CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Hoạt động của lãnh đạo tỉnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm việc tại Bình Định
Thứ sáu 21/07/2023 07:41

Ngày 20.7, đồng chí Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu Đoàn công tác làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2023, tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh và huyện Tây Sơn.

Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí lãnh đạo tỉnh: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Tuấn Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và huyện Tây Sơn.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ về kết quả nổi bật trong phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm phát triển KT-XH theo Nghị Quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.

Đoàn công tác của Chính phủ làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2023, tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh và huyện Tây Sơn.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Theo đó, tình hình KT-XH của tỉnh duy trì được sự ổn định và phục hồi, phát triển, đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 6,46% so với cùng kỳ (cao hơn mức trung bình của cả nước (3,72%); xếp thứ 9/14 tỉnh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và thứ 2/5 tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung). Trong đó: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,91% (riêng công nghiệp tăng 3,49%); dịch vụ tăng 7,72%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,75%. Quy mô GRDP đạt hơn 54.422 tỷ đồng; xếp thứ 6/14 tỉnh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và thứ 4/5 tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (năm 2022, xếp thứ 25/63 cả nước).

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn thông tin về tình hình phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2023 và kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Về thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong giai đoạn 2021 - 2025, vốn ngân sách Trung ương, bao gồm vốn đầu tư phát triển hơn 1.268 tỷ đồng; vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương được giao theo từng năm. Vốn ngân sách tỉnh đối ứng, bao gồm: Vốn đầu tư phát triển: 200 tỷ đồng; Vốn sự nghiệp được giao theo từng năm.

Riêng trong giai đoạn 2021 - 2023, vốn ngân sách Trung ương giao bao gồm: Vốn đầu tư phát triển 642,223 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 433,770 tỷ đồng. Vốn ngân sách tỉnh đối ứng gồm: Vốn đầu tư phát triển 159,537 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 51,573 tỷ đồng.

Về tình hình giải ngân vốn năm 2023 (bao gồm vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 và vốn năm 2023): Kế hoạch năm 2023, tỉnh Bình Định được giao thực hiện hơn 948,884 tỷ đồng (trong đó: Vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 tiếp tục thực hiện hơn 225,988 tỷ đồng; vốn năm 2023 hơn 722,895 triệu đồng).

Đến thời điểm hiện nay, tổng vốn đã giải ngân hơn 221,427 tỷ đồng/948,884,3 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 23,34% kế hoạch. Trong đó: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số & miền núi đạt tỷ lệ 25,56%; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt tỷ lệ 17,19%; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt tỷ lệ 29,77%.

Qua kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số & miền núi góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số hằng năm từ 3 - 4%; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 90% tỷ lệ trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 95% tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 70% tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông.

Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã tạo việc làm cho khoảng 28.500 lao động (trong đó xuất khẩu lao động 700 người). Tỷ lệ nghèo đa chiều bình quân toàn tỉnh năm 2023 giảm còn 7,24%, giảm 1,8% so với tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2022, với 7.928 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo.

Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tính đến tháng 7/2023, toàn tỉnh có 84/109 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 77,06%; có 17/84 xã đạt chuẩn nông thôn mới được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt tỷ lệ 20,24%; có 5/11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới (đạt tỷ lệ 45,45%).

Nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và tháo gỡ những khó khăn, tồn tại, tạo điều kiện cho địa phương phát triển, lãnh đạo tỉnh đề xuất kiến nghị Trung ương cho phép sử dụng diện tích đất lúa, đất rừng phục vụ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, qua địa phận tỉnh Bình Định được tính riêng, không tính vào chỉ tiêu sử dụng đất phân bổ trên địa bàn tỉnh Bình Định tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Đề nghị Trung ương xem xét, cho chủ trương thay đổi hình thức đầu tư dự án từ phương thức đối tác công tư (PPP) sang hình thức đầu tư công, trong đó giai đoạn 2023 - 2025 chuẩn bị đầu tư, giai đoạn 2026 - 2030 triển khai thực hiện dự án Đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

Đề nghị Chính phủ quan tâm, ủng hộ và chỉ đạo Bộ GTVT sớm hoàn chỉnh hồ sơ, trình cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát để làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh quốc phòng trong khu vực.

Đề nghị quan tâm, chỉ đạo Bộ KH&ĐT sớm tổng hợp báo cáo Thủ tướng chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án đầu tư Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn giai đoạn 1 tại xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn.

Đề nghị sớm phê duyệt đề xuất Dự án Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật thoát nước mưa, thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn TX An Nhơn, Hoài Nhơn và huyện Tây Sơn vay vốn AFD.

Về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh đề nghị Ủy ban Dân tộc xem xét rà soát, bổ sung kinh phí hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt tập trung; ban hành bộ tài liệu đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở các cấp để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện. Có chính sách phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.

Hỗ trợ đào tạo nghề cho đối tượng người học nghề, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp; xem xét, cho phép lùi thời gian triển khai thực hiện nội dung Tiêu chí số 14.3- tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa lớn hơn hoặc bằng 40% thuộc Bộ tiêu chí NTM nâng cao.

Đề nghị giao UBND các tỉnh/thành rà soát nội dung, đối tượng, kinh phí của từng tiểu dự án, dự án thành phần các Chương trình mục tiêu quốc gia để xem xét điều chỉnh nội dung, nguồn kinh phí các chương trình để đạt mục tiêu đề ra. Đồng thời, chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện về nội dung chi, mức chi, đối tượng thụ hưởng của các chương trình...

Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn công tác đã trao đổi, trả lời những kiến nghị của tỉnh Bình Định theo thẩm quyền về tháo gỡ khó khăn những nội dung đề xuất, kiến nghị của tỉnh.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh tham gia trao đổi tại buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên giải đáp các kiến nghị của tỉnh liên quan đến lĩnh vực y tế.

Ông Y Vinh Tơr, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trả lời các kiến nghị của tỉnh liên quan đến các chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương phát biểu đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2023 và kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Bình Định nói chung và huyện Tây Sơn nói riêng.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2023 và kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Bình Định nói chung và huyện Tây Sơn nói riêng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, sau nhiều năm có dịp trở lại thăm Bình Định đã cảm nhận được sự phát triển đi lên mạnh mẽ của địa phương. Điều đó thể hiện rõ qua kết quả phát triển GRDP của tỉnh và các chỉ số tăng trưởng về phát triển KT-XH. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo tỉnh tiếp tục đoàn kết, thống nhất thực hiện thắng lợi mục tiêu, nghị quyết của Trung ương và của tỉnh đã đề ra; sớm xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung.

Đối với các ý kiến kiến nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang lưu ý Bình Định trong quá trình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia cần thực hiện lồng ghép hiệu quả; tính toán đầu tư có hiệu quả tránh tình trạng dàn trải, manh mún.

Đối với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Các đề xuất, kiến nghị đều xuất phát từ thực tiễn cơ sở và rất xác đáng; đồng thời, giao các bộ, ngành Trung ương xem xét theo thẩm quyền và báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang (hàng đầu, thứ 2 từ trái qua) cùng đoàn công tác trung ương và lãnh đạo tỉnh khảo sát việc triển khai đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu tại xã Vĩnh An.

Báo cáo của UBND huyện Tây Sơn cho biết, qua hơn một năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở nguồn vốn của các chương trình được Trung ương phân bổ, vốn đối ứng ngân sách tỉnh, cùng với nguồn vốn ngân sách của địa phương, vốn xã hội hóa đã góp phần quan trọng vào thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH của huyện.

Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng báo cáo kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang (thứ 2 từ trái qua) khảo sát việc triển khai đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng tại trường Phổ thông dân tộc bán trú huyện Tây Sơn (ở xã Vĩnh An).

Về tình hình phân bổ vốn và kết quả giải ngân, tổng nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia phân bổ cho huyện Tây Sơn hơn 83,9 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển 50,796 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 33,160 tỷ đồng. Kết quả giải ngân đến nay đạt hơn 39,548 tỷ đồng, đạt 47,1%, trong đó, giải ngân vốn đầu tư phát triển hơn 30,045 tỷ đồng, đạt 59,15%; giải ngân vốn sự nghiệp hơn 9,502 tỷ đồng, đạt 28,68%.

Đoàn công tác khảo sát các công trình được đầu tư từ các chương trình mục tiêu của quốc gia tại xã Vĩnh An.

Qua thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, thiết chế hạ tầng KT-XH ở nông thôn, khu vực khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được đầu tư hoàn thiện; thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả và gia tăng giá trị; người dân được tăng cường tiếp cận thông tin, chính sách, pháp luật nên thay đổi tư duy nhận thức và được tập huấn, hướng dẫn, tham quan học tập các mô hình, phương thức sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng đoàn công tác trung ương và lãnh đạo tỉnh về thăm hỏi đời sống đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Vĩnh An.

Việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn đã tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; được tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi để mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất; lao động ở vùng nông thôn được đào tạo nghề, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm và ổn định thu nhập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định ANTT khu vực nông thôn và miền núi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.

Phát biểu với bà con xã Vĩnh An, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang rất vui mừng trước sự khởi sắc đi lên của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại như: Văn bản hướng dẫn một số nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần của Chương trình ban hành muộn và còn chung chung, nên gây khó khăn cho các đơn vị, địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện và giải ngân, nhất là nguồn vốn sự nghiệp. Hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn chỉ đạo thực hiện quá nhiều gây khó khăn trong quá trình tiếp cận, nghiên cứu, tham mưu triển khai thực hiện cho cán bộ, công chức ở cấp cơ sở.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn ở xã Vĩnh An.

Trên cơ sở đó, lãnh đạo huyện Tây Sơn đã đề xuất, kiến nghị Trung ương tháo gỡ khó khăn đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia.

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã đi khảo sát việc triển khai đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu tại xã Vĩnh An và trao 130 suất quà cho người dân xã Vĩnh An.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh An Đinh Hoang Bình thông tin, Vĩnh An là xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Tây Sơn. Tổng diện tích đất tự nhiên 10.429,14 ha, được chia thành 5 làng, xã có 444 hộ/1.618 nhân khẩu; trong đó đồng bào dân tộc Ba na chiếm trên 80% dân số.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tặng quà cho xã Vĩnh An.

Trước đây, địa bàn xã rất khó khăn, tỷ lệ hộ đói, hộ nghèo cao. Tuy nhiên nhờ sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của Đảng và Nhà nước các chính sách về phát triển KT-XH miền núi, chính sách dân tộc như: Đầu tư cơ sở hạ tầng, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ con giống, thực hiện kết nghĩa... Đồng thời triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm cho bộ mặt nông thôn của xã có những chuyển biến tích cực, KT-XH có bước phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện; bản sắc văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy, hệ thống chính trị hoạt động hiệu quả.

Phát biểu với bà con xã Vĩnh An, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang rất vui mừng trước sự khởi sắc đi lên của địa phương. Đồng thời, đề nghị địa phương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân. Đồng chí cho biết Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ có chủ trương là phải thường xuyên đi về thăm nhân dân ở cơ sở. Có như vậy thì trong chỉ đạo điều hành và việc ban hành các chính sách mới sâu sát. Qua việc khảo sát thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại cơ sở, Chính phủ sẽ có cái nhìn thực tế về những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện để có các giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Đoàn công tác của Chính phủ và lãnh đạo tỉnh Bình Định đã đến dâng hương tại Đàn Kính Thiên và dâng hương, dâng hoa tại Tượng đài Hoàng đế Quang Trung và Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt để tưởng nhớ và tri ân công đức của Hoàng đế Quang Trung cùng các văn thần, võ tướng, nghĩa binh Tây Sơn đã lập nên chiến công oai hùng đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước, giữ yên xã tắc và cầu cho quốc thái dân an, mọi người hạnh phúc.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thực hiện nghi thức thỉnh chuông tại Đài Kính Thiên.

Đoàn công tác trung ương và tỉnh dâng hương tại Đài Kính Thiên.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (bìa phải) giới thiệu về Đài Kính Thiên và các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn cho Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.

Đoàn công tác trung ương và tỉnh dâng hoa trước tượng đài Hoàng đế Quang Trung.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh trồng cây lưu niệm trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang (giữa) dùng nước mát từ giếng cổ trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung.

NGUYỄN HÂN - HỒNG PHÚC    - Nguồn Báo Bình Định