CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
Tinh thần quật khởi của nhân dân Bình Định trong cao trào cách mạng 1930 - 1931
Thứ năm 10/09/2020 15:06
90 năm trước, dưới ánh sáng soi đường của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Nghệ Tĩnh đã anh dũng đứng lên làm cao trào cách mạng 1930 - 1931 có sức ảnh hưởng lớn trên phạm vi cả nước, với đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh - Khối liên minh công nông đầu tiên và làm trụ cột thu hút các tầng lớp nhân dân vào mặt trận đấu tranh cách mạng. Phong trào đã làm dấy lên một làn sóng đấu tranh rất sôi nổi từ Bắc đến Nam, trong đó có các cuộc đấu tranh với tinh thần quật khởi của nhân dân tỉnh Bình Định.

Ngọn lửa Xô Viết Nghệ Tĩnh bắt đầu được thắp lên từ cuộc đấu tranh ngày 01/5/1930 của công nông Vinh - Bến Thủy và nhân dân huyện Thanh Chương. Từ cuộc đấu tranh này đã bùng lên mạnh mẽ và lan rộng ra các huyện ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh và đỉnh cao là cuộc đấu tranh của nhân dân huyện Hưng Nguyên và huyện Nam Đàn vào ngày 12/9/1930… Bất chấp sự khủng bố trắng của kẻ thù, chính quyền Xô Viết vẫn ra đời ở nhiều nơi ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng những thành quả tốt đẹp của chính quyền Xô Viết đã làm được và tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân Nghệ Tĩnh đã lan tỏa đến nhiều địa phương khác trong cả nước, trong đó có tỉnh Bình Định.

Tại Bình Định, từ tháng 8 đến tháng 11/1930 đã diễn ra các cuộc đấu tranh sôi nổi của công nhân với nhiều hình thức phong phú, như: Rải truyền đơn, treo cờ Đảng, mít tinh, biểu tình đòi tăng lương, giảm giờ làm, giảm sưu thuế, ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh và nhân dân huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi). Thực hiện chủ trương của Xứ ủy Trung Kỳ, tổ chức đảng ở Quy Nhơn mở đầu bằng cuộc đấu tranh nhân Ngày Quốc tế chống chiến tranh đế quốc (01/8). Trong tháng 9 và tháng 10/1930, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng và Xứ ủy Trung kỳ, các tổ chức đảng ở Hoài Nhơn và Quy Nhơn đã tổ chức nhiều đợt đấu tranh rất mạnh mẽ. Ngày 14/9/1930, tổ chức đảng ở Quy Nhơn tổ chức phát truyền đơn, mở những cuộc mít tinh kêu gọi công nhân và nhân dân đứng lên đấu tranh phản đối cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp. Tiếp đó, ngày 26 và 28/9/1930, các tổ chức đảng ở Hoài Nhơn tổ chức rải truyền đơn tại huyện lỵ Bồng Sơn và Trường sơ học Tam Quan, hô hào quần chúng hưởng ứng phong trào đấu tranh phản đối thực dân Pháp khủng bố trắng đối với phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh và nhân dân huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi).

Vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga ngày 7/11/1930, Trung ương Đảng ra Lời kêu gọi quần chúng nhân dân cả nước tiếp tục đứng lên đấu tranh tố cáo tội ác dã man của chính quyền thực dân, phong kiến. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Trung ương Đảng, các tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh Bình Định đã phát động một đợt đấu tranh mới để kỷ niệm Ngày Cách mạng Tháng Mười Nga, ủng hộ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ An - Hà Tĩnh và nhân dân Quảng Ngãi. Trước sự khủng bố của kẻ thù, tại Bình Định nhiều cán bộ, đảng viên trung kiên đã bị giặc bắt, các tổ chức đảng tại Bình Định mất liên lạc với Xứ ủy. Nhằm nối lại sự liên lạc của Xứ ủy với các tổ chức đảng ở Bình Định, tháng 4/1931, Xứ ủy Trung Kỳ cử đồng chí Trần Hường đến Quy Nhơn để chỉ đạo các tổ chức đảng thực hiện những chủ trương của Trung ương và Xứ ủy.

Ngày 26/4/1931, các tổ chức đảng ở Hoài Nhơn và Quy Nhơn mở đợt đấu tranh nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Trong 2 ngày 19 và 20/6/1931, các tổ chức đảng ở Hoài Nhơn và Quy Nhơn tổ chức đấu tranh đòi thực dân Pháp và tay sai miễn sưu, giảm thuế cho dân nghèo, đòi chấm dứt cuộc khủng bố trắng đối với nhân dân Nghệ Tĩnh và Quảng Ngãi; tổ chức tuần hành vũ trang đưa quần chúng vào huyện lỵ đấu tranh. Thực hiện chủ trương ủng hộ và đoàn kết với phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh và Quảng Ngãi của Xứ ủy Trung Kỳ, nhân ngày Quốc tế chống chiến tranh đế quốc 01/8/1931, Đảng bộ Hoài Nhơn phát động quần chúng xuống đường đấu tranh với quy mô lớn vào đêm 22 rạng sáng ngày 23/7/1931 tại Cây số 7 Tài Lương (nay thuộc phường Hoài Thanh Tây, thị xã Hoài Nhơn). Cuộc biểu tình đã thu hút hơn 3.000 nông dân tham gia, được chuẩn bị kỹ lưỡng và được lực lượng Tự vệ đỏ bảo vệ. Đoàn biểu tình chia làm 4 cánh với hàng ngũ chỉnh tề hướng theo lá cờ búa liềm do đồng chí Huỳnh Lịch giương cao, khí thế hừng hực, cờ giong trống thúc liên hồi náo động cả huyện lỵ, đuốc cháy sáng rực một vùng trời tiến về Phủ lỵ Bồng Sơn. Đoàn biểu tình tiến đến đâu, trấn áp đoàn phu, thám báo, đốt trụi các điểm canh dọc đường, làm cho kẻ thù khiếp sợ. Đến 20 giờ ngày 22/7, đội Tự vệ Đỏ làng Tài Lương bắt 2 tên Chánh Tổng Vân Sơn và Trung Yên, đốt cháy 1 xe ô tô của đồn lính khố xanh Bồng Sơn trên đường xuống Đồn Tam Quan. Rạng sáng ngày 23/7, sau thời gian hoang mang, lo sợ, địch bắt đầu đàn áp đoàn biểu tình. Quần chúng cách mạng không hề nao núng trước lưỡi lê và súng đạn của kẻ thù, người trước ngã xuống, người sau tiếp tục xông lên chống kẻ thù.

Bia lưu niệm Cuộc biểu tình năm 1931 tại Cây số 7 Tài Lương, xã Hoài Thanh Tây (huyện Hoài Nhơn).

Cuộc biểu tình đêm ngày 22 rạng sáng ngày 23/7/1931 tại Cây số 7 Tài Lương là một đòn tấn công bất ngờ và quyết liệt, làm rung chuyển bộ máy chính quyền ở cơ sở của thực dân và phong kiến tại một số làng, xã của huyện Hoài Nhơn. Cuộc đấu tranh này tiêu biểu cho khí thế tiến công của công nhân và nông dân Bình Định trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, đây cũng là một cuộc đấu tranh lớn của cao trào cách mạng 1930 - 1931 của cả nước, khẳng định vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng ở Bình Định ngay từ khi buổi đầu mới thành lập.

Ngọc Hiền