Sáng 6.7, tại TP Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN (gọi tắt là NQLT số 403) ngày 15.6.2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dự và chỉ đạo hội nghị.
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tại các điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại điểm cầu Bình Định, đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Hồ Thị Kim Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Ủy ban MTTQ tỉnh. Ảnh C.H
Thông qua quá trình triển khai thực hiện NQLT số 403, nhận thức của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị và nhân dân về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ được nâng lên. Góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị.
Thực hiện các hình thức giám sát theo Chương II của NQLT số 403, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tiến hành giám sát 5 nội dung thông qua hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản đối với: Pháp luật về việc ưu đãi thuế đối với DN KH&CN; giám sát Nghị định số 84 về giám sát và đánh giá đầu tư liên quan đến Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; giám sát Pháp lệnh số 34 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; giám sát Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; giám sát Luật Đất đai... Từ đó, các kiến nghị sau giám sát của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đều được Chính phủ trả lời và chỉ đạo các bộ, ngành, liên quan khẩn trương nghiên cứu và có văn bản trả lời Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Mặt khác, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tiến hành giám sát 60.463 cuộc; tổ chức 87.356 đoàn giám sát bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản thực hiện chính sách, pháp luật của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân trên nhiều lĩnh vực và gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, của từng địa phương được nhân dân quan tâm.
Thực hiện các hình thức phản biện theo Chương III, NQLT số 403, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tổ chức 23.869 hội nghị phản biện. Đồng thời, gửi văn bản đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tham gia góp ý kiến, phản biện vào 42.051 văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển KT-XH, văn hóa... của các cơ quan, tổ chức tại địa phương, cơ sở.
Tại hội nghị, các đại biểu tại Trung ương và các địa phương tham gia góp ý, thảo luận, kiến nghị về nhiều nội dung còn khó khăn, bất cập và hạn chế như kinh phí hoạt động của MTTQ cấp cơ sở còn rất hạn chế; lúng túng trong lựa chọn nội dung giám sát; chất lượng một số cuộc giám sát còn hạn chế; tham luận về những kinh nghiệm và đổi mới, sáng tạo trong hoạt động giám sát và phản biện…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Đỗ Văn Chiến đề nghị cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội nói chung, Nghị quyết liên tịch 403 nói riêng.
Thời gian tới, đồng chí Đỗ Văn Chiến yêu cầu nghiên cứu mở rộng vai trò của MTTQ Việt Nam thực hiện phản biện xã hội xuyên suốt trong quy trình xây dựng pháp luật. Theo đó, ngoài việc có văn bản phản biện xã hội chính thức ở giai đoạn cơ quan soạn thảo tổ chức lấy ý kiến về dự án luật, thì MTTQ Việt Nam có thể có ý kiến phản biện xã hội cả ở các giai đoạn khác của quy trình xây dựng, ban hành luật…
CHƯƠNG HIẾU - Nguồn Báo Bình Định