Ngày 5.6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự án luật. Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định đã đóng góp nhiều ý kiến về dự án dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Đại biểu (ĐB) Lê Kim Toàn, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định, có nhiều góp ý về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Theo ĐB Toàn, cần phân ra hai loại, đối với nhà ở riêng lẻ của cá nhân thì có chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước để cải tạo cho theo từng đối tượng, theo từng yêu cầu; đối với nhà ở chung cư khi không đảm bảo an toàn cho cư dân toàn tòa nhà thì công nhận quyền sở hữu nó, và bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì phải có những quy định bắt buộc. Đối với quyền sở hữu nhà gắn với quyền sử sử dụng đất, ĐB Toàn cũng đề nghị chia ra theo các loại hình, dự án đầu tư xây dựng để có chính sách đất đai phù hợp.
ĐB Lê Kim Toàn phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh
Đồng tình với mô hình mới nhà lưu trú cho công nhân, để công nhân không có nhu cầu mua thì có thể thuê lại trong thời gian làm việc ở DN. Tuy nhiên, ĐB Toàn cho rằng đưa nhà lưu trú công nhân vào trong khu công nghiệp thì chưa ổn, cần phải tính toán lại, có thể dùng hình thức nhà lưu trú hoặc có thể tổ chức hình thức nhà ở xã hội không bán mà cho công nhân thuê, được tổ chức thành thiết chế đầy đủ bên ngoài khu công nghiệp là tốt nhất, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, giải trí của công nhân và gia đình họ.
ĐB Hồ Đức Phớc phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh
ĐB Hồ Đức Phớc góp ý về nhà ở xã hội và nhà ở công nhân. Tại Điều 80, khoản 3 của dự thảo Luật, ĐB Phớc đề nghị điều chỉnh lại, bởi không đúng với Luật Ngân sách Nhà nước và các luật khác. Đối với nhà ở xã hội do DN đầu tư, đề nghị cùng với sự hỗ trợ thì Nhà nước cũng quy định giá bán tối đa căn hộ của DN, đảm bảo hướng đến đáp ứng nhu cầu của đối tượng được mua nhà ở xã hội.
Đối với phần hạ tầng nhà ở xã hội, ĐB Phớc cho rằng cần quy định chặt chẽ về quản lý của Nhà nước hay DN, để sau đó còn liên quan đến vấn đề bố trí ngân sách tu sửa, quản lý. Về phí để bảo trì và quản lý nhà ở xã hội phải giao UBND tỉnh ban hành, tránh tình trạng chủ đầu tư nâng mức phí lên cao gây khó khăn đối tượng người ở có thu nhập thấp.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh
ĐB Nguyễn Lân Hiếu, góp ý nên thận trọng xem xét quy định cho người nước ngoài được sở hữu nhà ở trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Theo ĐB Hiếu, có thể áp dụng đối với các Việt Kiều có đủ điều kiện, nhưng sau 5 năm xem xét lại đánh giá ưu nhược điểm của quy định này.
ĐB Đồng Ngọc Ba phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh
Đóng góp nhiều ý kiến về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), ĐB Đồng Ngọc Ba nhấn mạnh chúng ta cần phải nghiên cứu để đưa ra các quy định làm sao việc khai thác, sử dụng tài nguyên nói chung và tài nguyên nước này nói riêng theo nguyên tắc thị trường.
Đây là vấn đề rất lớn, ĐB Ba đề nghị Ban soạn thảo, các cơ quan chủ trì thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý thì có nghiên cứu, để làm sao sử dụng hiệu quả vừa đảm bảo an ninh, an toàn nhưng mà vẫn đảm bảo các giá trị của tài nguyên nước được phát huy. Cũng góp ý kiến về dự thảo Luật này, ĐB Lý Tiết Hạnh nêu nhiều vấn đề cần quan tâm, quy định cụ thể hơn về đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia; công tác điều hòa, phân bổ nguồn nước; quy định về tích trữ nước, phòng hạn hán và thiếu nước… hướng đến giải pháp lâu dài, hiệu quả hơn.
ĐB Lý Tiết Hạnh phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh
ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh
ĐB Nguyễn Văn Cảnh phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh
HOÀI THU - Nguồn Báo Bình Định