CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
Nâng cao hiệu quả cải cách hành chính: Cần quyết tâm và trách nhiệm của người đứng đầu
Thứ tư 10/06/2020 15:50
Dù đã được cải thiện đáng kể, song công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh vẫn cần những bước đột phá, gắn liền với trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương.

Chưa đáp ứng yêu cầu

Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác cải cách hành chính (CCHC) và đã đạt được một số kết quả tích cực trên một số lĩnh vực. Bộ máy của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện được rà soát, sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) và giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông có nhiều chuyển biến. Kết quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã đóng góp đáng kể vào thành quả CCHC chung của tỉnh.

Đoàn kiểm tra CCHC của tỉnh kiểm tra việc công khai TTHC ở bộ phận một cửa xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước.

Tuy nhiên, kết quả đạt được nêu trên chưa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu và sự kỳ vọng của tỉnh đối với công tác CCHC. Mặc dù đã có sự cải thiện hơn so với năm 2018 nhưng kết quả năm 2019 của Chỉ số CCHC cấp tỉnh (PAR Index), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh (SIPAS) vẫn còn ở nhóm thấp. Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) có điểm số thấp nhất trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong 2 năm liền.

Nguyên nhân chủ yếu là do người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm, quyết liệt trong thực hiện công tác CCHC. Số lượng giao dịch TTHC theo phương thức trực tuyến còn ở mức thấp; chính quyền cơ sở một số nơi không quan tâm đến công tác CCHC, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, nhất là việc sử dụng phần mềm một cửa điện tử của tỉnh trong giải quyết hồ sơ.

Đáng chú ý, công tác kiểm soát việc giải quyết TTHC trên lĩnh vực đất đai, thẩm định dự án đầu tư chưa mang lại hiệu quả, vẫn còn nhiều hồ sơ trễ hạn. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước Trần Hữu Tường, đây chính là một trong 9 tồn tại, hạn chế của huyện trong công tác CCHC. Bên cạnh đó, tuyên truyền về CCHC còn ít, hình thức chưa đa dạng. Một số cơ quan, đơn vị tham mưu UBND huyện thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao không đúng thời gian, đặc biệt là thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh trả lời vấn đề giải quyết đơn thư khiếu nại trên lĩnh vực đất đai. Việc công khai TTHC ở bộ phận một cửa cấp xã chưa kịp thời, đầy đủ theo quy định, có nơi còn hình thức, đối phó...

"3 năm trước liên tục nằm trong tốp 3, nhưng năm 2019 lại đứng "thứ 2 từ dưới lên" trong bảng xếp hạng chỉ số CCHC khiến chúng tôi rất bất ngờ, rất buồn", ông Trần Hữu Tường chia sẻ.

Trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng

Xác định nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan dẫn đến sự tụt hạng nghiêm trọng về chỉ số CCHC, huyện Tuy Phước xác định 6 tháng còn lại của năm 2020 là quãng thời gian quan trọng để khắc phục tồn tại, hạn chế. Ông Trần Hữu Tường cho biết, huyện sẽ tập trung tăng cường tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người dân về công tác CCHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm và chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; huyện vừa kỷ luật một cán bộ lãnh đạo cấp phòng vi phạm quy định về văn hóa công sở.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Thái Bình cho rằng, Quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn tỉnh (ban hành theo Quyết định số 19/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh) vẫn còn "nhẹ", theo yêu cầu hiện nay cần những chế tài mạnh hơn.  

Phát huy vai trò giám sát CCHC của Mặt trận

Theo Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Thái Bình, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh cần được kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, cần thiết mời đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tham gia làm thành viên Ban Chỉ đạo để phát huy vai trò giám sát, vận động, tuyên truyền của Mặt trận các cấp đối với việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC.

Trách nhiệm của người đứng đầu có ý nghĩa quan trọng trong quá trình thực hiện CCHC. Để tạo sự chuyển biến thực sự trong công tác CCHC và cải thiện, nâng cao kết quả các chỉ số: PAPI, PAR Index, SIPAS và PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) trong thời gian tới, trước mắt là trong năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố quán triệt và xác định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ CCHC.

Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC và giải quyết TTHC của các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý. Các trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà, giải quyết hồ sơ trễ hạn cho người dân, DN tại đơn vị phải được phân loại, xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ và bố trí công tác khác.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo quy định đối với các vị trí thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc cho người dân, DN mà "dễ phát sinh tiêu cực" và các trường hợp vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, tắc trách trong thi hành công vụ dẫn đến hồ sơ TTHC được giải quyết trễ hạn. 

Nguồn: Báo Bình Định