CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ÐIỆN BIÊN PHỦ (7.5.1954 - 7.5.2024) Mốc son lịch sử mang tầm vóc thời đại
Thứ tư 01/05/2024 10:15

70 năm trước, ngày 7.5.1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến thắng Điện Biên Phủ - đỉnh cao của chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, đã đập tan nỗ lực quân sự cao nhất của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Thấy rõ vị trí quan trọng của Điện Biên Phủ, ngày 20.11.1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và không ngừng tăng thêm binh lực, vũ khí, trang thiết bị quân sự, xây thêm nhiều công sự, đồn lũy và các loại vật tư khác. Được sự giúp đỡ của Mỹ về cố vấn, trang bị kỹ thuật, kinh tế, Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương.

Đến đầu tháng 3.1954, quân địch tập trung tại Điện Biên Phủ lên đến 16.200 tên, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 3 đơn vị pháo binh, 3 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đơn vị xe vận tải với 200 xe, cùng một đơn vị không quân thuộc loại tinh nhuệ nhất ở Đông Dương; được bố trí thành hệ thống phòng ngự mạnh, gồm 49 cứ điểm, chia thành 3 phân khu.

17 giờ 30 phút ngày 7.5.1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của QĐND Việt Nam tung bay trên nóc hầm của tướng De Castries. Ảnh tư liệu

Với số quân đông, hỏa lực mạnh, công sự vững chắc, các tướng tá Pháp và Mỹ xác nhận đây là “một tập đoàn cứ điểm đáng sợ”, “một pháo đài bất khả xâm phạm”. Xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ hòng thực hiện ý đồ thu hút chủ lực ta lên đó để tiêu diệt, rồi chuyển sang tiến công ta.

Nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp, đầu tháng 12.1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến “Đánh nhanh, thắng nhanh”. Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bàn bạc, phân tích rất kỹ để tìm ra phương án thích hợp huy động sức mạnh của toàn quốc chi viện cho chiến dịch đảm bảo chắc thắng. Người căn dặn đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bí thư Đảng ủy, kiêm Tư lệnh Mặt trận: “Trận này chắc thắng thì đánh, không chắc thắng không đánh”.

Thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, cả nước dồn sức cho chiến trường Điện Biên Phủ. Lực lượng tham gia chiến đấu lên đến 55.000 quân, gồm 3 đại đoàn bộ binh (308, 312, 316), Trung đoàn bộ binh 57 (Đại đoàn 304), Đại đoàn công binh - pháo binh 351. Trên 260 nghìn dân công và 27.400 tấn gạo được huy động để cung cấp cho chiến dịch. Hàng vạn thanh niên xung phong phối hợp cùng bộ đội công binh ngày đêm mở đường ra mặt trận dưới bom đạn địch, nên sau một thời gian ngắn, hàng nghìn cây số đường được xây dựng, sửa chữa. Công tác chuẩn bị các mặt trên vượt ra ngoài mọi dự đoán, tạo bất ngờ lớn đối với cả Pháp và Mỹ.

Với tầm nhìn chiến lược, đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận thấy phương án “Đánh nhanh, thắng nhanh” là quá mạo hiểm và tự xác định trách nhiệm phải thay đổi cách đánh, thay đổi phương châm tác chiến của chiến dịch. Sau nhiều ngày đêm suy tính, cân nhắc mọi mặt, đại tướng đi đến quyết định táo bạo là phải kiên quyết thay đổi ngay cách đánh, phải chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Nhờ đó, sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng mãnh, vượt qua muôn vàn gian khổ, “gan không núng, chí không mòn”, 17 giờ 30 phút ngày 7.5.1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch. Tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng!

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khẳng định đường lối xây dựng LLVT ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích) và sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Điều này được bắt nguồn từ đường lối cách mạng, đường lối chính trị, quân sự; nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta. Đồng thời, còn bắt nguồn từ chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống và giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử.

70 năm đã trôi qua, song “tinh thần Điện Biên Phủ” vẫn ngời sáng, làm thức dậy trong mỗi con người Việt Nam lòng tự hào, niềm tin và trách nhiệm với vận mệnh Tổ quốc.

 

Tại Hội thảo cấp quốc gia về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ tổ chức tại tỉnh Ðiện Biên mới đây, thượng tướng Lê Huy Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo hội thảo, nhấn mạnh: Chiến thắng Ðiện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn sức mạnh to lớn cổ vũ toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục đưa đất nước phát triển theo định hướng XHCN.

Phân tích sâu sắc nhân tố được coi là cội nguồn của tinh thần “quyết chiến, quyết thắng” của chiến thắng Ðiện Biên Phủ, đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QÐND Việt Nam, cho rằng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, cần đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bảo đảm cho quân đội luôn giữ vững bản chất giai cấp công nhân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Ðảng, Nhà nước và nhân dân...

HỒNG PHÚC - Nguồn Báo Bình Định