nhằm cắt đứt đường tháo chạy của quân ngụy về Quy Nhơn. Để cứu vãn tình hình bế tắc trong thế tuyệt vọng, quân ngụy lập tức điều một số đơn vị về lập phòng tuyến vùng ven và trung tâm thị xã Quy Nhơn, hình thành một dải phòng ngự có chiều sâu, nhằm buộc ta phải đột phá từ xa, phải vượt qua nhiều tuyến kháng cự để chúng có thời gian củng cố lực lượng, tiếp tục chống đỡ. Quyết không để quân ngụy kịp xoay trở, ngày 24/3/1975, Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy Tỉnh đội Bình Định quyết định: “Đẩy mạnh 3 quả đấm, phát động cao trào tiến công, nổi dậy đồng loạt giải phóng nông thôn, đẩy mạnh công kích và khởi nghĩa thị xã, đánh đổ toàn bộ quân địch, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, giải phóng toàn tỉnh” với khẩu hiệu hành động: “Xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”; “Tất cả cho đánh đổ chính quyền địch”.

Bộ đội ta vượt Cầu Đôi đánh chiếm thị xã Quy Nhơn trong chiến dịch tổng tiến công Xuân 1975 (Ảnh tư liệu)

Chấp hành chủ trương và quyết tâm chiến lược của Đảng, Đảng bộ, quân và dân Bình Định sát cánh cùng Sư đoàn 3 Sao Vàng khẩn trương tiến hành các công tác chuẩn bị, sẵn sàng bước vào chiến dịch Xuân 1975 với khí thế cách mạng tiến công sôi nổi chưa từng có. Với phương châm dựa vào sức mình là chính, qua 28 ngày đêm liên tục tiến công và nổi dậy, liên tục chiến đấu và chiến thắng, đến 20 giờ ngày 31/3/1975 lá cờ chiến thắng của quân và dân Bình Định đã phấp phới tung bay trên nóc tiền sảnh Tòa Hành chính ngụy quyền Sài Gòn, đánh dấu thời khắc trọng đại trong lịch sử tỉnh nhà: Tỉnh Bình Định đã hoàn toàn giải phóng, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gần 21 năm trường kỳ và gian khổ trên quê hương Bình Định. Chiến thắng ngày 31/3 giải phóng Bình Định là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần bất khuất, là bản anh hùng ca về ý chí cách mạng kiên cường của quân và dân Bình Định.

Kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Định, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong tỉnh đoàn kết một lòng, ra sức phát huy những thuận lợi, nắm bắt thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hộ XIII của Đảng, quyết tâm xây dựng tỉnh Bình Định ngày càng giàu đẹp, cùng với cả nước đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát triển nhanh, bền vững, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

          Ngọc Hiền

Các tin liên quan