Chuẩn mực đạo đức cách mạng hiện nay của cán bộ, đảng viên đối với công việc phải được xây dựng trên cơ sở kế thừa văn hóa truyền thống của dân tộc, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu tinh hoa văn hóa đạo đức của thời đại mở cửa, hội nhập quốc tế.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo khoa học “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ngày 22/5/2022.
NHỮNG BIỂU HIỆN CỤ THỂ CỦA CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG ĐỐI VỚI CÔNG VIỆC
Đạo đức cách mạng là một trong những giá trị cốt lõi của người cán bộ, đảng viên; là yếu tố quan trọng tạo nên giá trị, vị thế, uy tín của người cán bộ, đảng viên trong xử lý các mối quan hệ xã hội và trong công việc. Bên cạnh yếu tố trí tuệ, tài năng, chuẩn mực đạo đức giúp cán bộ, đảng viên làm việc có mục đích, luôn kiên định và giữ vững mục tiêu, lý tưởng, thấy rõ bổn phận và trách nhiệm, điều chỉnh hành vi ứng xử, trong bất cứ hoàn cảnh nào; khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ hãi, chán nản, lùi bước.
Trong thực hiện công việc, đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên được thể hiện thông qua những phẩm chất, thái độ, tư duy, phương pháp, cách ứng xử với mục tiêu cao nhất là hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần hiện thực hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực tiễn. Thông qua công việc, người cán bộ được thực hành các tiêu chuẩn đạo đức, được thể hiện nhân cách, được bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp của cá nhân, qua đó, góp phần lưu giữ, làm giàu truyền thống đạo đức của tập thể và của dân tộc. Đối với người đảng viên, đạo đức cách mạng là yếu tố quan trọng tạo nên bản chất của Đảng như Bác Hồ đã từng khẳng định “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”; sự giàu có về đạo đức cách mạng sẽ làm cho Đảng có đủ bản lĩnh, dũng khí, tư cách, tài năng lãnh đạo toàn dân tộc vượt qua khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Những tiêu chí cụ thể của chuẩn mực đạo đức đối với công việc được thể hiện ở nhiều khía cạnh, nhiều giá trị đã được khẳng định và đang được cán bộ, đảng viên thực hiện, đó là: Tinh thần yêu Tổ quốc, tự hào về truyền thống dân tộc; nắm vững và thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; am hiểu công việc, tâm huyết với nghề nghiệp, thực hiện đúng chức trách, thẩm quyền, nhiệm vụ được giao; luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, của nhân dân lên trên hết và trước hết; có ý thức giữ gìn danh dự, phẩm giá, uy tín của cán bộ, đảng viên; có tinh thần đoàn kết, phối hợp, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ được giao; thường xuyên tự soi, tự sửa, rút kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ để hoàn thiện bản thân, phát triển những giá trị mới của đạo đức cách mạng trong thời kỳ mới. Thông qua công việc, những tiêu chuẩn, giá trị đạo đức nêu trên của người cán bộ, đảng viên được bộc lộ, được rèn luyện và được chuẩn hóa, phát triển lên tầm cao mới phù hợp với chức trách, nhiệm vụ đảm nhận.
Bên cạnh phần lớn cán bộ, đảng viên luôn tuân thủ và thực hành tốt đạo đức cách mạng đối với công việc, vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về nhiều mặt, trong đó có suy thoái về đạo đức công vụ với nhiều biểu hiện cơ bản như: Phai nhạt lý tưởng, lười học tập lý luận chính trị; chỉ lo vun vén lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân; không chấp hành kỷ luật, kỷ cương; quan liêu, hách dịch, nhũng nhiễu khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức và nhân dân. Thực tế những năm qua, đã có hàng nghìn cán bộ, đảng viên vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống đã bị kỷ luật, trong đó, có cả những đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo thiếu gương mẫu, đạo đức, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cá nhân chủ nghĩa, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao và phải chịu các hình thức kỷ luật đảng như cảnh cáo, cách chức, khai trừ ra khỏi Đảng; bị pháp luật trừng trị, khởi tố, bắt giam. Trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Điều đó đặt ra yêu cầu phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên đối với công việc để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các sai phạm của cán bộ, đảng viên ngay từ khi mới phát sinh.
HOÀN THIỆN CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN ĐỐI VỚI CÔNG VIỆC TRONG GIAI ĐOẠN MỚI
Chuẩn mực đạo đức cách mạng hiện nay của cán bộ, đảng viên đối với công việc phải được xây dựng trên cơ sở kế thừa văn hóa truyền thống của dân tộc, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu tinh hoa văn hóa đạo đức của thời đại mở cửa, hội nhập quốc tế. Mục tiêu của hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng là để cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi, ứng xử trong công việc hằng ngày, hoàn thiện bản thân, xây dựng giá trị chung của cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới. Chuẩn mực đạo đức phải bám sát và phục vụ nhiệm vụ chính trị đang đảm nhiệm, phù hợp với môi trường, điều kiện làm việc mới như không gian mạng, môi trường số.
Việc tiếp tục xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên là yêu cầu vừa cấp thiết vừa có ý nghĩa chiến lược trong việc xây dựng và hoàn thiện nhân cách, phẩm chất văn hóa của con người Việt Nam trong thời đại mới. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đã đặt ra yêu cầu các cơ quan chức năng “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần Đảng ta là đạo đức, là văn minh cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc”(1).
Dưới góc độ nghiên cứu, các chuẩn mực đạo đức cách mạng của người đảng viên đối với công việc cần được chuẩn hóa theo các nhóm sau đây:
Thứ nhất, nhóm chuẩn mực đạo đức về hệ tư tưởng, ý thức chính trị gồm các yếu tố làm nên tiêu chuẩn chính trị của người cán bộ đảng viên như lòng trung thành, sự tin tưởng, kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng, luôn lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hành động của bản thân; nghiêm chỉnh chấp hành, tuân thủ mọi chủ trương, đường lối của Đảng, kỷ luật đảng; không suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống; không có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, luôn có ý chí, khát vọng cống hiến vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.
Thứ hai, nhóm chuẩn mực đạo đức về pháp luật là các tiêu chí thể hiện sự tuân thủ, thực hiện đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, đơn vị nơi công tác; giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, giữ nghiêm kỷ luật, bảo đảm cho một xã hội luôn được vận hành một cách trật tự, có kỷ luật, kỷ cương.
Thứ ba, nhóm chuẩn mực đạo đức về quan hệ xã hội là các tiêu chí về mối quan hệ của cán bộ, đảng viên với cấp trên, cấp dưới và đồng nghiệp, với nhân dân, với đối tác trong thực thi nhiệm vụ được giao. Trong đó, cần chú trọng đến các giá trị như sự trung thực, sự tận tụy, tận tâm, tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau trong công việc. Đặc biệt là trong sự tương tác, giải quyết công việc liên quan đến nhân dân, người cán bộ, đảng viên phải có các phẩm chất đạo đức: tôn trọng nhân dân, tin dân, gần dân và học dân.
Thứ tư, nhóm chuẩn mực đạo đức về khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Hiện nay, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang phát triển mạnh mẽ, việc ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ được thực hiện ở hầu hết các lĩnh vực, các ngành nghề, đòi hỏi người cán bộ, đảng viên cũng cần có những tiêu chuẩn, tiêu chí về đạo đức cách mạng như sử dụng đúng mục đích, sử dụng tiết kiệm và bảo quản tốt tài sản các phương tiện cơ sở, vật chất, trang thiết bị; giữ gìn bí mật quốc gia, tích cực tham gia phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Thứ năm, nhóm chuẩn mực đạo đức trong quan hệ quốc tế. Đất nước ta đang chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng nhằm tận dụng thời cơ, nguồn lực từ quốc tế phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cán bộ, đảng viên khi thực hiện nhiệm vụ ngoại giao, quan hệ quốc tế cũng cần phải có những tiêu chuẩn phẩm chất, đạo đức như tinh thần hòa hiếu, lòng vị tha, ứng xử văn hóa, có trách nhiệm, ham học hỏi, cầu tiến bộ.
Đồng chí Võ Văn Thưởng và các đại biểu tham quan triển lãm ảnh và sách “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ngày 22/5/2022.
Song song với các nhóm chuẩn mực nêu trên, cần đẩy mạnh giáo dục đạo đức và quy định chế độ học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên.
Với tư cách là bộ phận ưu tú của dân tộc, thành viên của đội tiên phong lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, cán bộ, đảng viên ở bất cứ vị trí công tác nào cũng đều phải tiên phong gương mẫu trong rèn luyện, tu dưỡng, thực hành đúng đắn các chuẩn mực đạo đức cách mạng để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Mỗi cán bộ, đảng viên cần xác định tâm thế rèn luyện đạo đức cách mạng thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi, gắn với thực tiễn công việc của bản thân để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Bên cạnh sự tự giác của cá nhân, các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cũng cần tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng để cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi, ứng xử trong công việc hàng ngày, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận, trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước những khó khăn, thử thách, không bị cám dỗ bởi tiền tài, vật chất, danh vọng. Tăng cường đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phi đạo đức. Cổ vũ, biểu dương các gương sáng đạo đức, tạo ảnh hưởng sâu rộng trong Đảng và ngoài xã hội. Đồng thời, cần quy định chế độ học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên thông qua thực hành công việc, thực hiện chức trách, nhiệm vụ.
Sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian tới bên cạnh những thuận lợi, thời cơ cũng có không ít khó khăn, thách thức, nguy cơ, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên không chỉ có tri thức, năng lực mà còn phải có lòng nhiệt tình cách mạng, có đạo đức cách mạng trong sáng, có khát vọng cống hiến, phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; không tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; chống chủ nghĩa cá nhân; trọng dân, tin dân, học dân, vì nhân dân, tất cả vì sự phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Đó là những biểu hiện của chuẩn mực đạo đức cao đẹp mà mỗi cán bộ, đảng viên phải hướng tới để hoàn thiện nhân cách, phẩm chất của mình, để hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó./.
Chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên đối với công việc được hiểu là những quy định về tiêu chuẩn, nguyên tắc, thước đo hành vi chuẩn mực mà mỗi cán bộ, đảng viên khi thực thi nhiệm vụ đều phải có và tuân thủ. Trong từng giai đoạn, từng công việc khác nhau, các chuẩn mực đạo đức không chỉ được cán bộ, đảng viên thường xuyên rèn luyện thực hành, trau dồi, đồng thời bổ sung, phát triển những chuẩn mực đó lên tầm cao mới cho phù hợp với thời đại, với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Chuẩn mực đạo đức cách mạng được thể hiện bằng các chuẩn giá trị như lòng trung thành, tính trung thực, tận tụy, trách nhiệm, chấp hành kỷ luật, kỷ cương, quy định của pháp luật; luôn có tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dấn thân vì sự nghiệp chung, vì thế nó được coi là những căn cứ để đánh giá phẩm chất, nhân cách, thái độ, hành vi của cán bộ, đảng viên, đồng thời là điều kiện để cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ được giao. |
Trung tướng, PGS.TS. Trần Vi Dân
Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương,
Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử, Bộ Công an
Nguồn Tạp chí Ban Tuyên giáo Trung ương