CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Hoạt động của lãnh đạo tỉnh
KỶ NIỆM 68 NĂM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27.2.1955 - 27.2. 2023): Cùng nhau tiến về phía trước
Thứ hai 27/02/2023 14:27

Đoàn kết, chịu khó, trí tuệ, sáng tạo là những gì ngành y tế Bình Định đã thể hiện rất tốt, đặc biệt trong thời gian cùng với cả nước khống chế đại dịch Covid-19. Nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 - 27.2.2023), Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng chia sẻ về quá trình phục hồi và quyết tâm phát triển của ngành y tế trong thời gian tới.

Giám đốc Sở Y tế LÊ QUANG HÙNG. Ảnh: T. KHUY

*Nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Bộ Y tế lấy chủ đề “Ngành Y tế Việt Nam vượt khó sau đại dịch Covid-19”, theo ông, ngành Y tế Bình Định đã vượt khó và sẽ phục hồi như thế nào?

- Tôi nghĩ chủ đề này rất phù hợp vì ai cũng thấy 3 năm qua, ngành y tế rất vất vả. Dù trong năm 2022 chúng ta vẫn giải quyết rất nhiều vấn đề liên quan đến dịch Covid-19 nhưng giai đoạn cuối năm 2022 chỉ là bước đệm quan trọng cho câu chuyện của năm 2023 và kế tiếp.

Phải nói sự phục hồi của ngành y tế khá là nhanh, kể cả công tác khám, chữa bệnh, y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe người dân tại cộng đồng, phòng chống dịch bệnh đạt kết quả tốt, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết. Năm 2022, ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế thì sốt xuất huyết lập tức bùng lên nhưng cũng bị khống chế, không tạo ra ổ dịch lớn, không có tử vong do sốt xuất huyết. Cùng với đó, về công tác khám chữa bệnh, gần như tất cả cơ sở y tế đều phục hồi.

* Còn khó khăn thì sao, thưa ông?

- Khép lại năm 2022, ngoài thành công như thế thì cũng có những điều khó khăn, khó khăn lớn nhất là tình hình tài chính. Sau gần 3 năm, các đơn vị y tế gần như kiệt quệ, tất cả nguồn thu đều sụt giảm, phải dùng các nguồn dự trữ để chi trả lương. Tuy nhiên, chúng tôi rất may mắn khi được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm nên không thiếu lương, phụ cấp chống dịch trả cho anh em đầy đủ. Nói chung dù khó khăn nhưng ngành y tế của tỉnh ta khá ổn định, không gây chán nản, bức xúc cho anh em về vấn đề tài chính.

Chuyện y bác sĩ bỏ việc cũng là vấn đề được nhiều người rất quan tâm, năm 2022 có tăng hơn so với năm 2021 nhưng thật sự không nhiều, không tạo ra xáo trộn trong bộ máy của các đơn vị. Đó cũng là điều rất phấn khởi bởi vì nó chỉ xảy ra cục bộ tại một số đơn vị và cũng được giải quyết kịp thời, không tạo ra hiệu ứng tiêu cực. Thật sự so với nhiều tỉnh thành khác thì tình hình ở tỉnh Bình Định tốt hơn nhiều lắm!

Vài năm nữa Bình Định sẽ là điển hình về phục hồi chức năng. Ảnh: T. KHUY

* Thưa ông, năm nay ngành y tế được đầu tư khá lớn…

- Sang năm 2023, điểm nhấn của ngành y tế là triển khai đề án y tế cơ sở. Tỉnh bố trí 50 tỷ đồng cho ngành y tế xây dựng cơ sở y tế tuyến huyện và trạm y tế xã. Cùng với đó là Chương trình phục hồi phát triển KT-XH với vốn rất lớn của Trung ương là 166 tỷ và còn của tỉnh nữa. Hiện chúng tôi đang thực hiện các phần việc cần thiết để triển khai thi công các công trình. Một số công trình trọng điểm ở các bệnh viện như BVĐK khu vực Bồng Sơn, BVĐK tỉnh vẫn đang tiếp tục. Việc đầu tư trang thiết bị y tế năm nay cũng đạt con số kỷ lục. Ví dụ BVĐK tỉnh được cấp 44 tỷ đồng để mua trang thiết bị, chưa kể hơn 100 tỷ đồng mua hệ thống xạ trị và máy CT. Qua đó, đáp ứng khoảng 2/3 số danh mục trang thiết bị của BVĐK tỉnh yêu cầu. Như vậy, sự quan tâm và đầu tư của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, xem y tế là ngành cần ưu tiên tạo nên khí thế mới cho anh em trong ngành.

Sự quan tâm thứ hai là Chính phủ mới ban hành Nghị định 05, áp dụng việc tăng phụ cấp cho tất cả cán bộ chuyên môn y tế ở tuyến cơ sở (tuyến huyện và tuyến xã) và cán bộ chuyên môn trực tiếp về y tế dự phòng (tuyến tỉnh) được hưởng 100% phụ cấp. Phụ cấp được tính trong 2 năm là năm 2022 và 2023. Đó cũng là tin vui đầu năm cho anh em sau những ngày khó khăn.

* Thưa ông, vượt qua đại dịch với ít tổn thất, phục hồi nhanh là nỗ lực không hề nhỏ, vậy năm 2023, ngành y tế tỉnh sẽ có những mục tiêu trọng tâm nào để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân?

- Về phía ngành y tế, ai cũng xác định thôi, khó khăn cũng dần qua, bây giờ nỗ lực làm việc để phục vụ nhu cầu của người bệnh và cứu lấy chính mình, đơn vị mình. Bởi vì trong lĩnh vực khám chữa bệnh, trong đại dịch, người dân hạn chế đi khám, hoặc trì hoãn, dẫn đến nhiều bệnh lý mãn tính mà họ không điều trị bài bản. Đây cũng là dịp người dân quay trở lại khám chữa bệnh. Các đơn vị cũng rà soát lại các chuyên khoa về công tác khám chữa bệnh cũng như sự hài lòng của bệnh nhân để thu hút người bệnh. Trong bối cảnh các quy định về tự chủ tài chính, điều này rất quan trọng, nếu làm không tốt thì nguồn thu thấp, cuộc sống anh em bị ảnh hưởng.

Cùng với đó là công tác mua sắm trang thiết bị y tế. Hy vọng trong tháng 6 này hoàn thành công tác đấu thầu. Các hoạt động về chuyển đổi số ở các cơ sở khám chữa bệnh cũng phát huy để tiến đến bệnh án điện tử. Vừa rồi đã triển khai thành công một bước nữa trong số hóa là chữ ký điện tử.

Về phía Sở Y tế cũng phát động phong trào thi đua trong toàn ngành để cùng nhau tiến về phía trước. Chúng tôi cũng chỉ đạo rất quyết liệt trong tất cả kế hoạch, theo dõi các hoạt động, sản phẩm đầu ra, tiến độ. Tất cả đều rất chặt chẽ tạo ra cú hích mới, cú hích rất lớn trong công tác chỉ đạo điều hành giữa Sở Y tế với các đơn vị.

Năm nay, chúng tôi cũng tập trung cao cho công tác đào tạo. Riêng trạm y tế xã sẽ đào tạo cho tất cả viên chức của trạm, kể cả y sĩ, bác sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng, y học cổ truyền.

Về hợp tác quốc tế, nếu duy trì sự phát triển như hiện nay, vài năm nữa Bình Định sẽ là điển hình về phục hồi chức năng. Đồng thời dự án “Phát hiện sớm bệnh võng mạc đái tháo đường tại cộng đồng tỉnh Bình Định” cũng hoạt động tốt rất.

Cán bộ ngành y tế được tỉnh biểu dương vì làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: T. KHUY

* Với vai trò là tư lệnh ngành, ông có điều gì nhắn nhủ với đội ngũ nhân viên y tế?

- Đối với anh em ngành y tế, tôi mong muốn chúng ta tiếp tục phát huy được các yếu tố như: Đoàn kết, đồng lòng, chịu khó, chịu khổ, trách nhiệm với người dân để nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong cả một đời người, nếu làm trong ngành y tế và đã bước qua đại dịch một lần thì phải nói là quá vinh quang, quá tự hào, bởi vì mình đã vượt qua điều đó rồi thì không có gì làm cho mình chùn bước nữa. Chúng ta đã bước qua rồi thì bài học để lại là sự đoàn kết, đồng lòng, vượt khó, vượt khổ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ y tế, chưa kể là trí tuệ, tài năng, sáng tạo, khó khăn nào cũng vượt qua.

* Xin cảm ơn ông!

Nguồn Báo Bình Định