Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng (đầu tiên từ trái qua) cùng các sở, ngành của tỉnh đi kiểm tra tình hình thiệt hại trên địa bàn huyện Vân Canh.
Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Vân Canh, ngày 10.11, mưa lớn kết hợp với nước từ thượng nguồn đổ về khiến nước trên sông Hà Thanh dâng nhanh, gây ngập nhà nhiều hộ dân tại thị trấn Vân Canh, xã Canh Thuận, Hiển Hiển, Canh Hiệp. Tuyến QL 19C thuộc địa bàn thị trấn Vân Canh bị nước lũ tràn qua và xoáy sâu vào các cống nước tại Km 29+500 rộng 3m, âm sâu vào lòng đường 3m, buộc ngành chức năng phải dựng hàng rào ngang qua đoạn đường này, không cho ô tô qua lại, nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Cầu Suối Mây cũng đã bị nước lũ làm đứt gãy một nhịp, chia cắt hơn 100 hộ dân với 400 nhân khẩu làng Suối Mây với thị trấn Vân Canh.
Cầu Suối Mây, ở thị Trấn Vân Canh đã bị nước lũ làm đứt gãy.
Trên tuyến đường từ xã Canh Thuận đi Canh Liên có 10 điểm sạt lở, đất đá nằm chất thành đống trên mặt đường. Cầu tràn làng Canh Phước, xã Canh Hòa cũng bị sạt lở mố cầu; cầu Bình Long xã Canh Vinh bị tụt 2 nhịp; cầu từ thôn Canh Tân thị trấn Vân Canh và Canh Thuận cũng bị sạt lở mái ta luy dài 20m, âm sâu 1m. Mưa lũ còn làm 1 ngôi nhà ở làng Kà Te, xã Canh Thuận bị sập hoàn toàn; 2 ngôi nhà khác ở xã Canh Hiệp và Canh Thuận bị tốc mái.
Tuyến đường quốc lộ QL 19 C tại Km 29+500 thuộc địa bàn thị trấn Vân Canh bị nước lũ xoáy sâu vào lòng đường 3 m.
Để sớm khắc phục hậu quả do mưa lũ, huyện Vân Canh kiến nghị tỉnh hỗ trợ khắc phục điểm sạt lở trên tuyến đường 19C và giải phóng khối lượng đất đá, sau đó tu sửa tuyến đường từ xã Canh Thuận đi Canh Liên; sửa chữa cầu Suối Mây, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại. Thôn Bình Long và thôn Tăng Hòa, xã Canh Vinh thường hay bị lũ cô lập, huyện kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí đấu nối tuyến ĐT 638 vào thôn Bình Long và xây dựng hệ thống thoát nước ra sông Hà Thanh để chống ngập úng thôn Tăng Hòa.
Ngành chức năng lập chốt, không cho ô tô qua lại trên tuyến đường 19 C tại thị trấn Vân Canh, nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Sau khi đi kiểm tra thực tế tình hình sạt lở trên tuyến QL 19C và cầu Suối Mây thuộc địa bàn thị trấn Vân Canh cùng các điểm sạt lở trên tuyến đường từ xã Canh Thuận đi xã Canh Liên, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng yêu cầu huyện Vân Canh lập chốt trên các tuyến đường bị hư hỏng nặng, hướng dẫn và hạn chế người dân qua lại. Sở GTVT phải huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị nhanh chóng khắc phục điểm sạt lở trên tuyến QL 19C thuộc địa bàn thị trấn Vân Canh và sửa chữa cầu Suối Mây, đảm bảo trong ngày 11.11, phải hoàn thành điểm sạt lở trên tuyến QL 19 C và cố gắng ngày 12.11, cơ bản khắc phục xong cầu Suối Mây. Cùng với đó là giải phóng khối lượng đất đá trên tuyến đường từ Canh Thuận đi Canh Liên, đảm bảo giao thông đi lại. Những điểm bị sạt lở và công trình giao thông thủy lợi khác bị hư hỏng, UBND huyện Vân Canh chịu trách nhiệm sửa chữa, khắc phục.
Trên tuyến đường từ xã Canh Thuận đi Canh Liên có nhiều điểm sạt lở, đất đá trên các triền núi đổ xuống đường.
Đồng chí Hồ Quốc Dũng cũng đã giao cho đoàn công tác liên ngành của tỉnh phối hợp với chính quyền các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát thiệt hại, kịp thời thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân sớm ổn định đời sống, sản xuất. Sau ngày 20.11, các huyện, thị xã, thành phố không báo cáo thiệt hại thì địa phương tự cân đối ngân sách để khắc phục. Một số địa phương linh động trích ngân sách để khắc phục hậu quả mưa lũ, Sở Tài chính cân đối ngân sách báo cáo UBND tỉnh để hỗ trợ cho các địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng thăm hỏi động viên và lưu ý người dân xã Canh Liên cần phải nâng cao cảnh giác với mưa lũ.
Trước khả năng tỉnh Bình Định tiếp tục chịu ảnh hưởng của cơn bão số 13, đồng chí Hồ Quốc Dũng cho biết, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị tiếp tục cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi. Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm kêu gọi, hướng dẫn các tàu thuyền trên biển di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Các địa phương rà soát lại các điểm có nguy cơ sạt lở để di dời dân đến nơi an toàn. Đối với vùng ven biển, vùng thường bị ngập lũ, triển khai phương án sơ tán dân. Bên cạnh đó, thành lập Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và phân công các thành viên ứng trực tại 15 hồ chứa nước xung yếu, nhằm hạn thế thấp nhất thiệt hại, đảm bảo an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi.
Tin và ảnh: TIẾN SỸ - Nguồn Báo Bình Định