Năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến đổi lớn. Trong nước, sau chiến thắng Việt Bắc Thu Đông 1947, quân và dân ta tiếp tục giành nhiều thắng lợi quan trọng: Lực lượng kháng chiến phát triển về mọi mặt, chiến tranh du kích được đẩy mạnh ở vùng sau lưng địch, lực lượng vũ trang ba thứ quân hình thành tương đối hoàn chỉnh, đặc biệt là bộ đội chủ lực phát triển nhanh, phương thức tác chiến phát triển từ đánh du kích lên đánh tập trung với nhiều chiến dịch quy mô nhỏ trên chiến trường.
Thực dân Pháp thực hiện kế hoạch mới, được Mỹ giúp sức ráo riết thực hiện Kế hoạch Rơ-ve, tập trung lực lượng mở rộng chiếm đóng vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ; ra sức phong tỏa biên giới nhằm ngăn chặn sự chi viện của cách mạng Trung Quốc cho cách mạng Việt Nam; bao vây, cô lập căn cứ địa Việt Bắc.
Trước tình hình đó, để đẩy mạnh kháng chiến tiến lên một bước mới, tháng 6.1950, Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch lớn đánh địch trên tuyến biên giới Việt - Trung với mục đích tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch; giải phóng một phần biên giới, mở đường giao thông với các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Cân nhắc giữa hai hướng Tây Bắc và Đông Bắc, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định tiến công địch, giải phóng biên giới ở hướng Cao Bằng - Lạng Sơn.
Hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn tiếp giáp với Trung Quốc, rừng núi chiếm trên 90% diện tích. Đường số 4 là trục giao thông chính chạy dọc biên giới nối liền các thị trấn, thị xã: Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê, Na Sầm, Lạng Sơn. Ven hai bên đường số 4 núi rừng trùng điệp, núi đất xen núi đá tai mèo, rừng cây thấp xen lẫn đồi tranh, địa hình hiểm trở. Từ đường số 4 ra phía biên giới có ba con đường thông sang Trung Quốc; bên trong đi vào nội địa là đường số 3 nối Cao Bằng với Bắc Cạn, đường Bình Gia - Bắc Sơn nối Thất Sơn với Thái Nguyên.
Hạ tuần tháng 8.1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường ra mặt trận cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Trên đường ra mặt trận, Người ân cần thăm hỏi, nắm thêm tình hình, động viên bộ đội, dân công. Có Bác Hồ đi chiến dịch, mọi người như được tăng thêm sức mạnh, ai nấy đều hăng hái, tin tưởng, quyết tâm.
Sáng sớm ngày 16.9.1950, ta bắt đầu nổ súng đánh cụm cứ điểm Đông Khê, mở màn chiến dịch. Mặc dù địch chống cự hết sức quyết liệt và tình huống chiến đấu diễn ra rất gay go, phức tạp, song bộ đội ta vẫn dũng cảm chiến đấu, tổ chức nhiều đợt xung phong, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ. Sau 54 giờ chiến đấu, sáng ngày 18.9, bộ đội ta chiếm toàn bộ cụm cứ điểm Đông Khê, diệt và bắt trên 300 tên địch, thu toàn bộ vũ khí, bắn rơi một máy bay.
Chiến thắng oanh liệt của trận mở màn ở Đông Khê đã cổ vũ khí thế giết giặc lập công trên khắp các mặt trận và đặc biệt quan trọng là tạo thế rất thuận lợi cho sự phát triển tiếp theo của toàn bộ chiến dịch. Nhiều gương chiến đấu dũng cảm xuất hiện như chiến sĩ bộc phá La Văn Cầu nhờ đồng đội chặt đứt cánh tay bị thương rồi tiếp tục xông lên phá lô cốt địch,...
Mất Đông Khê, quân địch rơi vào tình thế hết sức nguy khốn, Thất Khê bị uy hiếp, thị xã Cao Bằng trở nên hoàn toàn bị cô lập, thế phòng thủ đường số 4 bị đánh trúng huyệt trở nên lung lay. Sau khi ta diệt xong Đông Khê, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ chỉ huy chiến dịch nhận định địch có thể lấy lại Đông Khê để khôi phục lại tuyến phòng thủ như cũ hoặc tạo bàn đạp để tiến lên đón quân ở Cao Bằng rút về. Do đó, ý định tác chiến của ta là "nhử thú dữ vào tròng" để "khép vòng lưới thép" tiêu diệt chúng.
Đúng như dự đoán của ta, sau thất bại Đông Khê, Tổng chỉ huy Pháp ở Đông Dương vội vàng thực hiện kế hoạch rút quân khỏi thị xã Cao Bằng theo đường số 4 nhằm tránh nguy cơ bị tiêu diệt. Theo kế hoạch này, Binh đoàn Lơ Pa-giơ ở Thất Khê (gồm 4 tiểu đoàn do Trung tá Lơ Pa-giơ chỉ huy) có nhiệm vụ hành quân tiến lên chiếm lại Đông Khê để đón Binh đoàn Sác-tông (gồm 3 tiểu đoàn do Trung tá Sác-tông chỉ huy) từ Cao Bằng rút về. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy quân Pháp còn mở rộng hành quân Phô-cơ đánh lên vùng tự do Thái Nguyên nhằm thu hút chủ lực của ta, giải tỏa cho hướng biên giới Cao Bằng - Lạng Sơn.
Sau thời gian chuẩn bị và thăm dò ý định của ta, đêm 30.9, Binh đoàn Lơ Pa-giơ gồm 4 tiểu đoàn bí mật hành quân từ Thất Khê lên Đông Khê. Phía Cao Bằng, đêm 3.10, Bình đoàn Sác-tông gồm 3 tiểu đoàn lặng lẽ rút khỏi thị xã để hội quân với Binh đoàn Lơ Pa-giơ. Tuy nhiên, khi vừa đến Đông Khê, Binh đoàn Lơ Pa-giơ lập tức bị ta chặn đánh. Từ ngày 1 đến ngày 5.10 đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt ở khu vực phía nam và tây Đông Khê. Binh đoàn Lơ Pa-giơ bị ta tiêu diệt một bộ phận, cuối cùng phải chạy dồn vào khu núi đá Cốc Xá, nơi có địa hình hiểm trở, dựa vào đó cố thủ và lấy đó làm địa điểm đón quân Sác-tông. Kế hoạch hội quân ban đầu của địch bị phá vỡ, ngày 4.10 Binh đoàn Sác-tông buộc phải bỏ cả xe, pháo rồi hành quân xuyên rừng về phía Cốc Xá để bắt liên lạc với Binh đoàn Lơ Pa-giơ.
Trải qua 29 ngày chiến đấu quyết liệt, mưu trí, dũng cảm, quân và dân ta đã giành được thắng lợi rất to lớn trong Chiến dịch Biên Giới. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 10 tiểu đoàn địch, diệt và bắt 8.296 tên (trong đó có toàn bộ ban chỉ huy đồn Đông Khê và các ban chỉ huy Binh đoàn Lơ Pa-giơ, Binh đoàn Sác-tông), thu hơn 3.000 tấn vũ khí và đồ dùng quân sự, xóa sổ Liên khu biên giới Đông Bắc của địch; giải phóng khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn), củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc, khai thông liên lạc với cách mạng Trung Quốc. Tính chung cả nước, trong cuộc tiến công Thu Đông năm 1950, quân và dân ta đã tiêu diệt gần 12.000 tên địch, hạ và bức rút 217 vị trí, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn khoảng 4.000km² với 40 vạn dân, trong đó có 5 thị xã (Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên và Hòa Bình) và 17 thị trấn.
Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950 là thắng lợi hết sức to lớn, có ý nghĩa lịch sử trọng đại. Sau bốn năm kháng chiến, đây là lần đầu tiên ta mở một chiến dịch tiến công lớn, đánh vào tuyến phòng thủ mạnh của địch nhằm thực hiện những mục tiêu chiến lược quan trọng. Ta không chỉ tiêu diệt một khối sinh lực tinh nhuệ của địch mà còn giải phóng một vùng đất đai rộng lớn có vị trí chiến lược trọng yếu; mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, mở thông đường liên lạc với quốc tế và nối liền Việt Bắc với các vùng miền trong nước. Thắng lợi này mở ra một bước ngoặt chuyển cuộc kháng chiến của ta từ hình thái chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy, kết hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích ở trình độ cao hơn.
Quang Lợi