Khi chi bộ đầu tiên ra đời (3/1930), nhân dân Bình Định đã đi theo Đảng không ngừng đứng lên, từ các phong trào đấu tranh dân sinh dân chủ (1930-1931, 1933-1935, 1936-1939…) tiến lên cùng cả nước làm nên Cách mạng tháng Tám huy hoàng. Với ngày 23/8/1945, cuộc khởi nghĩa chiếm thành phố tỉnh lỵ Quy Nhơn, hơn 730.000 người dân Bình Định không kể tuổi tác, gái trai, giai cấp dân tộc, tôn giáo…, từ thân phận nô lệ trở thành người tự do. Chặng đầu kết thúc thắng lợi quá trình 74 năm (1871- 1945), các thế hệ chiến sĩ yêu nước Bình Định, kế tiếp nhau đứng lên đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng đất nước và quê hương thoát khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến.
Sau ngày thành lập Chính quyền nhân dân (3/9/1945), quân dân Bình Định bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Với khí thế của người làm chủ, Đảng bộ đã động viên toàn dân ra sức xây dựng và bảo vệ vững chắc vùng tự do hoàn chỉnh, đẩy lùi các cuộc càn quét lấn chiếm của địch nhất là chiến dịch Atlăng, cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đồng thời hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hậu phương chiến lược trực tiếp cuộc kháng chiến của quân dân Liên Khu V, góp phần làm nhiệm vụ quốc tế với Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia. Trong hoàn cảnh thiếu thốn và bị địch bao vây đánh phá, nhưng thông qua Mặt trận và Chính quyền nhân dân, công cuộc "kiến quốc" đạt được những thành tựu to lớn. Sản lượng lương thực gấp đôi thời thuộc Pháp (240.000/110.000 tấn), đặc biệt giải quyết thắng lợi những nhu cầu thiết yếu về ăn mặc, học hành, thuốc chữa bệnh… cho địa phương và một số địa phương khác. Thanh toán nạn mù chữ sớm (3/1949), số học sinh tăng hơn 16 lần chế độ cũ (87.505/5.550) và chiếm 12% dân số. Bước đầu xây dựng nếp sống văn minh vui khỏe và lành mạnh, chan chứa tình đồng bào và tình quân dân cá nước. 21 năm chống Mỹ, cứu nước, Bình Định luôn là chiến trường nóng bỏng của cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ. "Không có gì quý hơn độc lập tự do", Đảng bộ đã kiên cường trụ bám, phát động và tập hợp quần chúng trên cả 3 vùng, vận dụng ngày càng thành công phương châm đấu tranh "2 chân 3 mũi giáp công" lợi hại. Chẳng những vượt qua thách thức hết sức ngặt nghèo của những năm 1956-1957, 1962-1963, 1966-1967, 1969…, Bình Định còn anh dũng vươn lên liên tiếp đánh bại các âm mưu và thủ đoạn đánh phá chủ yếu (tố cộng, ấp chiến lược, tìm diệt, bình định tại chỗ, lấn chiếm - bình định…) trong 5 kế hoạch chiến lược của địch ở địa phương. Đồng thời khẩn trương chuẩn bị thực lực mọi mặt, tạo và tranh thủ thời cơ giành thắng lợi quan trọng vào các thời điểm quyết định (1959-1960, 1964-1965, 1968, 1972, 1975), cùng cả nước làm nên "một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX".
Suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhất là trước các bước ngoặt, Đảng bộ không hề chệch choạc, luôn bám sát tình hình kịp thời khắc phục những khuyết điểm và lệch lạc về đánh giá lực lượng so sánh giữa ta và địch, về vận dụng phương châm, phương pháp cách mạng. Không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị và năng lực tổ chức thực tiễn, chấp hành nghiêm chỉnh quyết tâm và sự chỉ đạo chiến lược của Đảng một cách chủ động, sáng tạo. Nhờ đó, trước kẻ thù vô cùng nham hiểm và tàn bạo, có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh nhất thế giới tư bản chủ nghĩa, nhưng cuộc đấu tranh của nhân dân Bình Định vẫn phát triển đúng quy luật cuộc chiến tranh cách mạng. Ta càng đánh càng mạnh, thực lực mọi mặt phát triển vượt bậc, thắng lợi to lớn và toàn diện hơn thắng lợi trước. Ngày 31/3/1975 đã không những kết thúc cuộc đấu tranh gian khổ và hào hùng 30 năm (1945-1975) của Đảng bộ và quân dân Bình Định dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn cắm mốc son chói lọi nhất trong lịch sử đấu tranh hơn 500 năm (1471-1975) xây dựng và bảo vệ vùng đất quật khởi này. Nhưng thành quả có ý nghĩa chiến lược là đã tạo ra được những nhân tố thắng lợi. Đây cũng là những kinh nghiệm quý báu của Đảng bộ tích lũy trong quá trình hơn bốn thập kỷ lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân của Đảng. Nguồn: Báo Bình định |
-
THƯ NGỎ(23/09)