CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Đại hội XII của Đảng
Đại hội lần thứ XII của Đảng: Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới
Chủ nhật 24/01/2021 15:55
Căn cứ vào yêu cầu phát triển đất nước và thực tiễn của 30 năm đổi mới, Đại hội XII của Đảng chủ trương đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới. Đây là một chủ trương đúng đắn và có tính khả thi.

Đòi hỏi tất yếu

Với phương châm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) đã đánh giá, phân tích sâu sắc những thành tựu và những hạn chế, khuyết điểm, sai lầm; trong đó có những sai lầm trong bố trí cơ cấu kinh tế, phân phối lưu thông, cải tạo XHCN, đã để lại những hậu quả nặng nề. Đại hội cho rằng, những sai lầm nói trên là nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện.

Đại hội VI đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước: từ đổi mới kinh tế đến đổi mới chính trị, văn hóa, xã hội; từ đổi mới tư duy, nhận thức, tư tưởng đến đổi mới hoạt động thực tiễn, đổi mới tổ chức, cán bộ và phong cách công tác. Đặc biệt, Đảng phải đổi mới để có đủ năng lực và sức chiến đấu ngang tầm nhiệm vụ chính trị của một đảng cầm quyền, đưa đất nước đi lên CNXH. Đại hội khẳng định: Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn.

Sau 5 năm tiến hành đổi mới, Đại hội VII của Đảng (tháng 6-1991) đã rút ra năm kinh nghiệm bước đầu, trong đó có kinh nghiệm: đổi mới toàn diện, đồng bộ và triệt để nhưng phải có bước đi, hình thức, cách làm phù hợp.

Tổng kết 10 năm đầu đổi mới, Đại hội VIII của Đảng (tháng 6-1996) đã rút ra một số bài học chủ yếu, trong đó có bài học: "Kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị" (1).

Đảng ta bắt đầu công cuộc đổi mới từ đổi mới về tư duy chính trị trong việc hoạch định đường lối và chính sách đối nội, đối ngoại. Không có đổi mới đó thì không có mọi sự đổi mới khác. Song, Đảng ta đã đúng khi tập trung trước hết vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đổi mới kinh tế, khắc phục khủng hoảng kinh tế-xã hội, tạo tiền đề cần thiết về vật chất và tinh thần để giữ vững ổn định chính trị, xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân, tạo thuận lợi để đổi mới các mặt khác của đời sống xã hội.

Trong việc đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của hệ thống chính trị, chúng ta đã đi những bước thận trọng và vững chắc, bắt đầu từ giải quyết những vấn đề cấp bách nhất và đã chín muồi, với nhận thức đây là việc làm rất cần thiết nhưng đặc biệt phức tạp, nhạy cảm và nếu vội vã dễ xảy ra sai lầm phải trả giá rất đắt, có khi không cứu vãn được.

Tổng kết 20 năm đổi mới đất nước, Đại hội X của Đảng (tháng 4-2006) một lần nữa rút ra bài học: "đổi mới toàn diện, đồng bộ, có kế thừa, có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp". Phải đổi mới từ nhận thức, tư duy đến hoạt động thực tiễn; từ kinh tế, chính trị, đối ngoại đến tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội; từ hoạt động lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đến hoạt động cụ thể trong từng bộ phận của hệ thống chính trị. Đổi mới tất cả các mặt của đời sống xã hội nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, có những bước đi thích hợp; bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ và đồng bộ giữa ba nhiệm vụ: "phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt và phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội" (2).

Nhìn lại 30 năm đổi mới (1986-2016), Đại hội XII của Đảng khẳng định: 30 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Thời kỳ mới đòi hỏi phải phát triển đất nước toàn diện, đồng bộ hơn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người là nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

Qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Đại hội khẳng định: Những thành tựu đó tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới; khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên CNXH của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, chúng ta cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Đại hội đã chỉ rõ những hạn chế, yếu kém: kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, yêu cầu và thực tế nguồn lực được huy động. Trong 10 năm gần đây, kinh tế vĩ mô có lúc thiếu ổn định, tốc độ tăng trưởng giảm, phục hồi chậm. Chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động xã hội và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Phát triển thiếu bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Nhiều vấn đề xã hội và quản lý xã hội chưa được nhận thức đầy đủ và giải quyết có hiệu quả; còn tiềm ẩn những nhân tố và nguy cơ mất ổn định xã hội. Trên một số mặt, một số lĩnh vực, một bộ phận nhân dân chưa được thụ hưởng đầy đủ, công bằng thành quả của công cuộc đổi mới. Đổi mới chính trị chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế; năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị chưa ngang tầm nhiệm vụ. Nói gọn lại là đổi mới chưa toàn diện, đồng bộ.

Chủ trương đúng đắn, khả thi

Chủ trương đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới được thể hiện ngay trong chủ đề Đại hội XII (cũng là tiêu đề của Báo cáo chính trị) và toàn bộ các văn kiện Đại hội XII.

Chủ trương đó được thể hiện trong mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước trong 5 năm tới: "Kế thừa và phát huy những thành tựu, bài học kinh nghiệm của 30 năm đổi mới, nhất là 5 năm gần đây, tiếp tục thực hiện có kết quả các phương hướng, nhiệm vụ đúng đắn đã được đề ra trong các nghị quyết của Đảng, đồng thời đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, có bước đi phù hợp trên các lĩnh vực, nhất là giữa kinh tế và chính trị", "đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại" (3).

Chủ trương đó thể hiện rõ ở các nhiệm vụ tổng quát và trong định hướng phát triển các vấn đề: (1) Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; (2) Hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; (3) Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực; (4) Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; (5) Xây dựng, phát triển văn hóa, con người; (6) Quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; (7) Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng ngừa, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; (8) Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới; (9) Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; (10) Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; (11) Phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân; (12) Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; (13) Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Sáu nhiệm vụ trọng tâm cũng thể hiện rõ chủ trương này. Đại hội xác định: "Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cần đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát huy mọi nguồn lực và động lực để phát triển đất nước nhanh, bền vững; đặc biệt chú trọng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả sáu nhiệm vụ trọng tâm" (4).

Đại hội XII đã khẳng định: Thực tiễn sinh động, phong phú và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử cùng những bài học sâu sắc qua 30 năm đổi mới, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI là cơ sở vững chắc để Đảng ta đưa ra những quyết sách sáng suốt, đúng đắn, mở ra thời kỳ phát triển mới, vẻ vang, tốt đẹp của đất nước, dân tộc.

Thời kỳ mới đòi hỏi phải phát triển đất nước toàn diện, đồng bộ hơn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người là nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

Sự đồng lòng, nhất trí và tâm huyết, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là nguồn sức mạnh vô tận. Chúng ta nhất định thành công trên con đường đi lên CNXH, xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc.

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb CTQG, H, 1996, tr.71.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H,2006, tr.70-71.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.76.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.217.

                   Nguồn: Báo Nhân Dân