CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới
Thứ tư 24/05/2023 07:25

Sáng 23.5, tại Văn phòng Tỉnh ủy, đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 14.5.2021 của Tỉnh ủy về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025”.

Tham dự cuộc họp có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Giờ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Phong Vũ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh.

Theo đánh giá tại cuộc họp, qua hơn 2 năm thực hiện, các cấp ủy, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đã nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và đạt nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương của ngành NN&PTNT năm 2021 tăng 2,94%; năm 2022 tăng 3,26%.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu đề ra các giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Ảnh: N. HÂN

Đáng ghi nhận là ngành NN&PTNT đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương, DN đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyển giao những giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất, chất lượng tốt, có khả năng cạnh tranh và thích ứng với biến đối khí hậu vào sản xuất. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ được các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Thị Tố Trân phát biểu về những kết quả đạt được qua 2 năm thực hiện Chương trình hành động số 11-CTr/TU. Ảnh: N. HÂN

Các địa phương đã đẩy mạnh liên kết với các DN xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn mang lại năng suất, hiệu quả cao. Các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn, hữu cơ, VietGAP… ngày càng tăng. Công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được tăng cường và kiểm soát, giúp nông dân yên tâm phát triển chăn nuôi. Phương thức chăn nuôi được chuyển dịch dần từ nhỏ lẻ sang trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Nhiều trang trại đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, trang thiết bị hiện đại trong chăn nuôi và xử lý chất thải…

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua thực hiện Chương trình hành động số 11-CTr/TU còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế. Trong đó, đáng chú ý là hoạt động tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gặp khó khăn, giá cả không ổn định. Mặt khác, giá thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng cao, dẫn đến chi phí chăn nuôi cao, người chăn nuôi ít lãi. Công tác dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong nước chưa thực sự hiệu quả, gây lúng túng cho công tác định hướng sản xuất nông nghiệp theo từng thời điểm cụ thể tại các địa phương.

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Giờ phát biểu đánh giá cao kết quả đạt được qua hơn 2 năm thực hiện Chương trình hành động số 11-CTr/TU. Đồng thời đề nghị ngành NN&PTNT cần đẩy mạnh việc xây dựng các vùng nguyên liệu nông lâm thủy sản gắn với nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh. Ảnh: N. HÂN

Bên cạnh đó, việc nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt, chăn nuôi còn gặp khó khăn. Công tác cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp bước đầu phát triển nhưng vẫn chưa đồng đều giữa các khâu trong sản xuất. Một số loại máy chưa phát huy được hiệu quả cao do đồng ruộng có quy mô diện tích lô, thửa nhỏ, manh mún, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ nên việc ứng dụng rộng rãi các loại máy nông nghiệp hiện đại còn hạn chế.

Tình hình hoạt động của các HTXNN gặp khó khăn; một số sản phẩm đã có thương hiệu của các HTX (chủ yếu là trái cây, rau, thực phẩm) gặp khó khăn trong việc tiêu thụ…

Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng báo cáo kết quả tiêu thụ sản phẩm OCOP của nông dân trong tỉnh thời gian qua. Ảnh: N. HÂN

Tại cuộc họp, các thành viên trong Ban chỉ đạo và lãnh đạo các sở, ngành đã tập trung phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, đề xuất các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đánh giá, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 11-CTr/TU, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng nhìn chung ngành NN&PTNT có sự tăng trưởng đáng ghi nhận; giữ vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Khẳng định vai trò, vị thế của ngành NN&PTNT trong tiến trình phát triển của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng yêu cầu các thành viên trong Ban chỉ đạo, ngành Nông nghiệp tỉnh, chính quyền các địa phương cần quan tâm khắc phục 3 tồn tại cốt lõi gồm: Quan tâm tạo đầu ra thuận lợi cho nông sản; nâng cao hiệu quả sản xuất trên từng đơn vị diện tích và xây dựng được các chuỗi giá trị liên kết “4 nhà”: Nhà nước - DN - nhà nông - nhà khoa học.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương phải cùng xắn tay vào cuộc. Cần phải đổi mới cách thức, phương pháp khảo nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi mới mang lại năng suất, hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng ở địa phương để chuyển giao cho nông dân. Ngân sách tỉnh sẵn sàng đáp ứng cho các hoạt động nghiên cứu, xây dựng mô hình trình diễn để nhân rộng, chuyển giao cho nông dân.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: N. HÂN

Cùng với đó, cần quan tâm đặc biệt tới vấn đề tiêu thụ nông sản cho nông dân, không để tình trạng nông dân “tự bơi” với sản phẩm nông sản do mình làm ra. Từng huyện xem xét thành lập các HTX chuyên về gom mua, tiêu thụ nông sản cho nông dân. UBND tỉnh xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai, chi phí vận chuyển cho các HTX. Hình thành các phiên chợ tiêu thụ sản phẩm OCOP tại TP Quy Nhơn để vừa giới thiệu, vừa tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Sở Công Thương xây dựng hệ thống thương mại điện tử để giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh ra thị trường trong và ngoài nước. Tiếp tục có các chính sách ưu đãi, hấp dẫn, mời gọi các nhà đầu tư xúc tiến xây dựng các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh.

“Tới đây, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, huy động nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng nông thôn như: Công trình cấp nước sạch, xử lý rác thải, kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi… nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng nông thôn. Tiếp tục quan tâm tạo điều kiện cho nông dân được vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất. Đồng thời, tiếp tục quan tâm huy động nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tại các địa phương trong tỉnh, phấn đấu trong năm 2023 và 2024 có thêm 2 địa phương về đích huyện nông thôn mới gồm Tây Sơn và Phù Mỹ” - Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.

NGUYỄN HÂN - Nguồn Báo Bình Định