CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Tài liệu tuyên truyền
TRẬN XUÂN SƠN - MỘT ĐIỂN HÌNH VỀ CHIẾN THUẬT TẬP KÍCH TIÊU DIỆT ĐỊCH
Thứ năm 14/04/2022 13:47

Cách đây 56 năm, Trung đoàn 22, Sư Đoàn 3 Sao Vàng phối hợp với quân dân huyện Hoài Ân, quân và dân Bình Định đã lập nên chiến công xuất sắc trong trận tập kích địch tại đồi Xuân Sơn (xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân). Trận Xuân Sơn được đánh giá là điển hình về tập kích tiêu diệt gọn tiểu đoàn Mỹ, là trận đánh có giá trị chiến thuật cao, mở ra khả năng cho trung đoàn chủ lực thực hiện rộng rãi hình thức chiến thuật tập kích diệt gọn từng tiểu đoàn Mỹ

Ngược dòng lịch sử, trong mùa khô 1966 - 1967, lực lượng xung kích chủ yếu của địch trên chiến trường Bình Định vẫn là Sư đoàn không vận số 1 Mỹ, nhưng lực lượng ngụy quân, ngụy quyền, đặc biệt là lính địa phương thì tăng lên rõ rệt, việc “bình định” nông thôn cũng khốc liệt hơn trước. Thủ đoạn đánh phá của quân Mỹ cũng có thay đổi, chúng chủ trương đánh phá dai dẳng ở từng khu vực, dùng máy bay chở lô cốt, rào kẽm gai, máy cưa, máy ủi... xây dựng các trận địa pháo và các cứ điểm để đứng chân dài ngày làm chỗ dựa cho quân ngụy tiến hành “bình định”. Cứ điểm Gò Loi, Chóp Chài, trận địa pháo Xuân Sơn (huyện Hoài Ân) và một loạt cứ điểm khác ở Bình Định đã được xây dựng theo ý đồ đó của Mỹ.

 

Trong khi đó, tháng 10 năm 1966, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định mở đợt hoạt động Đông - Xuân 1966 - 1967, nhằm đánh vào hai gọng kìm chiến lược “tìm diệt” và “bình định” của địch. Tỉnh ủy Bình Định chủ trương đối với phong trào miền núi cùng các huyện phía Bắc tỉnh, phải kiên quyết chống càn quét, lấn chiếm, chống xúc tác dân, kết hợp với đẩy mạnh hoạt động Đông - Xuân 1966 - 1967, tiêu diệt và tiêu hao sinh lực địch, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng. Thực hiện chủ trương kéo quân cơ động về vùng giáp ranh và miền núi, nhằm kiềm chế địch ở vòng ngoài, tạo điều kiện cho công tác chống “bình định” ở vòng trong, Trung đoàn 22, Sư Đoàn 3 Sao Vàng phối hợp với quân dân huyện Hoài Ân, quân và dân Bình Định đã lập nên nhiều chiến công xuất sắc, trong đó có trận tập kích địch tại đồi Xuân Sơn (xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân).

 

Đồi Xuân Sơn là một ngọn đồi thấp, nằm sát dưới chân núi Gò Công cao 198 mét; đồi này rộng mỗi bên khoảng 500 mét, trên đồi chỉ có cỏ tranh, xung quanh trống trải. Phía đông bắc là núi Gò Công, 3 mặt còn lại có dòng sông nước Lương bao bọc. Đó là nơi đóng quân của 2 tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn cơ động bằng máy bay của Mỹ vừa điều từ Tây Nguyên về sau ngày 20/12/1966. Lợi dụng địa hình có nhiều chướng ngại vật thiên nhiên chia cắt, để hạn chế quân ta đến gần, chúng bố trí quân trên sườn đồi thành một vòng tròn khắp cả pháo binh và sở chỉ huy ở giữa. Trận địa pháo gồm 12 khẩu 105 mm và 155 mm đặt ở phía bắc. Sở chỉ huy tiểu đoàn bộ binh đặt ở phía đông. Phía ngoại tuyến bố trí bộ binh, có bãi máy bay lên thẳng ở phía tây bắc gần sát bờ sông, công sự và chướng ngại được cấu trúc theo mức độ đóng quân dã chiến lâm thời. Toàn bộ lực lượng địch tại đây có trên 600 tên. Trận địa Xuân Sơn lại được sự chi viện trực tiếp của 2 cụm pháo binh khác, cách đó từ 4 đến 6 km.

Đồng chí Sơn Diệp, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 22 báo cáo phương án tác chiến đánh trận địa pháo Xuân Sơn tại Hội nghị Đảng ủy Trung đoàn  (Ảnh tư liệu Sư đoàn 3)

Trong những ngày tháng 12 năm 1966, ở vùng này mưa gió tầm tã, nước sông lên to và bọn địch cũng buộc phải thường xuyên hoạt động lùng sục trong “thiên thời” bất lợi ấy. Mưa to làm cho trận địa của chúng lầy lội và đầy ắp những nước và nước, chúng không thể chui đầu vào công sự để đề phòng, ban đêm buộc phải nằm la liệt trên mặt đất trong những căn lều bạt mới dựng. Chúng cho rằng chiếm được địa hình có lợi, bốn mặt có núi sông bao bọc, chia cắt, thì đối phương không thể bất ngờ tiêu diệt chúng, vốn đã chủ quan, tư tưởng ỷ lại máy bay và pháo binh càng làm cho chúng chủ quan hơn.

Trong khi đó, do nắm được tình hình địch mới ở Tây Nguyên về không thông thạo địa hình, Đảng ủy và Ban Chỉ huy Trung đoàn 22 hạ quyết tâm chiến đấu tiêu diệt căn cứ này. Dù trong thời gian rất ngắn, nhưng các lực lượng của ta đã xác định kế hoạch, bổ sung quyết tâm và soát xét lại việc hiệp đồng chiến đấu trước giờ nổ súng, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành.

Trước giờ nổ súng, các mũi xung kích đã tranh thủ mọi thời cơ để tiến sát vị trí địch và dần dần hình thành thế bao vây. Sau khi cán bộ chỉ huy kiểm tra tất cả các bộ phận lần cuối cùng, thì từ sở chỉ huy đặt sát ngay đội hình xung kích, đã phát ra lệnh nổ súng. Lúc này là nửa đêm ngày 25/12/1966, bỗng có những cơn sấm sét bùng nổ dữ dội, chớp giật sáng lóe cả một vùng, bao bọc gọn lấy triền đồi Xuân Sơn, nơi hơn 600 tên giặc đang ngủ say. Trong loạt đạn pháo các loại thi nhau gầm rít, lao xuống đầu quân xâm lược. Chúng không kịp trở tay, nhiều toán quân tan nát, nhiều cụm lính găm đầu xuống mặt đất tránh đạn của quân ta. 2 sở chỉ huy tiểu đoàn và trận địa pháo của địch ở giữa bị trúng loạt đạn dồn dập đầu tiên; đến phút thứ 3 thì bị tê liệt hoàn toàn, điện đài chưa kịp phát sóng đã bị phá hủy, bọn chỉ huy chưa kịp ra lệnh đối phó đã bị chết gục trong hầm. Những tên bắn pháo nằm giãy giụa la liệt ngay bên càng pháo. Pháo ta vừa dứt bắn, thì ngay lập tức, từng mũi, từng mũi xung kích của quân ta đã xuất hiện ngay, quét từng băng tiểu liên giòn giã, liên tục, ném những loạt lựu đạn nổ vang vào từng đám đông quân giặc đang túm tụm lại với nhau. Trong lúc đó, các mũi diệt các cụm bộ binh bên ngoài vẫn hình thành từng mũi bao vây vu hồi, hiệp đồng với nhau diệt gọn hết tốp địch này đến tốp địch khác. Mọi sự chống cự của địch chỉ là tuyệt vọng.

Một mũi của quân ta đánh vào bãi sân bay lên thẳng, địch chạy lùi dựa vào công sự bao cát dùng đại liên bắn chặn. Đồng chí chỉ huy phân đội đã kịp thời điều súng bắn thẳng lên tiêu diệt ngay và yểm hộ cho bộ binh ta xông lên đánh chiếm bãi, phá hủy 3 máy bay và thọc ngay vào một cụm bộ binh cuối cùng của địch gần đó. Kết quả, ta diệt hoàn toàn bọn còn lại ngoan cố chống cự và cũng là lúc các mũi xung kích khác hoàn thành chiếm lĩnh toàn bộ trận địa. Chỉ trong khoảng thời gian 15 phút, quyền làm chủ hoàn toàn thuộc về quân ta, trận tập kích tài tình kết thúc. Lúc này, mấy chiếc máy bay khu trục L.19 và trực thăng vũ trang của địch vừa thả pháo sáng vừa bắn vung vít, vì mất liên lạc với bọn chỉ huy ở dưới đất. Sau khi thu chiến trường, ta rút khỏi trận địa, bọn chỉ huy đoàn cơ động bằng máy bay mới biết Xuân Sơn hoàn toàn bị diệt. Trận tập kích Xuân Sơn đã kết thúc giòn giã. Kết quả, ta đã diệt, làm bị thương khoảng trên 600 tên lính Mỹ, phá hủy 11 khẩu pháo 105mm và 155mm, bắn rơi 5 máy bay trực thăng, thu 34 súng các loại. Trên đường lui quân ta diệt thêm 120 tên Mỹ, bắn rơi 1 trực thăng.

Chiến thắng Xuân Sơn đã giáng một đòn nặng nề vào chiến thuật “điểm tựa”, “đóng chốt” để càn quét dai dẳng của quân Mỹ. Tin chiến thắng Xuân Sơn bay về đúng lúc Đại hội Chiến sĩ thi đua và Dũng sĩ diệt Mỹ toàn Quân khu lần thứ hai đang tiến hành sôi nổi. Đại hội nhất trí đánh giá và công nhận trận tập kích trận địa pháo Xuân Sơn là một kỷ lục, là ngọn cờ đầu về diệt gọn đơn vị Mỹ của toàn Quân khu năm 1966. Với chiến thắng Xuân Sơn, Trung đoàn 22 Sư Đoàn 3 Sao Vàng được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì.

Chiến thắng Xuân Sơn còn là một bài học thành công về đánh nhanh, diệt gọn một lực lượng lớn của địch phòng ngự có chuẩn bị trước, về việc nắm chắc tình huống diễn biến chiến đấu, sử dụng lực lượng đúng thời cơ, chỉ huy chặt chẽ, kịp thời có biện pháp đập tan ý chí đề kháng của địch, khẩn trương tiêu diệt những vị trí then chốt, làm cho toàn bộ quân địch bị diệt gọn trong một thời gian ngắn. Chiến thắng Xuân Sơn là một đòn quyết liệt mới đánh vào Sư đoàn không vận số 1 - “niềm hy vọng của quân Mỹ” ngay những lần ra quân lớn đầu tiên trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai 1966 - 1967 của chúng trên chiến trường miền Nam.

Nguyễn Triều Tiên

Các tin liên quan