Sáng 7.10 (tức ngày 12.9 âm lịch), tại Đền thờ Nguyễn Trung Trực (thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh long trọng tổ chức Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực nhân kỷ niệm 154 năm ngày mất của ông (1868 - 2022).
Đại biểu tham dự lễ giỗ. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Dự lễ có các đồng chí: Nguyễn Thanh Tùng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Giờ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Trần Văn Thọ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy; Nguyễn Tuấn Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đại diện các sở, ngành của tỉnh; đại diện lãnh đạo huyện Phù Cát, cùng đông đảo nhân dân địa phương.
Lễ giỗ tiến hành theo nghi thức truyền thống. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Lễ giỗ được tiến hành theo nghi thức truyền thống. Sau khi ban nghi lễ thực hiện các nghi thức tế lễ, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cùng các đại biểu đã khấn nguyện và dâng hương tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực trong sự nghiệp đấu tranh chống giặc Pháp xâm lược để bảo vệ đất nước.
Đọc chúc văn ôn lại công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (1838 - 1868), còn có tên Nguyễn Văn Lịch, sinh tại làng Bình Nhựt, huyện Cửu An, phủ Tân An - nay là xã Bình Ðức, (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) có nguyên quán ở xóm Lưới, làng Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định (nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát). Ông tham gia nghĩa quân của Bình Tây đại nguyên soái Trương Ðịnh, được giao chức Quyền sung Quản binh đạo. Nghĩa quân của ông hoạt động mạnh ở vùng Tân An (tỉnh Long An) và lập nhiều công trạng; trong đó, có trận đánh chìm chiếc tiểu hạm L’Espérance (tàu Hy vọng) tại vàm Nhựt Tảo (xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) vào ngày 10.12.1862 và trận chiếm đồn Rạch Giá vào đêm 16.6.1868.
Đồng chí Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh, đọc văn tế tại lễ giỗ. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ngày 19.9.1868, thực dân Pháp bắt được Nguyễn Trung Trực, dụ hàng không được, chúng đưa ông ra chợ Rạch Giá xử chém ngày 27.10.1868 (tức ngày 12.9 năm Mậu Thìn). Trước khi bị hành quyết, Nguyễn Trung Trực đã khẳng khái nói lớn: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người nước Nam đánh Tây”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn dâng hương án thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Để tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho nhân dân, tỉnh ta đã xây dựng Đền thờ Nguyễn Trung Trực tại thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải. Đền thờ được UBND tỉnh xếp hạng di tích vào tháng 7.2022.
Đại biểu và nhân dân dâng hương Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Năm nay là lần thứ hai, tỉnh Bình Định tổ chức Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực quy mô mở rộng hơn. Ngoài nghi lễ giỗ, trước đó Sở VH&TT còn phối hợp với huyện Phù Cát tổ chức hai đêm võ đài 3 - 4.10 (tức mùng 8 - 9.9 âm lịch); đêm 5 - 6.10 (tức ngày 10 - 11.9 âm lịch), Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) biểu diễn vở bài chòi Thanh gươm công lý và vở Nửa đời hương phấn để phục vụ nhân dân địa phương.
Nguồn Báo Bình Định