CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
Chủ động đón thời cơ, tạo dựng vị thế - Sự tiếp nối từ Cách mạng mùa thu 1945
Thứ tư 19/08/2020 16:20
(TG) - Chủ động đón thời cơ, tạo dựng vị thế là một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng làm nên thắng lợi của của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Những kết quả đạt được trong suốt 75 năm qua, kể từ khi Việt Nam tuyên bố độc lập (1945-2020), nhất là trong 34 năm thực hiện đường lối đổi mới đã thể hiện sinh động sự tiếp nối những bài học kinh nghiệm đó của chúng ta.
(Ảnh minh họa)

1. CHỚP THỜI CƠ GIÀNH ĐỘC LẬP MÙA THU NĂM 1945

Năm 1945, khi sự tác động thuận lợi của tình hình quốc tế và sự phát triển của phong trào cách mạng trong nước dâng cao, Hồ Chí Minh đã thực hiện những quyết định táo bạo, "hành động một cách kiên quyết và nhanh chóng", chuẩn bị chu đáo cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc.

Theo Người: "Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!"(1) và phải thành lập Chính phủ "do một cuộc Toàn quốc đại biểu Đại hội gồm tất cả đảng phái cách mệnh và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra. Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang"(2). Vì thế, Người gửi thư cho đồng bào, đồng chí toàn quốc, thông báo chủ trương triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc để bầu ra một cơ cấu - đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể dân tộc của Đảng.

Tháng 2/1945, Hồ Chí Minh đi Côn Minh (Trung Quốc) để tranh thủ sự giúp đỡ của quân Đồng minh với cuộc chiến đấu giành độc lập của nhân dân ta. Trong thời gian này, phát xít Nhật tiến hành đảo chính, lật đổ thực dân Pháp (ngày 9/3/1945), độc chiếm Đông Dương, để rảnh tay đối phó với quân Đồng minh. Tình thế mới và những nhiệm vụ cần kíp để chuẩn bị lãnh đạo quần chúng đấu tranh giành chính quyền đã được nêu rõ trong bản Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" (ngày 12/3/1945).

Khi vua Nhật tuyên bố đầu hàng không điều kiện (ngày 14/8/1945), quân Nhật ở Đông Dương mất tinh thần và khi đó Chính phủ Trần Trọng Kim đang hoang mang, tê liệt; khi thời cơ và điều kiện cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc đã chín muồi, Trung ương Đảng và Hồ Chí Minh quyết định tổ chức: 1) Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (ngày 13 đến ngày 15/8/1945) ra quyết định phát động Tổng khởi nghĩa, thi hành Mười chính sách Việt Minh. Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập để thống nhất chỉ huy cuộc chiến đấu, ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa trong cả nước, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoàn toàn độc lập trước khi quân Đồng minh kéo vào Đông Dương giải giáp quân đội Nhật; 2) Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào (chiều ngày 16/8/1945), với khoảng 60 đại biểu dự Đại hội, đại diện cho cả ba miền Bắc, Trung, Nam, đại diện kiều bào ta ở Lào và Thái Lan và các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc, các tôn giáo. Đại hội nhất trí việc phát động Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong toàn quốc, hiệu triệu nhân dân toàn quốc và các đoàn thể cách mạng kịp thời đứng lên giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập; 3) Đồng thời, Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi tổng khởi nghĩa và khẳng định: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta"(3).

Với tầm nhìn chiến lược và sự nhạy bén trước sự chuyển biến mau lẹ của tình hình thế giới và trong nước, Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã tận dụng triệt để những thuận lợi cơ bản khi đó, nhất là trong khi quân Đồng Minh chưa kịp vào Đông Dương, quân Pháp đầy tham vọng quay trở lại Việt Nam nhưng chưa thể thực hiện được để thông qua những quyết sách lịch sử, chớp đúng thời cơ và lãnh đạo nhân dân vùng lên giành chính quyền. Theo lời hiệu triệu của Người, nhân dân cả nước đã triệu người như một vùng lên giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội (ngày 19/8), ở Huế (ngày 23/8) và ở Sài Gòn (ngày 25/8). Chỉ trong vòng 15 ngày, cuộc Tổng khởi nghĩa đã thành công trong toàn quốc.

Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mùa Thu năm 1945 đã thành công. Ngày 25/8/1945, Hồ Chí Minh cùng Ủy ban dân tộc giải phóng về đến Hà Nội và theo đề nghị của Người: Uỷ ban tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 2/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập trước quốc dân và tuyên bố với thế giới thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuyên ngôn độc lập khẳng định: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do"; đồng thời, nhấn mạnh: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy"(4).

2. CHỦ ĐỘNG HỢP TÁC VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ

Ngay từ những ngày đầu lập quốcChủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương hợp tác và hội nhập là để tiếp thu những thành tựu khoa học, kỹ thuật của các nước phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Người đã khẳng định: "Chúng ta hoan nghênh những người Pháp muốn đem tư bản vào xứ ta khai thác những nguồn nguyên liệu chưa có ai khai thác… Chúng ta sẽ mời những nhà chuyên môn Pháp, cũng như Mỹ, Nga hay Tàu, đến đây giúp việc cho chúng ta trong cuộc kiến thiết quốc gia"(5). Vì thế, trong thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Giêm Biếcnơ, mở đầu cho mối quan hệ hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ, trước hết trong lĩnh vực văn hoá, Người không chỉ đề nghị "được gửi một phái đoàn khoảng 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hoá thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác" mà còn nhấn mạnh rằng "những ý tưởng cao thượng về công lý và nhân bản quốc tế, và những thành tựu kỹ thuật hiện đại của họ đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với  giới trí thức Việt Nam"(6).

Khuyến khích các nhà tư bản nước ngoài, chấp nhận để họ đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh chính là nhằm phát huy những thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ của nền văn minh tư bản, thành quả lao động, sáng tạo của loài người để phục vụ con người và cũng là nhằm góp phần bồi dưỡng lực lượng, phát triển và tăng cường nội lực của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ. Không phải ngẫu nhiên trong Lời kêu gọi Liên hợp quốc viết bằng tiếng Pháp gửi cho các nước Hoa Kỳ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc... năm 1946, Hồ Chí Minh lại tuyên bố chủ trương mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam với các nước dân chủ và dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ... Bởi, Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc... là để xây dựng lại Việt Nam sau chiến tranh và góp phần "điều hòa với kinh tế thế giới và giữ gìn hoà bình". Nước Pháp và các nước khác cần đến Việt Nam trong mối quan hệ quốc tế và ngược lại, Việt Nam cũng rất cần tiếp thu, học hỏi những thành tựu về kỹ thuật, công nghệ của nền văn minh tư bản, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, song hội nhập, mở cửa kinh tế phải dựa trên nguyên tắc: "Hợp tác, Đồng ý! Nô lệ, Không! Và điều kiện trước hết cho sự hợp tác là Độc lập"(7) …

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, khi nói về chính sách đối ngoại của Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định: "Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai"(8), để vừa kháng chiến vừa kiến quốc, đồng thời đưa Việt Nam hội nhập cùng thế giới. Sau khi miền Bắc được giải phóng, thực hiện khôi phục, cải tạo và bước đầu xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, còn miền Nam kiên trì cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, chống đế quốc Mỹ xâm lược, Người tiếp tục khẳng định quan điểm hợp tác để phát huy những tiềm năng của Việt Nam, thu hút ngoại lực để không chỉ phát huy nội lực mà còn tăng thêm lực lượng đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà. Người nhấn mạnh: "Các nước bạn giúp ta để hàn gắn mau chóng những vết thương chiến tranh; để tăng gia sản xuất về nông nghiệp, công nghiệp và để phát triển thương nghiệp; để khôi phục và phát triển kinh tế và văn hóa; để ta dần dần nâng cao đời sống của nhân dân ta"(9) để ta khôi phục lại kinh tế, văn hóa và xây dựng nước nhà…

3. KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ TRÊN TRƯỜNG QUỐC TẾ

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, cả nước Việt Nam thống nhất, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng hội nhập quốc tế là một xu thế tất yếu và đó là con đường phát triển nhanh, bền vững, để xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện đường lối đổi mới từ Đại hội VI của Đảng năm 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục quan điểm hợp tác và hội nhập quốc tế nhằm tạo dựng, củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; ra sức tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi, góp phần vào công cuộc phát triển đất nước và mở rộng hợp tác kinh tế; nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và chủ động tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Thông qua hợp tác và hội nhập, không chỉ gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, tiếp thu tinh hoa của văn minh nhân loại mà còn thiết thực nâng cao đời sống người dân, củng cố niềm tin của nhân dân và cộng đồng quốc tế vào sự nghiệp đổi mới của Việt Nam, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế của đất nước trong khu vực và trên trường quốc tế. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (Cương lĩnh 1991) của Đảng khẳng định: "Hợp tác bình đẳng và cùng có lợi với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị - xã hội khác nhau trên cơ sở những nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình"(10). Thực tế cũng cho thấy, hội nhập quốc tế sâu rộng sẽ mang lại nhiều cơ hội, đặc biệt là việc tranh thủ hiệu quả hơn các nguồn lực từ bên ngoài, nhất là tạo cơ hội lớn để tiếp cận với tri thức tiên tiến của nhân loại, từng bước làm cho Việt Nam trở thành bộ phận hữu cơ của khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, trong tiến trình hợp tác và hội nhập, Việt Nam cũng phải đối diện với những thách thức mới, những tác động tiêu cực gia tăng. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được sau 10 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 và tiếp tục triển khai hợp tác, hội nhập quốc tế chủ động, mạnh mẽ, toàn diện, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) nêu rõ một trong 5 bài học kinh nghiệm lớn là: "Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng cần kiên định ý chí độc lập, tự chủ và nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế, phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại"(11). Đồng thời, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng cũng khẳng định: "Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước"(12) và "xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng"(13)...

Chủ trương tiếp tục "thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới"(14) đã được Đại hội XII của Đảng khẳng định. Việt Nam tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, thực hiện chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế theo phương châm "Việt Nam muốn là bạn và là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển". Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã cụ thể hóa Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế cảu Việt Nam khi phê duyệt Chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo Bộ Ngoại giao, đến năm 2020, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước thành viên Liên hợp quốc; có 16 khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược và 14 khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện… Cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của Việt Nam trong hội nhập, thực hiện các cam kết quốc tế. Vị thế trên trường quốc tế ngày càng cao và Việt Nam đang tạo ra những thế mạnh mới để ngày càng phát triển. Ông Richard Cronin, Cố vấn phụ trách các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương thuộc Viện Stimson nhận định: "Việt Nam đã để lại dấu ấn với bạn bè quốc tế bởi khát vọng hòa bình mãnh liệt cho dân tộc mình. Giờ đây, thế giới lại được chứng kiến Việt Nam trở thành mảnh đất ươm mầm cho hòa bình. Điều này đã tạo dựng lòng tin vững chắc của bạn bè trên khắp 5 châu vào chính sách đối ngoại của Việt Nam, nâng tầm vị thế của nước ta trên trường quốc tế".

Trong nước, bức tranh kinh tế - xã hội của Việt Nam đến hết năm 2019 đầu năm 2020 có nhiều mảng sáng hơn mảng tối, là minh chứng sống động cho thành công của kinh tế Việt Nam trước hàng loạt biến động lớn, khó lường của kinh tế thế giới, khu vực. Theo Tổng cục Thống kê, điểm nhấn trong bức tranh kinh tế - xã hội khởi sắc của năm 2019 là tăng trưởng kinh tế đạt 7,02%, đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm qua. Kinh tế đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng, thu hút FDI đạt 38,02 tỷ USD, xuất siêu vượt 9,9 tỷ USD; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 500 tỷ USD. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2019 chỉ tăng 2,79%, thấp nhất trong 3 năm qua. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm dần, thu nhập của người lao động tăng lên; an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Việt Nam đã đón 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế…

 Việt Nam đã chính thức ký với Liên minh châu Âu Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tạo ra những động lực mới cho phát triển, đổi mới thể chế kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh toàn cầu của kinh tế Việt Nam đã tăng 10 bậc so với năm 2018 lên vị trí 67/141 quốc gia và vùng lãnh thổ và xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư (tăng 15 bậc so với năm 2018)… Những thành tựu này góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao thuộc loại hàng đầu của khu vực và IMF đánh giá Việt Nam nằm trong Top 20 nền kinh tế đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu năm 2019. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra, trong đó 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên cùng đảm đương đồng thời 2 trọng trách là Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Điều đó không chỉ thể hiện sự tin cậy và kỳ vọng lớn của bạn bè quốc tế vào Việt Nam mà còn là cơ hội để đất nước ta chủ động, tích cực đóng góp trách nhiệm vào hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung của khu vực và thế giới; khẳng định một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đổi mới, đang hội nhập quốc tế sâu rộng; thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam và các nước, tạo ra những động lực mới cho phát triển và nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam.

Đặc biệt, những thành công bước đầu trong quá trình chủ động phòng, chống  dịch Covid-19 đã và đang được kiểm soát tốt, vói 352/373 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, chiếm 94,4% tổng số ca bệnh Covid-19 của nước ta và không có bệnh nhân tử vong vì Covid-19 (tính đến 6g ngày 14-7-2020), Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao về tính chủ động, biện pháp nhanh và hiệu quả, ứng phó tốt nhất với dịch Covid-19 trên thế giới...

Sau 75 năm kể từ khi Việt Nam tuyên bố độc lập (1945-2020) và 34 năm thực hiện đường lối đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng (1986-2020), vị thế của đất nước ta, nhân dân ta đã được khẳng định trong khu vực và thế giới. Những con số phác thảo, song ấn tượng nêu trên đã cho thấy sự phát triển vượt bậc của Việt Nam sau bao khó khăn, thách thức; thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam trong tiến trình hợp tác, hội nhập quốc tế, đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay"./.


(1), (2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.3, tr.538, 537, 595.

(4), (5), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.3, 86, 92.

(7) Hồ Chí Minh: Trả lời phỏng vấn André Blanchet, phóng viên báo Le Monde, ngày 21/2/1946, Tài liệu lưu Bảo tàng Hồ Chí Minh.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.256.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.56.

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2007, t.51, tr.144.

(11), (12), (13) Đảng Cộng sản  Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, tr.66, 138-139,102.

(14) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2016. tr.79.

TS. Văn Thị Thanh Mai