Phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp lần thứ 14, HÐND tỉnh khóa XIII, ngày 6.12 đã diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, đi thẳng vào trọng tâm, trọng điểm các vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm. Trong đó, tập trung làm rõ một số tồn tại, vướng mắc ở các lĩnh vực nông nghiệp, thu tiền sử dụng đất, quản lý tài nguyên - khoáng sản…
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu đánh giá phiên chất vấn, trả lời chất vấn.
Làm rõ tiến độ nạo vét luồng lạch trên đầm Thị Nại
Tham gia chất vấn Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc, đại biểu Đặng Mạnh Cường (đơn vị Quy Nhơn) nêu vấn đề: Để phục vụ phát triển du lịch trên đầm Thị Nại, nhất là chuẩn bị cho giải đua thuyền máy F1H2O trong năm 2024, UBND tỉnh đã giao ngành NN&PTNT tiến hành nạo vét luồng tàu trên đầm Thị Nại. “Đề nghị lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết đến nay việc triển khai nạo vét như thế nào, tiến độ đến đâu?”, đại biểu Cường đặt câu hỏi.
Đại biểu Đặng Mạnh Cường (trái, TP Quy Nhơn) và Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc trao đổi về tiến độ triển khai nạo vét luồng tàu đầm Thị Nại.
Ông Trần Văn Phúc cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 1441/UBND-KT ngày 16.3.2023 về việc triển khai thực hiện nạo vét luồng tàu phục vụ du lịch đầm Thị Nại, Sở NN&PTNT đã tổ chức xác định luồng tàu, khảo sát địa hình, địa chất, tính toán khối lượng nạo vét, đồng thời đã có báo cáo UBND tỉnh về kết quả khảo sát, thiết kế luồng tàu phục vụ du lịch đầm Thị Nại.
Cụ thể, luồng tàu có điểm bắt đầu từ bến thuyền trên đường Đống Đa, đi vòng phía Tây Cồn Chim, vòng về phía Đông Cồn Chim và nối với luồng tàu hiện có. Tổng chiều dài luồng tàu khoảng 23,3 km, trong đó chiều dài phải nạo vét 13,5 km. UBND tỉnh đã thống nhất chọn luồng tàu, phương án nạo vét, giao Sở KH&ĐT tổ chức đấu thầu theo hình thức xã hội hóa; giao Sở TN&MT thẩm định đánh giá tác động môi trường dự án.
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt tiêu chí đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức xã hội hóa. Chấp thuận nhà đầu tư là Liên danh Công ty CP Đầu tư Bờ Biển Vàng và Công ty CP Thị Nại Eco Bay thực hiện dự án. Theo đó, tiến độ thực hiện từ tháng 6.2023 đến tháng 12.2024.
Tháo gỡ khó khăn trong thu tiền sử dụng đất
Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Hoàng Nghi giải trình về phương án xử lý kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 trong trường hợp thu tiền sử dụng đất không đạt. Trong đó, nêu vấn đề nguồn thu tiền sử dụng đất của ngân sách cấp tỉnh gặp khó khăn.
Theo giải trình, kế hoạch của HĐND tỉnh giao nguồn thu tiền sử dụng đất của tỉnh năm 2023 là hơn 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ước tổng tiền thu được từ nguồn này trong năm chỉ đạt ở mức 2.600 tỷ đồng. Vì vậy, để đảm bảo có nguồn chi cho các dự án đã được bố trí kế hoạch vốn từ nguồn thu sử dụng đất năm 2023 không đảm bảo.
Về vấn đề này, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho rằng việc đưa ra số thực thu 2.600 tỷ đồng tiền sử dụng đất trong năm 2023 chỉ là con số ước tính, còn con số thực tế thu theo xác nhận của Giám đốc Sở Tài chính đến nay mới chỉ đạt 1.583 tỷ đồng.
Từ thực tế khó khăn đó, đồng chí Hồ Quốc Dũng đề nghị UBND tỉnh phải nỗ lực, có giải pháp khả thi ngay từ đầu năm, quyết tâm có công trình, dự án mới để tổ chức đấu thầu, đấu giá, tạo nguồn thu, đảm bảo thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh.
Giải trình thêm theo yêu cầu của đồng chí Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết nguồn thu tiền sử dụng đất cho ngân sách cấp tỉnh dự kiến từ giờ đến cuối năm quyết tâm thu thêm được từ 600 - 800 tỷ đồng, đã có nơi cam kết thực hiện. Do thu tiền sử dụng đất của tỉnh bị hụt so với kế hoạch được giao trong năm 2023, dẫn đến có thể một số dự án phải bị trì hoãn.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên nhân chủ quan là đầu năm tỉnh chưa thực hiện quyết tâm lắm. Sau đó, lại gặp một số nguyên nhân khách quan do công tác thẩm định giá đất, phương pháp định giá đất chưa thực tế... Và, quan trọng nhất là do khó khăn của DN.
“Một số dự án lớn của tỉnh hiện vẫn chưa thu được tiền sử dụng đất, nên hy vọng sang năm 2024 khi thị trường bất động sản “ấm lại” thì nguồn thu này sẽ tăng cao”, Chủ tịch UBND tỉnh nói.
Không được để tăng giá vật liệu xây dựng
Tham gia giải trình tại phiên họp, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Viết Bảo báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 76/NQ-HĐND ngày 10.12.2022 của HĐND tỉnh kết quả giám sát chuyên đề về quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2021.
Giám đốc Sở Xây dựng Trần Viết Bảo giải trình về kết quả giám sát chuyên đề về quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017 - 2021.
Theo ông Bảo, Sở Xây dựng đã cấp phép 76 mỏ khai thác cát, đá cho các DN. Cùng với đó, theo đề nghị của Sở Tài chính về quản lý giá vật liệu xây dựng công bố, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 24/2022/QĐ-UBND ngày 26.5.2022, giao Sở Tài chính và Sở Xây dựng thực hiện đưa loại đá xây nghiền để sản xuất bê tông và cát xây dựng vào danh mục quản lý giá.
“Trước đây khi chưa đưa danh mục quản lý giá, khi nhà thầu sử dụng hai loại vật liệu này thì cơ quan quản lý không biết nguồn gốc ở đâu và cũng không nằm trong hồ sơ quyết toán nên không quản lý được. Việc thực hiện Quyết định số 24 đã phát huy hiệu quả, góp phần bình ổn về giá bán vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay”, ông Bảo cho hay.
“Với ý thức trách nhiệm cao, tại phiên chất vấn đã có 7 lãnh đạo các sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh tham gia trả lời các ý kiến mà đại biểu và cử tri quan tâm. Tôi đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, cầu thị của lãnh đạo các sở, ngành và người đứng đầu UBND tỉnh trong việc tiếp thu các ý kiến; giải trình các ý kiến cụ thể, đúng trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của từng ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Từ đó, có các cam kết khắc phục và giải pháp để thực hiện đạt kết quả tốt nhất chức trách, nhiệm vụ của mình”. Chủ tịch HĐND tỉnh HỒ QUỐC DŨNG |
Về vấn đề này, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh, việc quản lý khai thác khoáng sản đang là vấn đề “nóng”, nên Chính phủ đã giao cho Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra chuyên đề về cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn cả nước. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh việc quản lý khai thác khoáng sản tương đối tốt, nhưng cũng có vấn đề nổi lên trong cấp phép các mỏ đất, đá, cát... Do đó, đề nghị các đại biểu HĐND tăng cường giám sát hoạt động này; đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng, Sở TN&MT cùng các ngành, địa phương thực hiện tốt việc quy hoạch, cấp phép mỏ, bảo đảm nguồn cung thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh.
Cùng với đó, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu các ngành liên quan thực hiện tốt việc tham mưu cho UBND tỉnh để quản lý giá một số loại vật liệu xây dựng, dứt khoát không để xảy ra việc sốt giá vật liệu xây dựng. Đồng thời, làm tốt công tác quản lý Nhà nước, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, xử lý sai phạm về khai thác khoáng sản.
Quyết liệt đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024
Tham gia giải trình tại phiên chất vấn, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã làm rõ thêm những định hướng lớn, mục tiêu phát triển KT-XH trong năm 2024 và giai đoạn sắp đến. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 12.2023. Đây là cơ sở để tỉnh tập trung các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển, sớm trở thành một trong những địa phương phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung.
Giải trình những vấn đề qua thảo luận tổ và tại hội trường mà các đại biểu HĐND tỉnh còn băn khoăn, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn khẳng định thời gian tới việc gì có lợi cho dân, cho sự phát triển của tỉnh thì sẽ quyết tâm thực hiện.
“Quy hoạch tỉnh bám sát vào 3 khâu đột phá và 5 trụ cột tăng trưởng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Quy hoạch tập trung đến từng vùng, từng khu vực kinh tế cụ thể. Các chi tiết, định hướng, mục tiêu phát triển KT-XH cũng được xác định cụ thể, rõ ràng. Tỉnh sẽ công bố quy hoạch ngay trong năm 2023 và đây sẽ là sự kiện quan trong của tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết.
Về kế hoạch phát triển KT-XH trong năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn khẳng định quyết tâm đạt mức tăng trưởng GRDP từ 7,5 - 8%. Trong đó, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,2 - 3,6%; công nghiệp và xây dựng tăng 10,3 - 10,9% (riêng công nghiệp tăng 9,2 - 9,7%); dịch vụ tăng 7,9 - 8,4%. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 9 - 9,5%. GRDP bình quân đầu người đạt 85,3 - 85,7 triệu đồng/năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7 - 7,7%.
Để thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn, người đứng đầu chính quyền tỉnh cho biết, UBND tỉnh tiếp tục giao chỉ tiêu cụ thể từ cấp tỉnh đến cấp xã. UBND tỉnh sẽ làm việc cụ thể với từng cấp, từng ngành, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, dự án trọng điểm, từ đó có cơ sở tạo động lực cho phát triển.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm vụ rất quan trọng trong năm 2024 là tỉnh sẽ tiếp tục tạo bước đột phá trong tác phong, lề lối làm việc, tinh thần, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo niềm tin vững chắc cho cộng đồng DN và người dân… Đồng thời, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển trên tất cả lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng, thương mại, dịch vụ, du lịch, giải ngân vốn đầu tư công…
NGUYỄN HÂN - HOÀI THU - Nguồn Báo Bình Định