CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT NGƯỜI LAO ÐỘNG VIỆT NAM ÐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI: Hoàn thiện quy định cho người đi xuất khẩu lao động
Thứ năm 10/09/2020 15:41
Sáng 9.9, Ðoàn ÐBQH tỉnh tổ chức lấy ý kiến của các đơn vị liên quan góp ý vào Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Bà Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng đoàn ÐBQH tỉnh chủ trì buổi góp ý.

Bà Lý Tiết Hạnh nhấn mạnh: "Thực tiễn lao động đi làm việc theo hợp đồng tại nước ngoài đã nảy sinh những vấn đề mới mà Luật 72/2006/QH11 Quy định về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chưa quy định. Ngoài ra, một số quy định của luật này chưa đồng bộ với một số luật mới được ban hành. Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu về Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), tập trung vào một số vấn đề lớn như đối tượng áp dụng, chính sách, việc cấp giấy phép...".

Các đại biểu tham gia góp ý cho Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Giao hay không giao?

Một trong những nội dung mới trong Dự thảo Luật là việc đưa đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể là Trung tâm Dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND tỉnh thành lập.

Ban Thường vụ Quốc hội đã trình lên hai phương án để xin ý kiến ĐBQH. Phương án 1 là giao Trung tâm Dịch vụ việc làm thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế. Đồng thời quy định rõ điều kiện không thu tiền của người lao động và không làm phát sinh bộ máy. Phương án 2 là không giao đơn vị thực hiện việc này.

Các đại biểu đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Một số đại biểu chọn phương án 1. Bởi, ưu điểm lớn nhất của phương án là sẽ tạo điều kiện hỗ trợ cho lao động có hoàn cảnh khó khăn. Mặt khác, một số địa phương đã và đang có những thỏa thuận quốc tế liên quan đến việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, việc một đơn vị sự nghiệp công lập đại diện cho địa phương là phù hợp hơn. Uy tín của các đơn vị này cũng cao hơn, hạn chế tình trạng trục lợi.

Ở chiều ngược lại, một số đại biểu cho rằng phương án 2 phù hợp với thực tế hơn, bởi chúng ta có xu hướng xã hội hóa dịch vụ công. Trung tâm Dịch vụ việc làm nên tập trung làm tốt 7 nhiệm vụ được giao tại Luật Việc làm.

Đại diện Sở Tài chính và Sở KH&ĐT góp thêm: Giao hay không giao thì phải dựa vào điều kiện, năng lực của đơn vị đó. Việc cần làm là phải xây dựng điều kiện cụ thể để đơn vị được giao đảm bảo được nhiệm vụ.

Răn đe lao động bỏ trốn

Tại nghị trường Quốc hội, ĐBQH tỉnh Huỳnh Cao Nhất từng đề nghị Chính phủ  cần có đánh giá khách quan về nguyên nhân của việc lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài bỏ trốn. Ông nhắc lại: "Có rất nhiều lý do để người lao động bỏ trốn. Trong số đó, có trường hợp người lao động chưa được thông tin rõ ràng về công việc, nơi ở, môi trường, văn hóa dẫn đến việc ngỡ ngàng trong thời gian đầu tiếp cận công việc, nảy sinh việc bỏ trốn. Hoặc thu nhập tại nơi làm việc theo hợp đồng không đủ trang trải, tích lũy, họ bỏ trốn để tìm công việc có thu nhập tốt hơn. Ngoài ra, còn có tình trạng các DN tại nước ngoài bắt tay ngầm với nhau để người lao động nhảy việc mà chính phủ nước sở tại lại chưa có giải pháp hữu hiệu...".

Sự khác biệt trong chính sách quản lý lao động ngoài nước của các nước cũng tác động đến vấn đề lao động bỏ trốn. Tại Hàn Quốc, người lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng ban đầu nhưng nếu được một DN khác nhận vào làm việc thì họ sẽ không phải bị đưa về nước. Trong khi đó, Nhật Bản, nước có tỷ lệ lao động bỏ trốn rất thấp, lại có những quy định chặt chẽ hơn. Ví dụ, người lao động không được rời khỏi nơi cư trú quá 24 giờ mà không có báo cáo cho đơn vị quản lý. Trường hợp vắng 24 giờ mà không có thông báo, DN có quyền thông báo với chính quyền là người lao động mất tích. Sau thông báo mất tích, nếu tìm được người lao động không ở nơi cư trú, làm việc bất hợp pháp, chính phủ sẽ tạm giam, trục xuất lao động về nước.

Bà Trần Thị Như Quỳnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV HR PISICO (Tổng Công ty PISICO Bình Định) trao đổi thêm: "Nếu số lượng người lao động bỏ trốn vượt quá quy định, nghiệp đoàn tại Nhật Bản sẽ không được tuyển dụng lao động cho những năm tiếp theo. Ở phía ta, Cục Lao động ngoài nước cũng sẽ hạn chế việc tuyển dụng đối với DN có số lao động bỏ trốn lớn. Tuy nhiên, biện pháp đối với lao động bỏ trốn tại nước ta hiện còn chưa mạnh. Nên có biện pháp cứng rắn hơn đối với lao động vi phạm hợp đồng".

Người lao động tham gia phiên phỏng vấn của DN và nghiệp đoàn Nhật Bản.

Phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Ông Phan Thanh Trị, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tỉnh, phản ánh: "Có nhiều trường hợp, người lao động đã vượt qua vòng phỏng vấn của DN, được cấp thị thực, chuẩn bị bay nhưng phải quay về thực hiện nghĩa vụ quân sự và không được hoàn trả các chi phí đã nộp trước đó. Cũng có trường hợp, chủ sử dụng lao động người Nhật tuyển 5 người, nhưng 1 người không thể xuất cảnh vì nghĩa vụ quân sự, 4 người còn lại cũng không thể xuất cảnh".

Trước thực tiễn này, một số đại biểu đề xuất cần xin ý kiến Quốc hội về việc tạm hoãn nghĩa vụ quân sự để bảo vệ quyền lợi người lao động đã được DN ngoài nước tuyển dụng. Song, cũng cần có phương án để người lao động không trục lợi chính sách, trốn tránh nghĩa vụ quân sự. 

Bà Châu Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, góp ý: "Cần quy định cụ thể hơn nữa Điều 61 về hỗ trợ tạo việc làm và khởi nghiệp để các địa phương cụ thể hóa các chính sách, đảm bảo tính khả thi, tránh thất thoát ngân sách". Đại diện Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đề nghị bổ sung thêm hộ mới thoát nghèo, bộ đội xuất ngũ, CA hoàn thành nghĩa vụ vào đối tượng vay vốn xuất khẩu lao động nguồn vốn Trung ương, bởi hiện nay chỉ có vốn địa phương mới thực hiện hỗ trợ đối tượng này.

NGUYỄN MUỘI- Nguồn Báo Bình Định