CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình hành động số 10-Ctr/TU của Tỉnh uỷ về phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh, giai đoạn 2020-2025
Thứ tư 19/07/2023 07:33

Chiều ngày 18/7, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động số 10-Ctr/TU ngày 14/5/2021 của Tỉnh ủy về phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định, giai đoạn 2020 - 2025 đã tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo. Tham dự hội nghị còn có Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thúy Vân; các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo 11 huyện, thị, thành phố của tỉnh.

Quang cảnh hội nghị

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, qua hơn 2 năm triển khai Chương trình hành động số 10 của Tỉnh ủy về hoạt động phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Bình Định đã có những khởi sắc: Tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP của tỉnh năm 2020 là 31.87%, năm 2021 là 33,18%; năm 2022 là 41,95% (chỉ tiêu giai đoạn 2020-2025 là 38-42%). Đến nay, tỉnh đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn đầu tư vào Khu đô thị Khoa học Quy Hoà và Trung tâm Trí tuệ nhân tạo – Đô thị phụ trợ. Các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, nhất là ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất đời sống đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của một số cây trồng, vật nuôi và sản phẩm hàng hoá; Một số dự án khoa học và công nghệ đã hình thành được các sản phẩm trọng điểm của tỉnh như dược phẩm, sản phẩm nông nghiệp. Hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh đã đổi mới tích cực về cơ chế, chính sách, các nghiên cứu khoa học gắn với nhu cầu thực tiễn, đáp ứng được các vấn đề cấp bách của tỉnh như cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách làm nền tảng cho hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ của tỉnh, đã thu hút được sự tham gia của các thành tố trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chính sách hỗ trợ nhân lực có trình độ cao, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các công cụ năng suất chất lượng, sở hữu công nghiệp... đã phát huy tác dụng. Đề án “Phát triển Khu đô thị Khoa học Quy Hoà đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” tạo cơ sở cho tỉnh hoàn chỉnh quy hoạch, kêu gọi đầu tư để từng bước xây dựng và hình thành Thung lũng sáng tạo Quy Nhơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được việc triển khai thực hiện Kế hoạch gặp phải một số khó khăn: Tốc độ đổi mới công nghệ công nghệ còn thấp, chưa đạt yêu cầu; một số đơn vị, địa phương chưa hiểu đúng mức về vai trò then chốt của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội, từ đó thiếu các giải pháp chỉ đạo cụ thể để đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ tại đơn vị, địa phương; số doanh nghiệp quan tâm đến ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN và đổi mới công nghệ vào sản xuất kinh doanh không nhiều…

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 10-Ctr/TU của Tỉnh uỷ, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo xác định một số nhiệm vụ, giải pháp: Tăng cường công tác chỉ đạo của các cấp chính quyền đối với phát triển khoa học và công nghệ; Triển khai đồng bộ các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ; Xây dựng, phát triển thị trường khoa học và công nghệ; Ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao, công nghệ ưu tiên của tỉnh; Tiếp tục đổi mới cơ chế về tổ chức, quản lý hoạt động khoa học và công nghệ, đầu tư tiềm lực khoa học và công nghệ; Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế về khoa học và công nghệ.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo ghi nhận sự quan tâm trách nhiệm của cấp uỷ lãnh đạo đối với công tác KH&CN. Qua hơn 2 năm triển khai, việc thực hiện Chương trình hành động số 10-Ctr/TU đã mang lại những kết quả nhất định, các hoạt động nghiên cứu từng bước đưa vào hoạt động, vận hành. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, nguyên do, người đứng đầu chưa thật sự thấy cần thiết một cách rõ ràng về KHCN, còn tâm lý e ngại triển khai; khi người đứng đầu có tư duy thì bắt buộc cấp dưới phải vào cuộc; nhận thức rồi nhưng vẫn chưa hoàn thiện trong cách điều hành chỉ đạo; trong tổng số 52 đầu việc toàn việc lớn và thiết thực, trong đó phát triển xây dựng và phát triển KH&CN chưa rõ nét, một số chỉ tiêu thấp, tính ứng dụng chưa cao.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tất cả lãnh đạo tỉnh, sở, ngành, địa phương từ nay phải thay đổi căn bản, câu đầu tiên khi nhận trình các vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội các lĩnh vực, thì các đồng chí phải hỏi công nghệ nào, có chưa, ứng dụng triển khai thế nào, nếu các đồng chí làm được điều đó thì cấp dưới sẽ tự thay đổi và tập trung vào việc này. Khi đó chúng ta giải quyết được 50% hạn chế, tồn tại và 52 đầu việc sẽ được triển khai thành công khi đó tỉnh ta phát triển mạnh về KH&CN.

Để Chương trình hành động đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng định hướng một số giải pháp: Đầu tiên là các vấn đề lớn của tỉnh, các vấn đề triển khai của các sở, ngành và địa phương nhất là lĩnh vực liên quan đến phát triển kinh tế, là người đứng đầu các đồng chí quan tâm đến ứng dụng KH&CN để nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm. Tất cả các sở, ngành phải thống kê các sáng kiến, ứng dụng KH&CN để tập trung việc triển khai, nhân rộng các đề tài đã ứng dụng. Thay đổi cách quản lý, điều hành, trong đó các địa phương cũng lưu ý phải chủ động trong việc đặt hàng cho các nhà khoa học trên cơ sở thực tiễn sinh động tại địa phương, tập trung vào ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp. Về công nghiệp, tập trung thu hút công nghệ cao, tập trung phát triển công nghiệp Khu công viên phần mềm Quang Trung, triển khai đô thị thông minh, và các lĩnh vực khoa học công nghệ mà hiện nay một số doanh nghiệp lớn đã vào.

Đối với các sở, ngành, địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu nâng một tầm nhận thức mới, phải có tư duy đặt hàng, tư duy triển khai các nội dung cụ thể trong đặt hàng để có đầu bài đặt hàng cho các nhà khoa học. Riêng Sở Khoa học và Công nghệ yêu cầu xây dựng cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực và thị trường phát triển KH&CN trên địa bàn tỉnh; các sở, ngành liên quan thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ sở Khoa học và Công nghệ triển khai. Bên cạnh thay đổi cách điều hành, thành viên Ban Chỉ đạo cũng chú trọng đến việc kiểm tra, giám sát hiệu quả của các ứng dụng. Sở Tài chính phối hợp với Sở KH&CN tập trung giải quyết bài toán về vấn đề đặt hàng, thống nhất các cơ chế thanh toán. Liên hiệp hội tham gia tập trung nghiên cứu, là đơn vị đầu mối giúp tỉnh ứng dụng triển khai đề tài. Các viện nghiên cứu và các trường đề nghị khảo sát thực tế nghiên cứu đề tài giá trị ứng dụng cao và đặc biệt tập trung đào tạo nguồn nhân lực.

Qua hội nghị này, UBND tỉnh ghi nhận và tiếp thu nhiều ý kiến tâm huyết. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết, trong tháng 8 tới, tỉnh sẽ triển khai hội nghị nghiên cứu, chuyển giao cơ chế đặt hàng, thu hút nguồn nhân lực và phát triển KH&CN toàn tỉnh trên cơ sở 6 đầu việc lớn và 52 đầu việc nhiệm vụ nhỏ./.

Nguồn:binhdinh.gov.vn