CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Hoạt động của lãnh đạo tỉnh
Tăng tốc phát triển để giữ vững ngôi đầu ở vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ; xây dựng được đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu thách thức. Mỗi việc làm đều phải hướng đến hạnh phúc, lợi ích người dân
Thứ bảy 16/12/2023 08:55

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển KT-XH năm 2024, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng khẳng định: Thành quả những năm qua và năm 2023 là sự nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Bình Định là tỉnh nghèo, xuất phát điểm thấp; 10 năm trước, Bình Định vẫn hết sức khó khăn, ít ai nghĩ rằng, quy mô kinh tế của tỉnh đạt 117.668,8 tỷ đồng, xếp thứ 5/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ. Đây là thành tích đáng tự hào. Chẳng hạn như về hạ tầng giao thông, tỉnh Bình Định cũng thuộc tốp đầu ở miền Trung. Nền kinh tế phát triển khá vững chắc trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch. Ít có địa phương nào có sự phát triển đồng đều như thế. Kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, tạo động lực tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, tăng tốc phát triển để giữ vững ngôi đầu ở vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: NGUYỄN DŨNG

Đồng chí Hồ Quốc Dũng lưu ý không nên “say sưa trên chiến thắng”, các cấp, ngành, địa phương phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, nếu không quyết tâm cao, nỗ lực lớn thì khả năng “trụ hạng tốp đầu” sẽ khó khăn. Hiện quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngày 23.12, tỉnh sẽ công bố quyết định quy hoạch này. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, định hình cho sự phát triển của tỉnh trong tương lai. Các sở, ngành, địa phương phải xác định thực hiện quy hoạch là việc làm hết sức quan trọng, ưu tiên hàng đầu, từ đó nghiên cứu kỹ, xây dựng giải pháp nhằm cụ thể hóa quy hoạch thành nhiệm vụ của từng địa phương. Thực hiện theo kế hoạch thì tỉnh sẽ cất cánh. Vì thế, tất cả đều phải hành động, các cấp, ngành, địa phương, người dân trong tỉnh đều chung tay xây dựng Bình Định trở thành địa chỉ hấp dẫn, để khi nhắc đến Bình Định ai cũng muốn tới.

“Muốn như thế, cần phải xây dựng, hoàn thiện tốt cơ sở hạ tầng, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng được yêu cầu. Từng cấp, ngành, địa phương phải suy nghĩ để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng ngành, từng vùng, địa phương; đặc biệt là định hình rõ, xác định cụ thể việc phát triển chứ không nói chung chung. Chẳng hạn như ngành Nông nghiệp phải hình dung bức tranh 10 năm tới, cần làm gì cụ thể để phát triển sản xuất, gắn với tiêu thụ chế biến, tăng giá trị. Tỉnh rất nỗ lực, kêu gọi được các nhà đầu tư mới đến để xây dựng các dự án sản xuất, chế biến lớn về nông sản, thủy sản. Đây là yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả cạnh tranh và giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh thời gian tới, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho người dân, tạo tiền đề vững chắc phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh nhanh, bền vững. Ngành Nông nghiệp cần tìm hiểu, học tập, truyền đạt, hướng dẫn, phổ biến bà con tiếp cận, làm quen nghề nuôi biển để mở rộng chuyển đổi nghề cho người dân có cuộc sống ổn định” - Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo.

Đồng chí Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh, tỉnh đã định hình không gian phát triển công nghiệp, cần phải thực hiện theo đúng quy hoạch. Du lịch cũng cần phải làm mới, hiện nay tình hình khách du lịch đến Bình Định là rất ít. Trước đây, năm 2019, có thời điểm mỗi ngày Cảng Hàng không Phù Cát đón 40 chuyến bay đi và đến, vận chuyển hàng nghìn khách, các tuyến đường ở TP Quy Nhơn nhiều khi chật kín, như ngày hội. Trong khi bây giờ, mỗi ngày tuyến Bình Định - Hà Nội chỉ 2 - 3 chuyến, TP Hồ Chí Minh cũng thế. Hệ quả, các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống, lưu trú nhiều lúc ế ẩm. Từ thực tế đó, ngành du lịch, văn hóa, địa phương phải nghĩ đến sản phẩm đặc trưng riêng có cho Bình Định để kéo khách du lịch. Nếu không có giải pháp, việc làm cụ thể thì ngành du lịch của tỉnh rất dễ bị tụt hậu. Dịch vụ cảng biển, logistic cũng thế, lãnh đạo từng đơn vị phải ngồi lại để suy nghĩ, tìm cách phát huy tiềm năng, thế mạnh, dư địa còn lại để khai thác. Quyết tâm giữ vững Bình Định ở tốp đầu.

Cùng với phát triển kinh tế, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đề nghị các cấp, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa đến các vấn đề xã hội, như y tế, giáo dục, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là y tế và giáo dục. Vì GRDP tăng 10 - 15%/năm, nhưng hạ tầng, trang thiết bị dạy và học ở trường, cơ sở y tế thiếu thốn thì có ý nghĩa gì; phải quan tâm đảm bảo những điều kiện tốt nhất phục vụ người dân. Con em Bình Định phải được học tập trong ngôi trường khang trang, sạch đẹp,  là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp ở lứa tuổi học đường. Bệnh viện cũng thế, phải khang trang, sạch sẽ để người dân cảm thấy an tâm khi đến khám, điều trị bệnh. “Khó mấy cũng phải làm được những việc này” - đồng chí Hồ Quốc Dũng yêu cầu.

Cơ sở quan trọng nhất để thúc đẩy KT-XH phát triển, theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy vẫn là yếu tố con người. Do đó, phải xây dựng được đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu thách thức, dám tìm ra cái mới để làm. Mỗi việc làm đều phải hướng đến hạnh phúc, lợi ích cho người dân. Nếu quyết tâm đoàn kết, nhất trí, quyết liệt trong công việc, dám dấn thân vào khó khăn, thách thức để làm thì chắc chắn Bình Định sẽ đạt nhiều thành quả trong thời gian tới, xứng đáng với mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, qua đó phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.

Chuyển đổi tư duy từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ”; chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH bằng hệ thống các chỉ số, chỉ tiêu KT-XH đã được lượng hóa

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, nhấn mạnh: Những kết quả đạt được trong năm 2023 có ý nghĩa chính trị, xã hội quan trọng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ và chính quyền các cấp; đồng thời sẽ tạo nhiều dư địa và tiền đề thuận lợi đưa kinh tế tỉnh ta tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: NGUYỄN DŨNG

Năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm quyết định kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025 của tỉnh; năm đầu tiên tỉnh tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh những thuận lợi, tỉnh ta cũng sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức… nhất là tình hình kinh tế, chính trị thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn; kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn; biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến bất thường.

Để triển khai đồng bộ, hiệu quả chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024 đã đề ra, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo, giao chỉ tiêu kế hoạch đến các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt có định hướng cụ thể đến UBND cấp xã. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kịch bản tăng trưởng cụ thể để thực hiện thống nhất việc chỉ đạo, điều hành bằng hệ thống chỉ tiêu, số liệu từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Trong đó, các chỉ tiêu theo kịch bản tăng trưởng không thấp hơn chỉ tiêu HĐND, UBND tỉnh giao và có giải pháp trọng tâm, đột phá, tạo dư địa cho năm tiếp theo để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Ngày 23.12 tới, tỉnh tổ chức công bố quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, chủ động triển khai các dự án mang tính dẫn dắt, tạo động lực phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung triển khai thực hiện công bố quy hoạch Cảng Hàng không Phù Cát đảm bảo phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng; trước mắt sẽ làm xong các đường băng trong năm 2024, sau đó là nhà ga. Tỉnh cũng sẽ phê duyệt quy hoạch các địa phương trong quý I/2024, địa phương chủ động triển khai quy hoạch ngay sau khi được phê duyệt để phát triển KT-XH. Năm 2024, tỉnh sẽ tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động quy mô lớn để thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần nỗ lực hơn nữa, chủ động khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức; tạo đột phá về cải cách hành chính, đạo đức công vụ, phát huy tính năng động, tư duy đổi mới, sáng tạo, hành động quyết liệt với tinh thần “bứt phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” để triển khai thực hiện các nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2024. Cần tiếp tục đổi mới phong cách chỉ đạo, điều hành theo phương châm: “Làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”. Toàn bộ hệ thống chính quyền phải chuyển đổi tư duy từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ”; lấy người dân, DN làm trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho DN; hỗ trợ, giúp đỡ để người dân chuyển đổi phương thức sản xuất mới, hiệu quả để vươn lên làm giàu bền vững.

Các cấp, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã bằng hệ thống các chỉ số, chỉ tiêu KT-XH đã được lượng hóa, có liên thông, liên kết theo từng tháng, từng quý, 6 tháng và cả năm. Chủ động, linh hoạt kịp thời đề ra các giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp với tình hình thực tiễn, với những vướng mắc, khó khăn để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chung của ngành, địa phương. Từng sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục tập trung rà soát kỹ, tìm ra điểm nghẽn, nút thắt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác chuyển đổi số, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong giải quyết công việc được giao; ưu tiên tập trung giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân, DN nhanh chóng, thấu tình đạt lý theo quy định.

Đi vào cụ thể, trên lĩnh vực Nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển các chuỗi liên kết bền vững. Về công nghiệp phải hoàn thiện hạ tầng, kỹ thuật, chuẩn bị mặt bằng sạch; tập trung hỗ trợ DN triển khai đưa vào hoạt động các dự án đã cấp giấy chứng nhận và tiếp tục đẩy mạnh thu hút các dự án mới. Các chủ KCN, chính quyền địa phương phải xây dựng và thực hiện chỉ tiêu thu hút đầu tư. Cùng với đó đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Khối lượng công việc lớn, đòi hỏi sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị ngay từ đầu năm 2024.

Nhóm PV - Nguồn Báo Bình Định