Ðồng chí Trần Phú sinh ngày 1.5.1904 tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, trong một gia đình nhà nho yêu nước; nguyên quán xã Tùng Ảnh, huyện Ðức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ðồng chí là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng, đặc biệt có đóng góp rất lớn trong công tác xây dựng Ðảng.
Chân dung Tổng Bí thư Trần Phú. Ảnh tư liệu
Trong hoàn cảnh bị địch khủng bố ác liệt, đồng chí Trần Phú - trên cương vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, đã cùng Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo thực hiện các nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ nhất với khối lượng công việc rất lớn, quan trọng và chuẩn bị các văn kiện cho Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (3.1931).
Đồng chí Trần Phú đã lãnh đạo, trực tiếp soạn thảo và hoàn thiện các văn kiện, triển khai thực hiện việc phát triển các tổ chức đảng, các tổ chức chính trị, đoàn thể, hội quần chúng. Nhiều văn kiện quan trọng được thông qua liên quan trực tiếp đến công tác tổ chức đảng, công tác dân vận, công tác Mặt trận, đặt nền móng cho việc thành lập Hội Phản đế đồng minh. Chỉ sau một thời gian, tổ chức đảng, các đoàn thể, hội quần chúng phát triển nhanh chóng.
Tổng Bí thư Trần Phú rất quan tâm vấn đề đấu tranh tư tưởng trong nội bộ Đảng, khắc phục những nhận thức lệch lạc, cơ hội, bè phái. Án Nghị quyết của Trung ương toàn thể Hội nghị lần thứ hai nêu rõ hạn chế: “Nền tư tưởng trong Đảng còn rất nhiều di tích tiểu tư sản, đầu cơ, biệt phái”; chưa nhận thức đúng vai trò lịch sử của giai cấp vô sản và vai trò lãnh đạo của Đảng.
Án nghị quyết của Trung ương toàn thể Hội nghị lần thứ hai cũng nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường tính chất giai cấp công nhân của Đảng. Biện pháp căn bản là phải đưa những đảng viên là công nhân vào các cơ quan chỉ huy, xác định đào tạo công nhân chỉ huy là vấn đề thiết thực, quan trọng cho sự phát triển của Đảng hiện tại và tương lai. Phải thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức Đảng. Đảng phải bao gồm những công nhân tiên tiến nhất. Kỷ luật của Đảng là kỷ luật sắt dựa trên nguyên tắc dân chủ tập trung.
Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trần Phú, nhiều chủ trương quan trọng về công tác tuyên truyền được quyết định. Để xúc tiến công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, tháng 12.1930, đồng chí đã cùng Ban Thường vụ Trung ương quyết định xuất bản báo Cờ vô sản và báo Cộng sản; lập Ban Tuyên truyền do một Ủy viên Thường vụ Trung ương phụ trách.
Đồng chí Trần Phú cùng Ban Chấp hành Trung ương đã xây dựng và củng cố tổ chức đảng các cấp từ Trung ương tới các xứ ủy, tỉnh ủy, huyện ủy và chi bộ cơ sở của đảng, trong khoảng từ tháng 12.1930 - 1.1931, các Xứ ủy Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ chính thức được thành lập và từng bước được củng cố. Theo sự chỉ đạo của Trung ương, các xứ ủy đã thành lập các ban cán sự và các bộ phận chuyên trách đã hình thành, có hệ thống từ Trung ương đến các cấp bộ đảng bộ xứ và địa phương. Nhờ đó, Đảng đã được củng cố một bước khá vững chắc ngay trong hoàn cảnh bị kẻ thù khủng bố gắt gao.
Nhiệm vụ xây dựng và phát huy vai trò của chi bộ đảng được đồng chí Trần Phú và Ban Chấp hành Trung ương rất chú trọng. Do đó, việc phát triển tổ chức đảng và đảng viên đã có một bước tiến mới, số chi bộ và số đảng viên xuất thân từ công nhân tại các cơ sở công nghiệp, đồn điền và các địa phương ở các vùng nông thôn tăng lên đáng kể.
Dưới chỉ đạo sát sao của đồng chí Trần Phú và Ban Thường vụ Trung ương Đảng thời kỳ 1930- 1931, khí thế phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân trong cả nước bùng lên mạnh mẽ. Bộ Tham mưu tối cao của Đảng do Tổng Bí thư Trần Phú đứng đầu đã thực hiện sứ mệnh lịch sử, dấy lên cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh.
Quốc tế Cộng sản đánh giá cao hoạt động của Đảng ta, tháng 4.1931 đã quyết định công nhận Đảng ta là chi bộ độc lập thuộc Quốc tế Cộng sản. Sự công nhận đó có phần đóng góp to lớn và là thành công của đồng chí Trần Phú trên cương vị là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.
Nguồn Báo Bình Định