CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
KỶ NIỆM 65 NĂM NGÀY KHỞI NGHĨA VĨNH THẠNH (6.2.1959 - 6.2.2024) Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh góp phần đánh bại âm mưu hiểm độc của kẻ thù
Thứ ba 06/02/2024 07:32

Tháng 1.1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị lần thứ 15 đánh giá tình hình cách mạng trong nước; đề ra nhiệm vụ, đường lối cách mạng chung của cả nước và đường lối cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam. Dưới ánh sáng các nghị quyết của Ðảng, đầu năm 1959, một số đảng bộ địa phương đã nắm bắt chiều hướng phát triển của tình hình cách mạng miền Nam, phát động quần chúng nhân dân nổi dậy, từ đấu tranh chính trị tiến lên đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang tự vệ, đập tan bộ máy chính quyền cơ sở của địch, giành quyền làm chủ ở nhiều nơi.

Huyện miền núi Vĩnh Thạnh là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ, vừa là căn cứ địa cách mạng của Khu 5 và tỉnh Bình Định, vừa là vùng giáp ranh “cài răng lược” giữa ta và địch, với dân số phần đông là đồng bào Bana vốn có truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm.

Ngày 6.2.1959, Tỉnh ủy Bình Định đã lãnh đạo nhân dân 12 làng thuộc 2 xã Vĩnh Hiệp và Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh) đứng lên đấu tranh chống lại âm mưu dồn dân, lập ấp của địch. Tiêu biểu là hoạt động nổi dậy kết hợp với vũ trang của du kích và nhân dân hai làng Tơlok, Tơlek.

Theo đó, nhân dân rời làng cũ vào rừng sâu lập làng mới, sống bất hợp tác với địch, chủ động cắm chông, gài bẫy ở tất cả các con đường vào làng, tổ chức lực lượng tự vệ tuần tra canh gác ngày đêm sẵn sàng chiến đấu. 

Quân địch tổ chức nhiều đợt càn quét, khủng bố nhưng đã bị du kích đánh bại, gây ra nhiều tổn thất, làm cho chúng hoang mang, khiếp sợ. Cuộc nổi dậy lan rộng dần ra nhiều làng, nhiều xã trên địa bàn huyện. Đến tháng 6.1959, đồng loạt hơn 50 làng của huyện Vĩnh Thạnh đã nhất tề đứng lên bẻ gãy các cuộc càn quét, đập tan âm mưu dồn dân của địch, giành quyền làm chủ trên địa bàn toàn huyện.

Tượng đài khởi nghĩa Vĩnh Thạnh ở thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh). Ảnh: LONG VŨ

Cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh là cuộc nổi dậy đầu tiên ở miền núi Khu 5. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh đã cổ vũ nhân dân các vùng lân cận trong tỉnh Bình Định vũ trang tự vệ chống địch và châm ngòi cho các cuộc khởi nghĩa của đồng bào dân tộc miền núi Khu 5 nổ ra sau đó, như Khởi nghĩa Bác Ái (Ninh Thuận) ngày 7.2.1959, khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi ngày 28.8.1959. 

Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh là một quá trình đấu tranh kiên trì. Nhân dân đã không đấu tranh chính trị đơn thuần mà dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng để tự giải phóng mình khỏi xiềng xích nô lệ. Cuộc khởi nghĩa đã kết hợp cuộc nổi dậy của quần chúng với việc chống càn, chống địch tái chiếm, phát huy được các hình thức tác chiến tại chỗ của du kích địa phương, có kế hoạch chu đáo, tỉ mỉ để bảo vệ an toàn lực lượng và đi đến thắng lợi.

Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh đã đóng góp lớn vào phương pháp đấu tranh cách mạng, với sự kết hợp giữa đấu tranh chính trị và vũ trang để đánh đổ chính quyền địch ở cơ sở, mở ra một trang sử mới đấu tranh chính trị và vũ trang song song, là đỉnh cao trong phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Khu 5 lúc bấy giờ. Cuộc khởi nghĩa tiêu biểu cho một quá trình đấu tranh gian khổ để bảo vệ, giữ gìn lực lượng, tiến lên kết hợp khởi nghĩa từng phần, liên tục giữ thế tiến công, phát huy chiến tranh du kích, đưa phong trào cách mạng của địa phương phát triển mạnh mẽ, góp phần đánh bại những âm mưu hiểm độc của kẻ thù.

* * *

Năm 2023, tình hình KT-XH của huyện Vĩnh Thạnh tiếp tục giữ vững sự ổn định và có chiều hướng phát triển. Tổng giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản thực hiện đạt 100,8% kế hoạch, tăng 4,68%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu ngân sách trên địa bàn hơn 123 tỷ đồng, đạt 140,4% kế hoạch. Các hoạt động văn hóa có nhiều tiến bộ. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của nhân dân trong huyện cơ bản ổn định. Quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn.

65 năm đã trôi qua, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Thạnh không ngừng nỗ lực vươn lên xây dựng, phát triển địa phương, đạt được nhiều thành tựu, nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Thạnh sẽ tiếp tục đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu vươn lên về mọi mặt, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao chất lượng KH&CN, GD&ĐT, y tế, phát triển văn hóa; bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; phấn đấu xây dựng huyện ngày càng giàu đẹp, người dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

TRỌNG NGHĨA - Nguồn Báo Bình Định