Là một trong năm địa phương trong cả nước (cùng với Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Bình Thuận và thành phố Hồ Chí Minh), gắn bó với thân thế, sự nghiệp của Hồ Chí Minh trong hành trình cứu nước, Bình Định rất tự hào vì đã góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, hình thành nhân cách lớn, làm nên tư tưởng cứu nước, cứu dân của Nguyễn Tất Thành, để sau 30 năm, ngày 28/01/1941, Người về nước trực tiếp lãnh đạo và đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
1. Cách nay 116 năm, tháng 5/1909, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (Nguyễn Sinh Huy) được Triều đình Huế cử vào coi thi ở Trường thi Bình Định; Nguyễn Tất Thành và anh trai Nguyễn Tất Đạt (Nguyễn Sinh Khiêm) cùng đi với cha là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Đến Bình Định, anh trai Nguyễn Tất Đạt ở cùng cha, còn Nguyễn Tất Thành được cụ Sắc gửi lại nhà người bạn thân là cụ Phạm Ngọc Thọ (thân phụ của Giáo sư Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa), lúc ấy đang là giáo viên của Trường Pháp - Việt Quy Nhơn để trau dồi tiếng Pháp.
Theo tác giả Đỗ Quyên trong tác phẩm “Nguyễn Tất Thành ở Bình Định”, thì Nguyễn Tất Thành ở Bình Định khoảng hơn một năm, từ khoảng tháng 5/1909 đến tháng 8/1910. Trước biến cố Nguyễn Sinh Huy bị “triệt hồi” chức Tri huyện Bình Khê, bị Triều đình gọi “lai kinh hậu cứu”, tháng 3/1910, Nguyễn Tất Thành từ Quy Nhơn đến Dịch xá (còn gọi là Dịch đình, Thừa dịch) ở An Nhơn (đây là nơi lưu lại của các quan huyện khi về tỉnh) để gặp trước khi cha và anh trai về Huế. Khi cha và anh về lại Huế thì Nguyễn Tất Thành ở lại Quy Nhơn một thời gian, rồi tháng 8/1910 đã cùng cụ Phạm Ngọc Thọ vào trường Dục Thanh (Phan Thiết, Bình Thuận) dạy học.
Việc cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc gửi Nguyễn Tất Thành đến tại nhà thầy giáo Phạm Ngọc Thọ ở Quy Nhơn để học tiếng Pháp đã thể hiện tầm nhìn của một nhà nho tiến bộ yêu nước và mẫn cảm với thời cuộc, cụ Sắc đã tạo cho Nguyễn Tất Thành - người con trai xuất sắc của mình những tiền đề tốt nhất để chuẩn bị gánh vác một sứ mệnh mới. Và cuộc chia tay giữa cha và con: Cụ Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Tất Thành, vì thế, đã trở thành cuộc chia tay lịch sử; đó là lần gặp gỡ, chia tay của hai cha con để Nguyễn Tất Thành bước vào cuộc hành trình vạn dặm tìm đường cứu nước, cứu dân sau này.
Tháng 8/1910, Nguyễn Tất Thành rời Bình Định, vào Nam, bắt đầu hành trình đi tìm đường cứu nước. Năm 1911, Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn rồi lên tàu ở Cảng Nhà Rồng với tên Văn Ba để bắt đầu hành trình đi qua gần 30 quốc gia trên thế giới của 3 đại dương, 4 châu lục (Á, Âu, Phi, Mỹ) và đến hàng trăm thành phố lớn, nhỏ, tiếp xúc với nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa, và cuối cùng, Nguyễn Ái Quốc đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam - con đường cách mạng vô sản. Và sau đó, trải qua 30 năm bôn ba ở nước ngoài, ngày 28 tháng 1 năm 1941, Bác đã trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, giành chính quyền về tay Nhân dân, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đây dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân ta đã đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
2. Trong thời gian ở Bình Định, Nguyễn Tất Thành còn theo cha thăm gia đình danh nhân văn hóa nổi tiếng Đào Tấn ở làng Vinh Thạnh (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước). Ông Đào Tấn (nguyên Tổng đốc Nghệ Tĩnh) có 2 người con trai đều là học trò của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Gia đình ông Đào Tấn chính là người lo chu toàn đám tang bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu của Bác Hồ) ở Huế khi cụ Sắc không về kịp. Tình cảm yêu thương mộc mạc, chân thành, ý thức cộng đồng sẵn sàng giúp nhau của những người dân nơi đây, khiến Nguyễn Tất Thành cảm động và mãi nhớ không quên.
Trong khoảng thời gian hơn một năm ở Bình Định, Nguyễn Tất Thành đã có dịp đến nhiều nơi trong tỉnh, tìm hiểu truyền thống tinh thần thượng võ của người dân Bình Định, đồng thời gặp nhiều người trên vùng đất lắng đọng vô vàn tinh hoa văn hóa, vang dội những chiến công của Quang Trung - Nguyễn Huệ với phong trào Tây Sơn quật khởi và phong trào Cần Vương của Mai Xuân Thưởng. Người còn được chứng kiến tinh thần quật cường, quả cảm của những người dân giàu lòng yêu nước, không cam chịu cảnh nước mất nhà tan, tham gia đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng, chống lại sự đàn áp hà khắc của chế độ thực dân, phong kiến đương thời; đặc biệt là đến thăm cha ở huyện Bình Khê, thăm các địa danh lịch sử văn hóa gắn với phong trào nông dân Tây Sơn đã in đậm trong tâm trí của Người đến mãi về sau. Và cũng ở tại Bình Định, Nguyễn Tất Thành còn chứng kiến bao cuộc sống cùng cực của nhân dân lao động lúc bây giờ; thực dân phong kiến đã rêu rao “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” nhưng chúng luôn tự cho là quan phụ mẫu, ra sức đè đầu, cưỡi cổ dân, bóc lột người dân đến lầm than… Sự thật nhiễu nhương, thối nát của chế độ thực dân phong kiến và lòng căm thù của người dân ngày càng sâu sắc, cùng với sự bất lực, bế tắc của lớp trí thức đương thời đã tạo ra động cơ thôi thúc Nguyễn Tất Thành phải ra đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc càng thêm mạnh mẽ.
Thật vậy, Bình Định đã lưu lại trong tâm khảm người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành những ấn tượng sâu đậm về mảnh đất, về lịch sử văn hoá, về con người và truyền thống yêu nước của nhân dân Bình Định. Trong hành trang đi tìm đường cứu nước của Người, cùng với sự nung nấu của một nguồn mạch Nghệ An bất khuất, hẳn luôn vang vọng âm hưởng lịch sử, văn hóa và đặc biệt là tình cảm của vùng đất, con người Bình Định. Những hồi ức hào sảng về phong trào nông dân Tây Sơn quật khởi, những điều nghe thấy về một xã hội phong kiến thực dân đầy nhiễu nhương, oan khuất; tất cả đã nung nấu bầu máu nóng, hun đúc ý chí, quyết tâm sắt đá đã thôi thúc mạnh mẽ ý chí đi tìm con đường cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc của Nguyễn Tất Thành. Mặc dù những tháng ngày Nguyễn Tất Thành ở Bình Định so với cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người là không nhiều, nhưng đó là dấu ấn quan trọng, góp phần hình thành nên tư tưởng, ý chí cứu nước, cứu dân của Nguyễn Tất Thành. Đó chính là niềm vinh dự tự hào của quê hương Bình Định. Mỗi địa danh, tên đất, tên người gắn liền với tuổi thơ, tuổi thanh niên của Nguyễn Tất Thành đều đã đi vào lịch sử, trong đó có mảnh đất Bình Định, nơi Nguyễn Tất Thành có khoảng thời gian sống và học tập trong hành trình tìm đường cứu nước của mình.
3. Nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định đã đầu tư xây dựng nhiều di tích lịch sử văn hóa nhằm tôn vinh và ghi nhớ công lao to lớn của Bác tại Bình Định, đó là: (1) Di tích Huyện đường Bình Khê: Đây là nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) làm Tri huyện và Nguyễn Tất Thành đã từng đến đây để thăm cha. Nơi đây đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định xây dựng Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc và công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. (2) Đặc biệt, 8/2009, Hội thảo khoa học “Nguyễn Tất Thành ở Bình Định” đã khẳng định: “Bình Định còn là nơi diễn ra cuộc chia ly lịch sử giữa Nguyễn Tất Thành với cha để Người tiếp tục hành trình đi tìm đường cứu nước”. Để tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của Bác Hồ kính yêu và bậc sinh thành của Người, thể theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta, năm 2015, Bình Định đã xây dựng tượng đài “Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành” đặt tại trung tâm thành phố Quy Nhơn. Đây là công trình lịch sử - văn hóa có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc; thể hiện sự gắn bó, hòa quyện giữa tình phụ tử với tình yêu quê hương, đất nước; thể hiện tình cảm sâu nặng, lòng thủy chung son sắt, sự biết ơn vô hạn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Bình Định đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu; góp phần giáo dục tấm gương vĩ đại của Bác Hồ cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Qua đó, hun đúc lòng yêu nước, thương dân, tin Đảng, phát huy truyền thống kiên cường, vẻ vang của Bình Định, của Việt Nam văn hiến, anh hùng.
Mảnh đất Bình Định góp phần hình thành nên tư tưởng, ý chí cứu nước, cứu dân của Nguyễn Tất Thành (Ảnh)
Công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc ta, Đảng ta như non cao, biển rộng, Người đã gắn bó và hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta và phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội của Nhân dân thế giới; cả cuộc đời Người dành trọn tâm trí, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; khi ra đi về với cõi vĩnh hằng Người đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta, Nhân dân ta một di sản tinh thần vô giá: Tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh. Người là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, viết nên những trang sử vẻ vang nhất của Tổ quốc.
TS. Nguyễn Huỳnh Huyện