CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Tài liệu tuyên truyền
Đồng chí Phan Đăng Lưu - Tấm gương chiến đấu, hy sinh trọn đời vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam
Thứ năm 05/05/2022 07:16

Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 05/5/1902 trong một gia đình nhà nho, có truyền thống yêu nước ở thôn Đông, xã Tràng Thành (nay là xã Hoa Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An - một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng. Thuở nhỏ, vốn thông minh, ham học, Phan Đăng Lưu theo học chữ Hán, sau học chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp.

Đồng chí Phan Đăng Lưu (Ảnh tư liệu)

Sau khi tốt nghiệp Trường Canh nông thực hành ở Tuyên Quang (1923 - 1924), Phan Đăng Lưu được nhận làm viên chức của Sở Canh nông Bắc Kỳ và công tác tại trạm nghiên cứu tơ tằm ở huyện Thanh Ba (Phú Thọ). Sau đó, Phan Đăng Lưu chuyển về làm việc tại Sở Canh nông Nghệ An ở Vinh và gia nhập Hội Phục Việt - tổ chức sau đó có các tên gọi khác là Hưng Nam, Việt Nam Cách mạng Đảng, Việt Nam Cách mạng đồng chí hội, Tân Việt Cách mạng Đảng. Tháng 6/1927, nghi ngờ có liên quan đến các hoạt động chính trị chống Pháp, Khâm sứ Trung Kỳ ra quyết định thải hồi Phan Đăng Lưu. Tại quê nhà, Phan Đăng Lưu tiếp tục hoạt động cách mạng, được Tổng bộ Việt Nam Cách mạng Đảng giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở tại Yên Thành (Nghệ An).

Tháng 5/1928, Phan Đăng Lưu được điều động vào Huế tham gia Ban Biên tập Quan Hải Tùng Thư và được bổ sung vào Ban Thường vụ của Tổng bộ. Tháng 7/1928, tại Đại hội Tổng bộ Việt Nam Cách mạng Đảng, được bầu làm Ủy viên phụ trách công tác tuyên huấn. Cuối tháng 9/1928, được Tổng bộ Tân Việt cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) để bàn việc hợp nhất với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Tháng 9/1929, đồng chí Phan Đăng Lưu được cử sang Quảng Châu lần thứ hai, nhưng khi ở Hải Phòng, đồng chí bị mật thám bắt và đưa về giam tại Nhà lao Vinh, kết án ba năm tù khổ sai và đày lên Nhà tù Buôn Ma Thuột. Trong tù, đồng chí đã trở thành đảng viên cộng sản và tham gia Ban lãnh đạo nhà tù. Giữa năm 1936, đồng chí được thả và bị đưa về quê nhà quản thúc, nhưng với tinh thần nhiệt huyết với cách mạng, chỉ một thời gian ngắn đồng chí đã vào thành phố Huế tìm bắt liên lạc với tổ chức.

Đầu năm 1937, đồng chí tham gia lập lại Xứ ủy Trung Kỳ và được cử vào ban lãnh đạo Xứ ủy, tham gia chỉ đạo cuộc đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ ở Trung Kỳ, trực tiếp chỉ đạo cuộc tuyển cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ. Tháng 9/1937, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tiếp tục tham gia lãnh đạo Xứ ủy Trung Kỳ. Tháng 9/1939, được Trung ương phân công phụ trách phong trào các tỉnh Nam Kỳ. Từ ngày 6 đến 8/11/1939, tham dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ sáu bàn về chuyển hướng chiến lược của Đảng, tiến tới giai đoạn dân tộc giải phóng.

Trước tình hình hầu hết các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương bị thực dân Pháp bắt trong nửa đầu năm 1940, nhiều đồng chí trong Xứ ủy Nam Kỳ chủ trương tiến hành khởi nghĩa, đồng chí Phan Đăng Lưu là một trong những người sớm nhận thức được yêu cầu phải khẩn trương tổ chức tái lập Ban Chấp hành Trung ương và hoãn cuộc khởi nghĩa nổ ra khi thời cơ chưa chín muồi. Với sự phân tích sâu sắc điều kiện để khởi nghĩa, tương quan lực lượng giữa ta và địch, đồng chí đã kiên trì đề nghị hoãn cuộc khởi nghĩa, chờ ý kiến chính thức của Trung ương. Đồng chí đã lên đường ra Bắc, tham gia tổ chức thành công Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 11/1940. Hội nghị đã cử ra Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) làm Quyền Tổng Bí thư và quyết định hoãn cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ. Cũng tại Hội nghị này, đồng chí Phan Đăng Lưu được cử vào Ban Chấp hành Trung ương và được giao nhiệm vụ trở vào Nam truyền đạt ý kiến của Trung ương về hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Tuy nhiên, khi vừa về tới Sài Gòn, chưa kịp truyền đạt ý kiến của Trung ương thì đồng chí bị mật thám Pháp bắt vào ngày 22/11/1940. Ngày 3/3/1941, đồng chí Phan Đăng Lưu bị Tòa án binh của chính quyền thực dân Pháp kết án tử hình và đồng chí xử bắn vào ngày 26/8/1941 tại trường bắn Ngã Ba Giồng, Bà Điểm, Hóc Môn, tỉnh Gia Định.

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu (05/5/1902 - 05/5/2022) là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, tấm gương chiến đấu, hy sinh và những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; đồng thời, qua đó tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa yêu nước, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của các cán bộ tiền bối tiêu biểu để các thế hệ hôm nay học tập, noi theo.

Ngọc Hiền