Chiều 26.6, tại TP Quy Nhơn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc giữa Đoàn ĐBQH tỉnh với MTTQ và các tổ chức thành viên sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Dự hội nghị có các đồng chí: Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đồng Ngọc Ba, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; cùng các thành viên trong đoàn ĐBQH tỉnh.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh thông tin nhanh với cử tri, đại biểu kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: C.H
Tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh thông báo nhanh với cử tri, đại biểu kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Sau 23 ngày làm việc (đợt 1 từ ngày 22.5 - 10.6, đợt 2 từ ngày 19.6 - 24.6), Quốc hội đã thông qua 8 luật, 17 nghị quyết. Trong đó, có nhiều nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; về phân bổ vốn chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của các chương trình mục tiêu quốc gia...
Tại kỳ họp này, các ĐBQH đoàn Bình Định tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của người đại biểu của nhân dân nói chung, cử tri Bình Định nói riêng, tập trung trí tuệ, nghiên cứu, tham gia nhiều ý kiến có chất lượng tại các buổi thảo luận ở tổ và hội trường.
Quang cảnh tại buổi tiếp xúc. Ảnh: C.H
Các đại biểu đoàn Bình Định đã tham gia 39 lượt thảo luận, trong đó có 14 lượt tại hội trường, 25 lượt tại tổ; tham gia tích cực hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn với 3 lượt chất vấn trực tiếp 3 bộ trưởng, 2 lượt tranh luận với 1 bộ trưởng, gửi 2 chất vấn bằng văn bản đến Phó Thủ tướng Chính phủ (đối với lĩnh vực KH&CN và GTVT).
Cử tri nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: C.H
Mặt khác, các đại biểu còn tham gia góp ý, đề xuất bổ sung Luật Trật tự, ATGT đường bộ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Quốc hội đã tiếp thu, bổ sung Luật này và sẽ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (10.2023), thông qua tại kỳ họp thứ 7 (5.2024).
Trao đổi tại hội nghị, các cử tri đánh giá cao tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm cao của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp thứ 5; đồng thời, đề xuất một số nội dung, như: Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường công tác giám sát việc thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa, đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục; cần có quy định chặt chẽ hơn, giám sát về việc phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú; kiến nghị một số nội dung liên quan đến Nghị định 146 của Chính phủ quy định chế độ cho cựu TNXP.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn phát biểu tại buổi tiếp xúc. Ảnh: C.H
Phát biểu tại hội nghị tiếp xúc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn nhấn mạnh, các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu, cử tri đều rất xác đáng với tình hình thực tế hiện nay.
Đồng chí Lê Kim Toàn dành thời gian trả lời một số kiến nghị mà đại biểu, cử tri đặt ra. Cụ thể: Chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa, do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì sẽ được báo cáo với Quốc hội vào kỳ họp thứ 6 sắp tới. Ngoài ra, Trung ương đang chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; cùng với đó, Quốc hội cũng chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình sách giáo khoa. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ lưu ý ý kiến này của cử tri trong quá trình khảo sát, kiểm nghiệm lại thực tiễn.
Về ý kiến liên quan việc phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà thuốc nhân dân…, đồng chí Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh, việc phong tặng danh hiệu đã có trong Luật Thi đua và Khen thưởng từ lâu; điều kiện, tiêu chuẩn phong tặng danh hiệu đều phải thực hiện theo đúng luật đã quy định. “Gần đây, ở một số lĩnh vực còn đề nghị được phong tặng các danh hiệu khác (kiến trúc nhân dân, kiến trúc ưu tú, nhà văn nhân dân…) nhưng Quốc hội chưa đồng tình, bởi tiêu chuẩn, quy định và điều kiện phong tặng còn gặp nhiều ý kiến dư luận trái chiều và vướng mắc, chưa được tháo gỡ”, đồng chí Lê Kim Toàn cho hay.
Đối với các ý kiến khác của cử tri, đại biểu, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn cho biết, Đoàn ĐBQH tiếp thu, ghi nhận và sẽ tổng hợp, chuyển tới Quốc hội, các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết trong thời gian đến.
CHƯƠNG HIẾU - Nguồn Báo Bình Định