Chiếc nôi của phong trào cách mạng
Hoài Nhơn, vùng đất đi đầu và chịu nhiều hy sinh trong hai cuộc kháng chiến. Nơi đây, trong kháng chiến chống Pháp, năm 1930, Chi bộ Đảng Cửu Lợi được thành lập; phong trào đấu tranh, biểu tình chống thực dân, phong kiến sớm diễn ra, điển hình là cuộc biểu tình tại Cây Số 7 - Tài Lương đã đi vào lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ, Hoài Nhơn là một trong những chiến trường ác liệt, căng thẳng kéo dài, ta và địch luôn đấu nhau trong thế trận giằng co. Mỹ, ngụy đã dồn về đây các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại và binh lực hùng hậu gồm nhiều sắc lính Mỹ, lính ngụy; chúng trút xuống đây bom đạn các loại, có nơi giặc bắn phá dày đặc đến mức đất đá phải nhão ra thành bùn, bụi; chúng tiến hành hàng ngàn trận càn quét, bố ráp, đánh đập người dân rất dã man. Vì thế, đất mẹ Hoài Nhơn đã phải đau đớn ôm vào lòng mình hơn 11 ngàn liệt sĩ đã nằm xuống (xếp thứ nhì toàn quốc/đơn vị huyện) và "cất giữ" một phần thân thể của hơn 8.000 thương binh đã hiến dâng để bảo vệ vùng đất thiêng liêng này.
Ác liệt, khó khăn như thế nhưng Đảng bộ, quân và dân Hoài Nhơn vẫn đứng vững trên tuyến đầu đánh giặc, giải phóng hoàn toàn quê nhà vào ngày 28/3/1975, góp phần cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau năm 1975, Hoài Nhơn được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho 28 tập thể, 30 cá nhân và hơn 2.000 mẹ Việt Nam Anh hùng và trên 12 ngàn người có công với nước. Đó là công lao và niềm tự hào của người dân Hoài Nhơn trong một phần của lịch sử giữ nước.
Đổi thay diệu kỳ
Bên cạnh những con số bi hùng nói trên, sau ngày 30/4/1975, Hoài Nhơn đứng trước nhiều thách thức mới bởi hậu quả nặng nề của chiến tranh. Tuy nhiên, như người lính đã dạn dày trong chiến đấu, 45 năm sau giải phóng, Đảng bộ, và nhân dân Hoài Nhơn qua các thời kỳ đã từng bước vượt qua khó khăn thách thức, cùng nhau xây dựng lại quê hương. Để hôm nay, ta có một Hoài Nhơn thay đổi diệu kỳ; một Hoài Nhơn đã thay áo mới với hơi thở nhịp sống của sắc màu đô thị, đậm đà vị mặn của biển cả, ngát hương thơm, rợp màu xanh của đồng nội - núi rừng và một Hoài Nhơn giàu tiềm năng!
Ngày 22/4/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 932/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập thị xã Hoài Nhơn và các phường thuộc thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, đây là sự kiện trở thành dấu mốc quan trọng, là bước ngoặt lịch sử, đánh dấu bước khởi đầu cho sự phát triển mới của Hoài Nhơn. Về Hoài Nhơn hôm nay, những mái nhà tranh ở những thôn xóm nghèo, không điện, không lối đi ngày nào đã được thay bằng những dãy phố mới sầm uất và nhộn nhịp, nhiều khu đô thị mới đang được đầu tư xây dựng; bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, cơ sở hạ tầng về giao thông được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố, tạo nên diện mạo của một đô thị thực thụ.
Hoài Nhơn hôm nay với những cánh đồng lúa, hoa màu và cây đặc sản dừa vút cao xanh ngát, trĩu quả bốn mùa. Câu chuyện lúa chết cháy mùa hè, hoa màu bị cuốn trôi trong lũ giờ nếu có cũng chỉ còn là chuyện rất hiếm hoi, bởi nông nghiệp ở đây đã sớm được thủy lợi hóa, cơ giới hóa và áp dụng khoa học thời vụ. Ngư nghiệp phát triển mạnh, thu hút hàng vạn lực lượng lao động tham gia đánh bắt đưa Hoài Nhơn vươn lên thành trung tâm nghề cá mạnh nhất cả nước. Những chiếc thuyền nan bé nhỏ ngày nào đã được thay đổi bởi một đội tàu vỏ gỗ, vỏ sắt hùng hậu đứng đầu cả nước với gần 2.300 chiếc, có mặt trên nhiều vùng biển của tổ quốc. Ngoài nhiệm vụ đánh bắt, những con tàu và ngư dân này còn góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thân yêu.
Một góc của thị xã Hoài Nhơn hôm nay.
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài Hoài Nhơn, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động địa phương có thu nhập ổn định, bình quân trên 5 triệu đồng/tháng; nhiều nghề truyền thống được áp dụng công nghệ tiên tiến nên chất lượng sản phẩm nâng cao và được thị trường ưa chuộng như: bánh tráng dalop Hoài Nhơn, bánh tráng nước dừa SaChi, dầu dừa pha lê, nước mắm Tam Quan,…
Thương mại dịch vụ phát triển mạnh mẽ cả nội lẫn ngoại thương, nhiều mặt hàng được xuất đi như: hải sản, hàng may mặc, đồ gỗ, dừa quả,… Cơ sở hạ tầng cho du lịch đã và đang đầu tư đáng kể thuận lợi cho tham quan, nghỉ dưỡng như khách sạn nhà hàng: Hương Biển, Mười Vàng, khu liên hợp Hưng Thịnh,…
Y tế và giáo dục phát triển đồng bộ và vững chắc về quy mô và chất lượng. Văn hóa xã hội phát triển xứng tầm, nhiều quần thể di tích văn hóa, lịch sử, thắng cảnh được tôn tạo, xây dựng như: đền thờ danh nhân Đào Duy Từ, di tích lịch sử quốc gia Đồi Mười, Cây số 7-Tài Lương,… Đặc biệt với đạo lý "uống nước nhớ nguồn", Hoài Nhơn đã xây dựng Đền thờ liệt sĩ tại trung tâm thị xã. Những nơi này đã trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống và góp phần phát triển du lịch của địa phương.
Chia sẻ về những thành công, ông Cao Thanh Thương - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND thị xã cho biết: "Đảng bộ và Nhân dân Hoài Nhơn rất vui mừng và tự hào trước những đổi thay và phát triển mạnh mẽ của quê hương. Thành quả này là kết quả mà Đảng bộ và nhân dân Hoài Nhơn trong suốt 45 năm qua đã cùng sát cánh bên nhau, vượt qua khó khăn, một lòng đoàn kết xây dựng quê hương; là kết quả của những chủ trương và việc làm có tính chiến lược và tầm nhìn của các thế hệ đi trước; là sự kế thừa, phát huy và sáng tạo của thế hệ sau; là kết quả của sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo các cấp, của người dân và bạn bè gần xa của Hoài Nhơn".
45 năm sau chiến tranh, mảnh đất Hoài Nhơn anh hùng trong kháng chiến đã và đang trên đà thay đổi phát triển không ngừng. Hoài Nhơn đã trở thành một phần quan trọng trong sự phát triển mạnh mẽ chung của tỉnh Bình Định. Đại hội Đảng bộ thị xã Hoài Nhơn lần thứ XX đã diễn ra và thành công tốt đẹp, chúng ta tin tưởng rằng, Đảng bộ Hoài Nhơn sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc sứ mệnh chính trị của mình để đưa Hoài Nhơn phát triển hơn nữa và sớm vươn lên đạt đô thị loại 3 trong thời gian không xa./.
Nguyễn Trương