CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
Kỷ niệm 56 năm chiến thắng An Lão (7.12.1964 - 7.12.2020): Một mốc son chói lọi trong lịch sử
Thứ hai 07/12/2020 17:31
Chiến thắng An Lão (7.12.1964) là một nỗ lực lớn của Quân khu 5 nói riêng và cả nước nói chung. Thắng lợi của chiến dịch có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tấn công địch thần tốc

Đầu tháng 12.1964, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định mở chiến dịch An Lão. Lực lượng huy động tham gia chiến dịch gồm có Trung đoàn 2 làm chủ lực, Tiểu đoàn 409 đặc công Quân khu 5, 1 đại đội và 2 trung đội bộ đội địa phương tỉnh, 6 trung đội bộ đội địa phương các huyện An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn, gồm 1.769 quân. Ngoài ra, còn có hàng trăm du kích An Lão và các huyện lân cận, cùng hàng nghìn quần chúng sẵn sàng nổi dậy.

Chiều ngày 6.12.1964, công tác chuẩn bị cho chiến dịch cơ bản hoàn thành, quân ta đã hình thành thế trận bao vây huyện lỵ và áp sát cứ điểm, đợi lệnh tấn công. Khoảng 1 giờ 5 phút ngày 7.12.1964, chiến dịch An Lão bắt đầu, Tiểu đoàn đặc công 409 nổ súng tấn công cứ điểm Núi Một mở đầu chiến dịch. Bằng hai mũi giáp công, chỉ sau 15 phút, quân ta đã làm chủ Núi Một, toàn bộ quân địch ở đây bị tiêu diệt và bị bắt. Sau tiếng súng tấn công căn cứ Núi Một, quân ta đồng loạt tấn công vào các cứ điểm khác. Bị đánh bất ngờ, quân địch không kịp trở tay, chỉ sau khoảng 1 giờ, lực lượng địch ở 3 chốt điểm, 8 "ấp chiến lược" đều bị đánh tan. Quân ta nhanh chóng hình thành thế bao vây quận lỵ An Lão, truy bắt tề điệp, bố trí lực lượng sẵn sàng đánh quân tiếp viện.

Để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân, huyện xác định phát huy lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

- Trong ảnh: Mô hình trồng cây dược liệu ở xã An Toàn.    Ảnh: N.HÂN

Đúng như dự đoán, sau khi mất các chốt điểm, quận lỵ An Lão bị quân ta vây chặt, quân địch vội huy động lực lượng lên ứng cứu. Khoảng 8 giờ sáng ngày 7.12.1964, quân địch sử dụng máy bay liên tục ném bom xuống cứ điểm Núi Một, đồng thời dùng trực thăng định đổ quân chiếm lại cứ điểm này; tuy nhiên bị lực lượng của ta đánh trả quyết liệt, buộc chúng phải rút quân. Ngày 8.12.1964, địch tiếp tục sử dụng máy bay không kích, tìm cách đổ quân chiếm lại cao điểm Núi Một nhưng tiếp tục bị thất bại, âm mưu cứu viện bằng đường không của địch không thực hiện được.

Trước tình hình đó, địch phải huy động 1 tiểu đoàn bộ binh (thuộc Trung đoàn 41), cùng nhiều xe thiết giáp M113, chia thành 3 tốp từ Bồng Sơn (Hoài Nhơn) lên ứng cứu. Lúc 8 giờ 30 phút ngày 8.12.1964, tốp xe đi đầu của địch đến xóm Hội Trung bị quân ta chặn đánh, bắn cháy 2 xe M113, bắn hỏng 2 xe M113, còn lại 2 xe M113 tháo chạy thì 1 chiếc bị rơi xuống suối. Các tốp quân sau của địch không dám tiến lên, chỉ dùng hỏa lực bắn về phía trận địa của ta. Chiến dịch An Lão cơ bản thắng lợi. 

Chiến thắng của tinh thần đoàn kết

Chiến thắng An Lão đã làm đứt gãy hệ thống phòng ngự của địch trên các chi khu ở Bình Định, phá vỡ khu vực phòng thủ ở tuyến giáp ranh phía Bắc tỉnh, đẩy chính quyền Sài Gòn rơi vào tình trạng hoang mang, lo lắng. Chiến thắng là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân An Lão. Bằng sức mạnh chiến đấu quật cường, quân và dân ta đã đập tan bộ máy thống trị của Mỹ và chính quyền Sài Gòn ở An Lão, phá dứt điểm 8 "ấp chiến lược", giải phóng hoàn toàn huyện với 11.000 dân.

Từ đây, Đảng bộ và nhân dân An Lão bước sang một giai đoạn lịch sử mới, giai đoạn xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng, đập tan các cuộc phản công chiến lược của địch, hỗ trợ mọi mặt đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn. An Lão trở thành hậu cứ quan trọng của cuộc kháng chiến.

Nói về nguyên nhân chiến thắng An Lão, ông Nguyễn Văn Giáo, 82 tuổi, ở xã An Hòa (huyện An Lão), một CCB tham gia chiến dịch, nhìn nhận: Chiến thắng là thành quả chiến đấu chính nghĩa của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và sự nhất tề đứng lên của đồng bào các dân tộc Kinh, H're, Bana. Nhân dân và lực lượng du kích trong huyện không những trực tiếp tham gia chiến dịch, mà còn đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch; lương thực, thực phẩm, vũ khí, thuốc men, đạn dược được đồng bào tiếp tế, ủng hộ, vận chuyển kịp thời. Nhờ có sự ủng hộ, đùm bọc của đồng bào các dân tộc An Lão, LLVT có chỗ đứng chân vững chắc, bí mật thực hiện thành công chiến dịch.

Đồng chí Lê Duẩn khi ấy là Bí thư Trung ương Cục, thay mặt cho Trung ương Cục miền Nam gửi thư khen cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 2, nhấn mạnh: Chiến thắng An Lão đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của chủ lực quân khu mà nòng cốt là Trung đoàn 2. Lần đầu tiên trên chiến trường Khu 5, xuất hiện phương thức tác chiến mới của bộ đội chủ lực, kết hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích dưới hình thức tác chiến quy mô cấp trung đoàn.     

NGUYỄN HÂN - Nguồn Báo Bình Định