Sáng 31.5, đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động số 08-CTr/TU ngày 14.5.2021 của Tỉnh ủy về “Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) và làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025”.
Tham dự cuộc họp có đồng chí Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Nguyễn Tự Công Hoàng - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng báo cáo kết quả sau 2 năm thực hiện Chương trình hành động số 08-CTr/TU về “Phát triển CN-TTCN và làng nghề trên địa bàn tỉnh”. Ảnh: N. HÂN
Báo cáo tại cuộc họp đánh giá, sau hơn 2 năm triển khai Chương trình hành động số 08-CTr/TU, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 và tình hình suy thoái kinh tế thế giới đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất CN-TTCN trên địa bàn tỉnh, nhưng nhờ sự nỗ lực, phấn đấu của các cấp, các ngành, các DN, tỉnh Bình Định đã đạt những kết quả nhất định trong phát triển CN-TTCN. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng trong tổng sản phẩm địa phương (GRDP) năm 2021 tăng 8,49%, năm 2022 tăng 8,59%, 6 tháng đầu năm 2023 tăng 7,91%.
Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GRDP của tỉnh năm 2021 chiếm 29,7%; năm 2022 chiếm 29,16% và 6 tháng đầu năm 2023 chiếm 28,94%. Một số ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn hoạt động hiệu quả, duy trì tốc độ tăng trưởng.
Công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp được tăng cường, nhất là các dự án trọng điểm được chú trọng, tạo động lực phát triển KT-XH trong những năm tiếp theo. Công tác phát triển thị trường sản phẩm công nghiệp được quan tâm hỗ trợ thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu.
Trong hơn 2 năm qua, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng mạnh và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Ngoài ra, công tác đào tạo nghề cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu và các dự án sản xuất công nghiệp. Công tác kiểm tra, xử lý ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề và các cơ sở sản xuất được đặc biệt quan tâm...
Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo đã thảo luận, phân tích những tồn tại, hạn chế, đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất CN-TTCN tăng trưởng hơn nữa trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng phát biểu về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực phát triển công nghiệp. Ảnh: N. HÂN
Vấn đề mà các thành viên Ban chỉ đạo quan tâm là một số mục tiêu, chỉ tiêu phát triển CN-TTCN và làng nghề chưa đạt kế hoạch đề ra; vẫn còn một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh có chỉ số sản xuất giảm hoặc tăng trưởng thấp; chưa phát huy hết dư địa sẵn có, chưa tương xứng với tiềm năng trong phát triển công nghiệp, thương mại. Công tác thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn; chưa thu hút được các dự án lớn làm động lực phát triển công nghiệp cho tỉnh. Tỷ lệ lấp đầy tại các khu, cụm công nghiệp còn thấp. Một số dự án đầu tư sản xuất công nghiệp triển khai còn chậm so với tiến độ đã đăng ký.
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Phong Vũ đề nghị tỉnh rà soát, điều chỉnh các chính sách thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: N. HÂN
Ðể tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Chương trình hành động số 08-CTr/TU của Tỉnh ủy đề ra, Ban Chỉ đạo tập trung vào các nhóm giải pháp: Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động các khu, cụm công nghiệp, làng nghề theo quy hoạch. Tiếp tục phát triển các ngành hàng, sản phẩm có lợi thế của tỉnh; phát triển công nghiệp chế biến gắn với sản phẩm nông - lâm - thủy sản; phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thu hút đầu tư phát triển công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh. Triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN khôi phục sản xuất, kinh doanh, nhất là các DN sản xuất có quy mô lớn, các nhà máy mới vào hoạt động để phát huy giá trị sản xuất công nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo. Ảnh: N. HÂN
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: Để thúc đẩy tăng trưởng phát triển CN-TTCN và làng nghề trong thời gian đến, yêu cầu thành viên Ban chỉ đạo, các cấp, các ngành tiến hành rà soát lại tất cả cơ chế, chính sách, những vấn đề còn tồn tại, bất cập, thiếu hiệu quả để có điều chỉnh kịp thời, tạo hành lang pháp lý thông thoáng thúc đẩy phát triển.
Bên cạnh đó, tiến hành rà soát lại quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở kết cấu hạ tầng. Yêu cầu đổi mới cách thức thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, các chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ KHKT vào các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Tiếp tục triển khai một số dự án KH&CN có quy mô lớn, có tác động mạnh mẽ đến năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm trọng điểm của tỉnh và nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công. Tăng cường công tác đào tạo nghề đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các DN.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo môi trường thu hút đầu tư thông thoáng nhất cho nhà đầu tư khi đến xúc tiến đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
NGUYỄN HÂN - Nguồn Báo Bình Định