Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh vừa ban hành Nghị quyết Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Báo Bình Ðịnh xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.
Ngày 19.9.2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định khóa XX tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Hội nghị đã thảo luận và thống nhất nhiều nội dung quan trọng.
Đạt nhiều kết quả tích cực
Hội nghị nhất trí cao với đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết trong nửa nhiệm kỳ qua.
Cụ thể, qua hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội XX của Đảng bộ tỉnh, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 chưa có tiền lệ, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu, tinh thần đoàn kết thống nhất của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, của các cấp, các ngành, các địa phương, của dân và quân trong tỉnh, tỉnh ta đã đạt được kết quả tích cực trên các lĩnh vực; tiềm năng, lợi thế của tỉnh được phát huy.
Quang cảnh Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: HỒNG PHÚC
Nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, tốc độ tăng tổng sản phẩm địa phương (GRDP) bình quân 3 năm (2021, 2022, 2023) ước tăng 6,61%, GRDP bình quân đầu người cuối năm 2023 ước đạt 3.360 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tính đến tháng 6.2023: Tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản 28,34%, công nghiệp - xây dựng 29,66%, dịch vụ 37,54%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,46%. Tổng kim ngạch xuất khẩu 2 năm rưỡi là 3.759 triệu USD, đạt 62,65% so với chỉ tiêu đề ra. Thu ngân sách hằng năm đạt và vượt kế hoạch. Kết cấu hạ tầng KT-XH tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển.
Hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên; quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh; hệ thống chính trị được củng cố kiện toàn; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm. Kinh tế phát triển nhưng chưa bền vững, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt thấp so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn; tiến độ triển khai một số công trình trọng điểm còn chậm; công tác thu hút đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, nhất là thu hút các dự án động lực; một số chủ trương, chính sách đề ra chưa thực sự hiệu quả.
Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, KH&CN, lao động - việc làm... còn nhiều bất cập; công tác phối hợp, đề xuất giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời. Tình trạng vi phạm trên các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường, bảo vệ rừng vẫn còn xảy ra, gây nhiều bức xúc. ANTT trên địa bàn có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp.
Công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận và tâm trạng xã hội có lúc, có nơi chưa thật sâu sát, kịp thời. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế. Kết nạp đảng viên mới chưa đạt kế hoạch đề ra.
Đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp
Hội nghị đã thống nhất trong nửa nhiệm kỳ tới cần tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết và các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển KT-XH của Trung ương, của tỉnh. Tập trung khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra gắn với tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên tất cả các lĩnh vực.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, quy hoạch trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu quả, khả thi, nhất là tập trung chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện về nguồn lực, xây dựng cơ chế, chính sách, kế hoạch... để triển khai Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quyết liệt chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, dự án đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao. Chỉ đạo khẩn trương hoàn tất thủ tục sớm khởi công các dự án, công trình đã được HĐND tỉnh thông qua; hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa bàn tỉnh và chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, thi công các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng.
Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư gắn với tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ thực chất, hiệu quả các DN, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án trọng điểm, tạo động lực như: Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định, Khu liên hợp Gang thép và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp Gang thép Long Sơn; dự án điện gió ngoài khơi...
Thứ ba, tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; triển khai có hiệu quả các chính sách, đề án về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản; chú trọng công tác bảo vệ môi trường. Thực hiện tốt công tác dự báo và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch.
Thứ tư, tiếp tục phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, đẩy nhanh tiến độ các dự án đã đăng ký gắn với đẩy mạnh thu hút các dự án du lịch, khu vui chơi giải trí quy mô lớn, hiện đại. Đầu tư, tôn tạo các di tích, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử trên địa bàn. Tăng cường quản lý các hoạt động du lịch và chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Tập trung phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá gắn với việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Bình Định với các tỉnh, thành phố, DN trong và ngoài nước.
Tập trung đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, KH&CN. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở GD&ĐT. Thực hiện tốt chính sách đối với người có công; chính sách an sinh xã hội. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nhất là ở tuyến cơ sở, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tăng cường công tác phòng, chống, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động.
Thứ năm, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ thu chi ngân sách. Tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, lạm thu, giảm nợ đọng thuế; trong đó, đẩy mạnh công tác thu tiền sử dụng đất để đảm bảo kế hoạch chi đầu tư phát triển đã được giao. Thực hiện chi ngân sách theo đúng tiêu chuẩn, định mức, kế hoạch; đồng thời, triệt để tiết kiệm chi, cắt giảm các khoản chi không thật sự cần thiết.
Thứ sáu, chỉ đạo tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tập trung quyết liệt nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính, nhất là trên lĩnh vực thu hút, triển khai các dự án đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Kiên quyết xử lý, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, chậm trễ... làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ; giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính. Đẩy mạnh công tác xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước.
Thứ bảy, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng - quân sự hằng năm. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Theo dõi, nắm chắc tình hình, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Phát hiện và xử lý kịp thời các loại tội phạm; triển khai đồng bộ các biện pháp kiềm chế và giảm thiểu TNGT, phòng, chống cháy nổ. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trên địa bàn.
Thứ tám, thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên, đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng; đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên mới. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp; chuẩn bị nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2025 - 2030 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa, hằng năm của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp. Thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Thứ chín, tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với công tác dân vận. Tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, động viên khích lệ các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tạo đồng thuận trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
B.B.Đ - Nguồn Báo Bình Định